(KTSG Online) - Theo Bộ Tài chính, 8 tháng đầu năm, cả nước còn 33 bộ, cơ quan trung ương và 8 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 25% kế hoạch vốn. Nguyên nhân được xác định là do những vướng mắc về biến động giá nguyên vật liệu, khó khăn về nguồn cung, khan hiếm nguyên vật liệu; một số dự án đang hoàn thiện đủ thủ tục đầu tư; một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương đang đề nghị giảm kế hoạch năm 2023.
- Hà Nội đặt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đạt trên 95%
- Các địa phương sốt ruột vì giải ngân vốn đầu tư công đầu năm quá thấp
Báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, giải ngân vốn đầu tư công cả nước trong 8 tháng đầu năm đạt gần 299.500 tỉ đồng, đạt 39,6% kế hoạch vốn và đạt 42,3% kế hoạch Thủ tướng giao. Trong đó, tỷ lệ giải ngân vốn trong nước đạt 43% kế hoạch vốn, vốn nước ngoài là 25,95%.
TTXVN dẫn thông tin từ báo cáo nêu trên, liệt kê 11 bộ, cơ quan trung ương và 33 địa phương có tỷ lệ giải ngân từ 40% trở lên. Nổi bật như Ban quản lý lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đạt 65,38% kế hoạch vốn, Ngân hàng Nhà nước đạt 62,75%, Ngân hàng Phát triển là 100%, tỉnh Tiền Giang đạt 62,12%, tỉnh Long An đạt 66,18% và tỉnh Đồng Tháp chiếm 66,94% kế hoạch vốn.
Tuy nhiên, còn 41 bộ, cơ quan trung ương và 30 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 40% kế hoạch vốn. Trong đó, có 33 bộ, cơ quan trung ương và 8 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 25% kế hoạch vốn.
Những nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm giải ngân này như một số dự án đang hoàn thiện đủ thủ tục đầu tư để phân bổ vốn. Một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương đang đề nghị giảm kế hoạch năm 2023. Một số địa phương chưa tổ chức đấu giá đất nên chưa có số thu để giải ngân cho dự án.
Ngoài ra còn những vướng mắc về biến động giá nguyên vật liệu, khó khăn về nguồn cung, khan hiếm nguyên vật liệu dẫn đến chủ đầu tư chậm thực hiện các thủ tục về điều chỉnh dự toán giá hợp đồng; chậm phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án. Một số dự án sử dụng nguồn vốn ODA cũng đang gặp khó khăn trong việc gia hạn hiệp định hay thực hiện các thủ tục điều chỉnh, đấu thầu, nghiệm thu.
Trên cơ sở này, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chủ động điều chỉnh kế hoạch vốn từ các dự án chậm giải ngân sang dự án có nhu cầu bổ sung vốn và có khả năng giải ngân.
Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cũng cần phân bổ kế hoạch vốn năm 2023 cho các dự án thuộc danh mục dự án được giao, đồng thời, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 cho phù hợp.
Giải ngân vốn thấp có đủ thứ lý do từ cơ chế, con người… Nhìn từ cơ chế vốn cũng do con người đặt ra làm ra nhưng họ lại lấy đó làm lý do như thể từ vũ trụ gửi đến, chung quy là con người tất cả, nếu quyết tâm thì sẽ vượt qua mọi trở ngại để về đích, còn ngược lại thì hiệu quả là thấy trước mắt.
Tập trung vào quy trình 3 khâu: Người chia tiền/ Người giữ tiền/ Người xài tiền. Phân tích rõ, sẽ thấy ngay vấn đề. Chia tiền thì phải biết chia cho ai, đáng tin và đáng làm không. Giữ tiền thì phải biết dùng tiền sao cho hiệu quả nhất, thời gian là vàng bạc, tiền treo tài khoản thì phải gánh lãi/ phí… rốt cuộc dân phải chịu. Người xài tiền phải biết chi dùng đúng nơi, đúng lúc, chất lượng, hiệu quả và tiến độ luôn là ưu tiên hàng đầu.