(KTSG Online) - Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước góp ý về dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39. Theo đó, HoREA cho biết một số nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung trong dự thảo chưa hợp lý, chưa hạn chế được rủi ro tín dụng nhưng lại có biểu hiện của việc thắt chặt tín dụng.
- NHNN muốn cấm cho vay đặt cọc bất động sản hình thành trong tương lai
- Mua bán bất động sản hình thành trong tương lai phải qua sàn giao dịch
Cụ thể, HoREA đồng tình về nguyên tắc tổ chức tín dụng không được cho vay để chứng minh khả năng tài chính của khách hàng, nhưng đề nghị cho vay trong trường hợp khách hàng có tài sản bảo đảm. Đơn cử như cho vay mở sổ tiết kiệm chứng minh khả năng tài chính đi du học, du lịch; cho vay chứng minh khả năng tài chính để đấu thầu, đấu giá... mà khách hàng có tài sản bảo đảm.
Tương tự, với mục đích vay góp vốn, hợp tác đầu tư, hiệp hội này cũng kiến nghị cho vay trong trường hợp khách hàng có tài sản bảo đảm. Ví dụ như cho vay để góp vốn thành lập công ty; hợp tác đầu tư với bên thứ ba; nhận chuyển nhượng vốn góp; bù đắp vốn tự có/hoàn tiền vay để mua bất động sản/hàng hóa mà người vay có tài sản bảo đảm.
Hiệp hội cho rằng việc kiểm soát nhu cầu vốn thông qua biện pháp không được cho vay tín dụng chỉ nên quy định trong các trường hợp như mua bán vũ khí, ma túy, buôn lậu; mua bán vàng miếng hay vay để đảo nợ hoặc nhằm mục đích che giấu nợ quá hạn/nợ xấu.
Ngoài ra, đối với các ngành nghề không khuyến khích cho vay thì chỉ yêu cầu áp dụng các điều kiện tín dụng khắt khe hơn để hạn chế tín dụng, đơn cử như giới hạn tỷ lệ cho vay/tài sản bảo đảm; giới hạn về tỷ lệ cho vay/tổng dư nợ... Còn với khách hàng vay có lịch sử tín dụng tốt, có tài sản bảo đảm tốt, thanh khoản cao, pháp lý đầy đủ thì tài sản đó cũng được xem là nguồn lực tài chính của khách hàng như là vốn tự có, vốn đối ứng, ứng trước của khách hàng...
HoREA cũng đồng tình với việc bổ sung quy định tổ chức tín dụng không được cho vay thanh toán tiền đặt cọc để thực hiện các giao dịch trong tương lai mà tại thời điểm đặt cọc chưa đủ điều kiện để thực hiện theo quy định của pháp luật.
"Với quy định này các doanh nghiệp bất động sản tuân thủ pháp luật sẽ không bị ảnh hưởng, các dự án đủ các điều kiện huy động vốn thì khách hàng vẫn được vay tín dụng để thanh toán tiền đặt cọc", hiệp hội đề nghị.
Tuy nhiên, HoREA cũng cho biết hiện nay nhiều luồng dư luận cho rằng Ngân hàng Nhà nước định hướng "thắt chặt" tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, bao gồm cả cho vay để mua bất động sản cao cấp do là khoản vay "có giá trị lớn". "Điều này có thể dẫn đến hệ quả là các tổ chức tín dụng ngại hoặc không dám cho vay đối với doanh nghiệp bất động sản, nhà đầu tư thứ cấp và kể cả cá nhân, hộ gia đình vay để mua, thuê bất động sản hoặc vay để xây, sửa chữa nhà", hiệp hội nhìn nhận.
Do vậy, HoREA cho rằng nên thay thế từ "kiểm soát" bằng từ "quản lý" hoặc cụm từ "tăng cường quản lý" và Ngân hàng Nhà nước cần định nghĩa "khoản vay có giá trị lớn" để thuận tiện cho công tác thống kê và quản lý.
Không chỉ có kiến nghị của HoREA mà gần đây một số chuyên gia cũng cho rằng khái niệm khoản vay “giá trị lớn” đang tương đối mơ hồ. Việc xác định giá trị khoản vay lớn hay nhỏ tùy thuộc vào từng ngân hàng, từng đối tượng khách hàng, giá trị tài sản trên từng thời điểm. Có ngân hàng với khoản vay 10 tỉ đồng là lớn nhưng có ngân hàng lại là nhỏ. Tài sản căn nhà 5 tỉ đồng ở 5 năm trước là lớn nhưng hiện tại lại không lớn…
Theo các chuyên gia, quan trọng nhất là dù khoản vay có giá trị bao nhiêu mà nếu có tài sản bảo đảm, có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh… đúng theo điều kiện cho vay thì các ngân hàng nên cho vay bình thường. Nhất là việc cho vay này nhằm phục vụ nhu cầu đời sống của người dân thì luôn cần được khuyến khích.
Thời giờ làm gì còn tài sản đảm bảo? Khi chủ nợ phát mại lòi ra chục chủ nợ khác cũng nhào vô giành giựt kiện cáo, nhất là mấy ông chủ dự án lại muôn kế vay tiền.