(KTSG Online) - Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản tiếp tục tăng với 815 vụ, tăng hơn 11% trong tháng 8-2024 và lừa đảo qua mạng chiếm gần 55% tổng số vụ.
- Nỗi lo từ việc lừa đảo trực tuyến trang bị thêm ‘vũ khí’
- Chống lừa đảo bằng xác thực sinh trắc học khi chuyển tiền: Cần nhưng chưa đủ
Trong 5 tháng, từ tháng 3 đến tháng 8-2024, Bộ Công an đã vô hiệu hóa hơn 400.000 website, tài khoản mạng xã hội nghi vấn hoạt động lừa đảo trực tuyến. Đây là thông tin được Bộ Công an đưa ra chiều 7-9 tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8-2024, theo TTXVN.
Bộ Công an cho biết đã tiến hành rà soát, vô hiệu hóa các website, tài khoản mạng xã hội nghi vấn giả mạo các cơ quan, tổ chức để lừa đảo trên không gian mạng; đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ để khẩn trương truy vết dòng tiền, tạm thời khóa và phong tỏa tài sản có liên quan đến hoạt động lừa đảo phạm tội chiếm đoạt tài sản.
Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong thời gian qua tiếp tục tăng. Trong tháng 8-2024, cả nước đã xảy ra 815 vụ, tăng hơn 11%, chiếm gần 16% trong cơ cấu tội phạm, trong đó tội phạm lừa đảo qua mạng chiếm gần 55% tổng số vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bọn tội phạm sử dụng nhiều thủ đoạn như giả mạo các cơ quan, tổ chức thuế, ngân hàng, công an… để gọi điện thoại lừa gạt; giả mạo website các tập đoàn, công ty, thương hiệu lớn để thu hút vốn đầu tư, tuyển dụng nhân sự; lập các trang Facebook có logo của các trường đại học để lừa đảo tiền học phí, lệ phí...
Để làm giảm nạn lừa đảo, trong thời gian qua Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông ngăn chặn sim rác, đảm bảo chính chủ sử dụng thuê bao điện thoại di động; phối hợp với ngân hàng chống tài khoản ảo và áp dụng biện pháp khi chuyển tiền trên 10 triệu đồng phải kiểm tra sinh trắc học.