Thứ bảy, 25/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Hơn 5.000 tỉ đồng cho kế hoạch nước sinh hoạt nông thôn ĐBSCL

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hơn 5.000 tỉ đồng cho kế hoạch nước sinh hoạt nông thôn ĐBSCL

Trung Chánh

(TBKTSG Online) - Trong vòng năm năm tới (2021-2025), các địa phương khu vực Đồng bằng sông cửu Long cần hơn 5.000 tỉ đồng để đầu tư các công trình cấp nước tập trung nhằm phục vụ nước sinh hoạt cho người dân khu vực nông thôn.

Dự án 2.000 tỉ đồng ‘bán nước thô’ cho Tiền Giang, Long An và Bến Tre

Hơn 5.000 tỉ đồng cho kế hoạch nước sinh hoạt nông thôn ĐBSCL
Người dân vùng hạn mặn phải mua nước sông chưa qua xử lý để sử dụng hàng ngày. Ảnh: Trung Chánh

Nội dung nêu trên được thể hiện trong báo cáo hiện trạng và đề xuất giải pháp tổng thể cấp nước nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được công bố hôm 27-5.

Theo đó, có hơn 400 công trình cấp nước tập trung được các địa phương vùng ĐBSCL đề xuất đầu tư với tổng vốn đầu tư là hơn 5.045 tỉ đồng, trong đó, cần nguồn vốn trung ương hỗ trợ là hơn 2.848 tỉ đồng; vốn ngân sách địa phương là hơn 1.599 tỉ đồng và vốn của dân là trên 296 tỉ đồng.

Với quy mô đầu tư các công trình cấp nước tập trung như nêu trên, dự kiến sẽ có 864.700 hộ dân khu vực nông thôn của vùng được sử dụng nước sạch trong giai đoạn từ năm 2021-2025.

Ngoài ra, các địa phương vùng ĐBSCL cũng cần một nguồn kinh phí trên 584 tỉ đồng để đầu tư các công trình cấp nước quy mô hộ gia định nhằm phục vụ cho 108.100 hộ dân trong giai đoạn từ năm 2021-2025.

Nói về hiện trạng cấp nước sinh hoạt nông thôn vùng ĐBSCL, ông Lương Văn Anh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục thủy lợi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện có 98% người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh (vùng ĐBSCL hiện có khoảng 18 triệu người); 55% sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn quốc gia, trong đó, có khoảng 8 triệu người sử dụng nước từ các công trình cấp nước tập trung (3.853 công trình).

Theo ông Anh, đợt hạn mặn 2019-2020, nhất là trong giai đoạn bị ảnh hưởng nặng, từ ngày 8 đến 24-3-2020, có 96.000 hộ (tương đương 430.000 dân) thiếu nước sinh hoạt, trong đó, có 20.600 hộ được cấp nước bởi các công trình cấp nước tập trung, 75.400 được cấp nước từ hộ gia đình.

Khu vưc bị thiếu nước diễn ra chủ yếu ở các địa phương như: Long An, Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang.

Đứng trước bối cảnh nêu trên, ông Anh cho biết, thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ đẩy nhanh tiến độ và đầu tư tiếp các công trình thủy lợi liên kết vùng/tỉnh để điều tiết nguồn nước phục vụ cấp nước sinh hoạt cho người dân. “Đồng thời, sẽ xem xét đề xuất xây dựng các hồ chứa nước ngọt trong thời gian tới’, ông Anh cho biết.

Theo ông Anh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ đề xuất Ngân hàng Thế giới (WB) hỗ trợ thực hiện dự án “nước sạch và hệ sinh thái nông thôn bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2025”.

Trong khi đó, như đã nêu ở trên, các địa phương vùng ĐBSCL cũng đã đề xuất đầu tư nhiều công trình cấp nước tập trung để phục vụ cấp nước sinh hoạt cho người dân trong giai đoạn 2021-2025 với tổng vốn trên 5.000 tỉ đồng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới