(KTSG Online) - Từ năm 2021 đến nay, nhiều chính sách đã được ban hành, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và lao động nhằm duy trì ổn định trong đời sống, sản xuất, kinh doanh. Tổng kinh phí thực hiện là hơn 87.000 tỉ đồng.
- 300 doanh nghiệp tham gia Hội nghị hỗ trợ vay vốn từ gói 40.000 tỉ đồng
- 19 tỉnh, thành phố hoàn thành chi trả gói hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp
TTXVN thông tin, từ năm 2021 đến nay, nhiều kế hoạch được đề ra để hỗ trợ cho lao động, doanh nghiệp như ban hành chính sách hỗ trợ người không có thu nhập hoặc thu nhập bị cắt giảm, vay vốn không lãi suất cho doanh nghiệp... Đây là những chính sách chưa có tiền lệ.
Thống kê cho biết, cả nước có khoảng 55,68 triệu lượt người dân, lao động và gần 1 triệu doanh nghiệp gặp khó khăn được nhận các gói hỗ trợ từ các chính sách trên với tổng kinh phí thực hiện là hơn 87.000 tỉ đồng.
Tính riêng năm 2021, các chính sách về bảo hiểm theo Nghị quyết số 68/NĐ-CP và Nghị quyết số 126/NĐ-CP đã hỗ trợ hơn 400.000 doanh nghiệp và gần 12 triệu lao động. Tổng kinh phí thực hiện là hơn 6.000 tỉ đồng.
Trong việc hỗ trợ doanh nghiệp giữ chân người lao động và hỗ trợ lao động gặp khó khăn về nhà ở, ngày 28-3-2022, Chính phủ đã ban hành quyết định số 8 về việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho lao động. Kết quả, có khoảng 123.000 lượt người sử dụng lao động và hơn 5,2 triệu lao động được nhận hỗ trợ. Kinh phí thực hiện là hơn 3.740 tỉ đồng.
Chính phủ cũng đã chi khoản ngân sách lớn cho kế hoạch chi trả trực tiếp bằng tiền mặt. Đơn cử như việc ban hành chính sách hỗ trợ lao động từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 và Nghị quyết số 24/2022/UBTVQH15. Quỹ này đã chi trả cho hơn 13 triệu lao động với tổng số tiền chi trả khoảng 38.000 tỉ đồng.
Ngoài ra, Chính phủ còn ban hành nghị quyết 42 và nghị quyết 68 để bổ sung, hỗ trợ cho lao động không thuộc diện hưởng chế độ an sinh xã hội theo quy định hiện hành. Tổng giá trị các gói hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt đạt khoảng 2 tỉ đô la Mỹ (chưa tính phần chi khá lớn của các địa phương nhằm trợ cấp trực tiếp cho người dân, lao động).
Nhiều chính sách khác được ban hành để hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn như chính sách tài khóa (miễn, cắt, giảm thuế, phí, lệ phí, gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất...), chính sách hỗ trợ tín dụng như hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp vay để phát triển sản xuất (gói tín dụng 250.000 tỉ đồng); chính sách về an sinh xã hội với hai gói hỗ trợ là 62.000 tỉ đồng và 26.000 tỉ đồng.