(KTSG Online) - Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, trong hơn một năm thực hiện các chính sách của Nghị quyết số 68/NQ-CP, cả nước có hơn 36,4 triệu lao động và hàng trăm ngàn doanh nghiệp được hỗ trợ với tổng kinh phí hơn 45.600 tỉ đồng.
- Bàn thêm gói hỗ trợ hàng ngàn lao động mất việc, giãn việc
- Tiền Giang hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân để cấp mã số vùng trồng nông sản xuất khẩu
Tại hội nghị tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động được tổ chức sáng 26-12, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, tính đến ngày 30-6-2022, cả nước có 36,4 triệu lao động, hơn 394.400 đơn vị sử dụng lao động và 508.127 hộ kinh doanh đã được nhận các gói hỗ trợ. Tổng số tiền hỗ trợ là hơn 45.600 tỉ đồng.
Thời gian qua, bộ còn thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận, giải đáp các nội dung chính sách; lập 6 số điện thoại để hướng dẫn, hỗ trợ; tiếp nhận gần 25.000 cuộc gọi đề nghị giải đáp của người dân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, đồng thời, cung cấp đường dây nóng để tiếp nhận các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo.
Các đơn vị đã mở các kênh tiếp nhận hồ sơ trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam để giải quyết chế độ, chính sách cho người lao động, doanh nghiệp. Ngoài ra, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với các lực lượng chức năng thành lập 12 đoàn kiểm tra, giám sát tại 27 tỉnh thành, như Đắk Lắk, Hậu Giang, Bình Dương, Bắc Ninh, TPHCM, Đồng Nai…
Một số địa phương còn gặp nhiều bất cập trong thực hiện chính sách như thiếu nhất quán; việc rà soát đối tượng, cấp phát kinh phí chưa kịp thời; chi trả chế độ còn chậm; đối tượng thụ hưởng đa dạng, phức tạp trong khi nguồn lực có hạn…
Nghị quyết số 68/NQ-CP gồm 12 chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động. Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7-7-2021 được sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg ngày 6-11-2021.
Các nguyên tắc cơ bản của các chính sách này là hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch; xây dựng các tiêu chí, điều kiện dễ tiếp cận; thủ tục hành chính giảm tới 2/3 so với Nghị quyết 42/NQ-CP; bảo đảm chính sách có tính khả thi, hiệu quả và mỗi đối tượng chỉ hưởng một lần trong một chính sách.