Thứ bảy, 23/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Hơn 30 ngân hàng đăng ký hỗ trợ khách hàng thiệt hại do bão lũ

Nguyên Tân

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Bên cạnh mức giảm lãi suất từ 0,5 - 2%/năm dành cho cả khách hàng hiện hữu và khách hàng vay mới, một số ngân hàng còn giảm 50 - 100% tiền lãi cho khách hàng từ nay đến hết năm 2024.

Quang cảnh tan hoang tại một doanh nghiệp chế biến thuỷ hải sản ở Hải Phòng sau bão số 3 Yagi. Ảnh: H.T

Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến ngày 22-9 đã có 32/40 ngân hàng đăng ký các gói tín dụng mới theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, với tổng số tiền lên tới 405.000 tỉ đồng, lãi suất giảm từ 0,5 - 2% để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân chịu tác động bởi cơn bão số 3 (Yagi), theo TTXVN.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã giảm từ 0,5 - 2% lãi suất cho vay trong giai đoạn từ ngày 6-9 đến 31-12-2024 đối với tất cả các khách hàng bị thiệt hại nặng do bão số 3 mà không phải chờ khách hàng làm đơn đề nghị. Tổng dư nợ hỗ trợ khoảng 160.000 tỉ đồng.

Tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), căn cứ mức độ thiệt hại của khách hàng, Agribank giảm từ 0,5 - 2%/năm lãi suất cho vay và miễn giảm 100% lãi quá hạn, lãi chậm trả trong thời gian từ 6-9 đến 31-12-2024 cho khách hàng hiện hữu. Đồng thời, đối với khoản vay mới phát sinh từ ngày 6-9 đến 31-12-2024, Agribank giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay theo từng đối tượng, lĩnh vực, áp dụng trong thời gian tối đa 6 tháng kể từ ngày giải ngân.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) công bố giảm lãi suất tối đa lên đến 2%/năm tùy theo mức độ thiệt hại và kỳ hạn vay vốn của các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Tổng quy mô dư nợ áp dụng giảm lãi suất là 100.000 tỉ đồng. Trong đó, 40.000 tỉ đồng cho các khoản vay hiện hữu và triển khai gói tín dụng quy mô 60.000 tỉ đồng cho các khoản vay mới. Thời gian hỗ trợ giảm lãi suất từ ngày 20-9 đến 31-12-2024.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cũng dành gói hỗ trợ quy mô đến 100.000 tỉ đồng để cho vay ưu đãi lãi suất với mức giảm lên đến 2%/năm, áp dụng đến hết năm 2024.

Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank) dự kiến dành gói tín dụng ưu đãi 10.000 tỉ đồng với mức lãi suất thấp hơn thông thường. HDBank sẽ giảm 1% lãi suất của các khoản vay hiện hữu phục vụ sản xuất kinh doanh của khách hàng. Đối với các khoản vay sản xuất kinh doanh mới, lãi suất sẽ được giảm 2% trong ba tháng đầu tiên so với lãi suất hiện hành hoặc 0% cho tháng đầu tiên.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) giảm 2%/năm lãi suất cho vay trên dư nợ hiện hữu hoặc dư nợ mới. Đồng thời, ngân hàng giảm thêm 50% phí dịch vụ và miễn phí tất toán trước hạn. Tổng dư nợ giảm lãi suất ước khoảng 27.500 tỉ đồng với số tiền giảm gần 100 tỉ đồng.

Các chương trình tương tự cũng được nhiều ngân hàng khác triển khai như Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank), Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank), Ngân hàng Shinhan Việt Nam...

Bên cạnh mức giảm lãi suất phổ biến từ 0,5 - 2%/năm dành cho cả khách hàng hiện hữu và khách hàng vay mới, một số ngân hàng còn giảm thêm tiền lãi cho khách hàng. Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) giảm 50% lãi phải trả của của khách hàng hiện hữu bị thiệt hại từ ngày 1-9 đến  31-12-2024 và căn cứ vào tình hình thiệt hại mà SHB có thể giảm tới 100%.

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cũng dành hơn 2.000 tỉ đồng hỗ trợ cho khách hàng cá nhân với mức giảm lên đến 50% tiền lãi hiện tại, đồng thời mức lãi suất ưu đãi này sẽ được giữ cố định đến muộn nhất là 31-1-2025. Tương tự với khách hàng doanh nghiệp, TPBank cũng dành 2.000 tỉ đồng; trong đó có 1.200 tỉ đồng hỗ trợ lãi suất cho khách hàng hiện hữu và 800 tỉ đồng dành cho khách hàng vay mới với lãi suất giảm tối đa đến 2%

Trước đó, ngày 20-9, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức hội nghị kết nối với 26 tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng bão số 3 để triển khai các nhiệm vụ và giải pháp khắc phục hậu quả và thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Cập nhật tại hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết toàn ngành ngân hàng thống kê có khoảng 116.000 tỉ đồng dư nợ bị ảnh hưởng do bão số 3 với hơn 83.400 khách hàng bị thiệt hại. Các địa phương có dư nợ thiệt hại lớn bao gồm Yên Bái chiếm 18,55% tổng dư nợ trên địa bàn, Hải Phòng chiếm 10,65%, Quảng Ninh chiếm 7%, Hải Dương chiếm 8,64%.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới