(KTSG Online) - Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn tại các ngân hàng chính thức giảm xuống còn 30% kể hôm qua (1-10). Hiệp hội Bất động sản TPHCM vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, đề nghị gia hạn thêm 12 tháng thời điểm áp dụng quy định này.
- Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn không quá 30% từ ngày 1-10
- Mở rộng tiền tệ – tín dụng: Sức ép lạm phát và bong bóng giá tài sản
Theo Thông tư 08/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước sửa đổi Thông tư 22/2019/TT-NHNN quy định về giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, kể từ ngày 1-10-2023, các ngân hàng phải tuân thủ tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn là 30% thay vì 34% như hiện nay.
TTXVN đưa tin, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HOREA) đề nghị Thủ tướng Chính phủ và đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét sửa đổi, bổ sung Thông tư 08/2020/TT-NHNN theo hướng gia hạn thêm 12 tháng thời điểm áp dụng quy định “các tổ chức tín dụng sử dụng tối đa 30% nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn” đến ngày 1-10-2024, thay vì 1-10-2023.
Trước đó, vào tháng 7-2023, HOREA cũng đã có hai văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét gia hạn thêm 12 tháng thời điểm áp dụng quy định này. Doanh nghiệp bất động sản, một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng chính của quy định này được dự báo sẽ gặp khó khăn hơn trong việc tiếp cận vốn ở thời điểm này, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp và các kênh huy động vốn khác còn nhiều khó khăn.
TTXVN cho biết, vấn đề cần thiết phải giảm tỷ lệ vốn vay ngắn hạn để cho vay trung dài hạn liên tục được lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đề cập và nhấn mạnh trong các cuộc họp, tọa đàm. Với một nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào tín dụng ngân hàng, việc giảm dần tỷ lệ này là yêu cầu bắt buộc để đảm bảo an toàn vốn cho hệ thống tài chính quốc gia cũng như phù hợp với các thông lệ quốc tế.
Tại các ngân hàng thương mại, hầu hết các khoản gửi tiết kiệm của người dân ở các ngân hàng đều có kỳ hạn ngắn. Vì vậy, hầu hết nguồn vốn trung và dài hạn của ngân hàng không đủ để đáp ứng nhu cầu cho vay trung và dài hạn. Trong khi đó, phần lớn dư nợ bất động sản có thời gian từ 10 - 25 năm. Vì vậy, để đảm bảo an toàn hệ thống cũng như hạn chế dần tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, Ngân hàng Nhà nước đã đề ra lộ trình giảm tỷ lệ sử dụng nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn.
Tỷ lệ này đã được điều chỉnh giảm dần từ 60% kể từ ngày 1-2-2015 về 45% từ ngày 1-1-2018; về 40% từ ngày 1-1-2020; về 37% từ ngày 1-10-2020 và về 34% từ ngày 1-10-2021. Việc giảm tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn cho vay trung, dài hạn về 30% áp dụng từ 1-10-2023 là giai đoạn cuối hoàn tất lộ trình mà Ngân hàng Nhà nước đề ra.