Thứ bảy, 28/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

HP chuyển sản xuất laptop từ Trung Quốc sang Việt Nam, Thái Lan và Mexico

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - HP đang làm việc với các nhà cung ứng để chuyển hoạt động mảng sản xuất hàng triệu máy tính cá nhân (PC) sang Việt Nam, Thái Lan và Mexico bắt đầu từ năm nay. Đây là động thái quan trọng đầu tiên của hãng laptop của Mỹ nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng máy tính cá nhân tránh phụ thuộc vào một nơi như Trung Quốc. Trước đó, hai tập đoàn Dell và Apple cũng đã quyết định di dời dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang nước khác.

HP đã chậm so với các hãng máy tính khác trong việc chuyển dịch khỏi Trung Quốc, nhưng hiện đã có kế hoạch chuyển một phần sản xuất sang Việt Nam, Thái Lan và Mexico. Ảnh: Getty Images

Các thông tin liên quan đến dịch chuyển sản xuất được HP loan báo trên trang web của hãng ngày 17-7. Trong thông cáo, HP nói đang mở rộng các hoạt động hiện có ở Đông Nam Á và các nơi khác, đồng thời "bổ sung sản xuất máy tính xách tay gia tăng" ở Mexico.

Đông Nam Á đang là lựa chọn hấp dẫn

Các nguồn tin nói với Nikkei Asia rằng HP đang có kế hoạch chuyển một phần hoạt động sản xuất laptop thương mại sang Mexico, trong khi một phần hoạt động sản xuất laptop tiêu dùng sẽ chuyển sang Thái Lan. HP cũng đang có kế hoạch chuyển một số hoạt động sản xuất laptop sang Việt Nam trong năm 2024 – một trong những nhà cung ứng nói. HP hiện là hãng máy tính cá nhân lớn thứ hai thế giới sau Lenovo của Trung Quốc.

Các nhà cung ứng cho biết sản lượng bên ngoài Trung Quốc trong năm nay sẽ vào khoảng vài triệu đến 5 triệu chiếc. Dữ liệu của Canalys cho thấy HP đã xuất xưởng 55,2 triệu PC trên toàn thế giới vào năm ngoái.

Thái Lan đã có một số nhà cung ứng PC, có nghĩa là sự chuyển dịch sản xuất gặp thuận lợi. Việc sản xuất ở Mexco sẽ giúp HP phục vụ tốt hơn thị trường chính yếu ở Bắc Mỹ.

Kế hoạch của HP được đưa ra sau khi hãng Dell phát động chiến dịch loại bỏ chip "made in China" khỏi các sản phẩm của mình và giảm đáng kể việc sử dụng tổng thể các linh kiện điện tử được sản xuất tại Trung Quốc.

Dell đã đưa ra kế hoạch đa dạng hóa sớm hơn nhiều so với HP. Trong năm nay Dell sẽ sản xuất ít nhất 20% tổng số laptop của hãng tại Việt Nam – các nguồn thạo tin nói. Về phần linh kiện, khoảng đến cuối năm 2024 Dell mới có thể hoàn thành kế hoạch chuyển mảng sản xuất chip ra khỏi Trung Quốc.

Trong khi đó, Apple đã bắt đầu sản xuất MacBook tại Việt Nam trong năm nay. Đây là lần đầu tiên Apple sản xuất laptop bên ngoài Trung Quốc.

Động thái của HP sẽ tiếp tục giúp Việt Nam và Thái Lan xây dựng hệ sinh thái chuỗi cung ứng cho PC, biến Đông Nam Á trở thành một lựa chọn hấp dẫn hơn đối với các nhà sản xuất máy tính đang tìm kiếm các lựa chọn sản xuất bên ngoài Trung Quốc, trong bối cảnh bất ổn địa chính trị.

Nguyên nhân vẫn là lo ngại căng thẳng địa chính trị

Mỹ là thị trường PC đơn lẻ lớn nhất của cả HP và Dell, chiếm lần lượt khoảng 31% và 40% lô hàng của họ trong quí 1-2023, theo dữ liệu của Canalys. Ngược lại, thị trường Trung Quốc chỉ chiếm lần lượt 7,5% và 8% trong cùng kỳ. Lenovo và Huawei của Trung Quốc đã cùng nhau thống trị thị trường máy tính cá nhân tại quốc gia đông dân thứ 2 thế giới trong ba quí gần đây. Vì thế, Dell có động cơ để đa dạng hóa hoạt động sản xuất của mình, tránh phụ thuộc nhiều vào cơ sở sản xuất tại Trung Quốc, vì bởi hãng chiếm đến 73% thị trường PC do chính phủ Mỹ sử dụng.

Nhà phân tích Kieren Jessop của Canalys cho rằng, mục đích chính của việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng là giảm thiểu các yếu tố rủi ro liên quan đến căng thẳng Mỹ - Trung hoặc tận dụng lợi thế của các trung tâm sản xuất mới nổi ở Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác.

Jessop nói rằng việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng sẽ không ảnh hưởng trực tiếp đến thị phần của các hãng Mỹ tại thị trường tiêu dùng nội địa Trung Quốc.

... nhưng khó có thể rời khỏi Trung Quốc hoàn toàn

Trong một email gửi tới Nikkei Asia, HP thông tin rằng, Trung Quốc là một phần rất quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của tập đoàn này và HP vẫn cam kết sâu sắc với các hoạt động của mình tại Trùng Khánh, Trung Quốc.

Thực tế cho thấy, HP chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc tương đối chậm so với các hãng công nghệ Mỹ khác, dù đã đàm phán với các nhà cung ứng từ năm 2019.

"Kế hoạch của HP là chuyển việc lắp ráp sản phẩm sang các cứ điểm bên ngoài Trung Quốc trước. Nhưng họ vẫn chưa đưa ra cam kết rõ ràng và mạnh mẽ về việc chuyển nhanh mảng sản xuất chip và linh kiện ra khỏi đại lục”, một giám đốc điều hành chuỗi cung ứng am hiểu vấn đề nói. Tuy nhiên, HP đã thảo luận với các hãng linh kiện điện tử có năng lực sản xuất tại Việt Nam về việc di dời sang Thái Lan.

"HP muốn giữ kín về kế hoạch chuyển ra bên ngoài Trung Quốc. Ngoài những lo ngại về địa chính trị, HP còn tính đến chi phí sản xuất tiếp tục tăng ở Trung Quốc, bao gồm những thách thức trong tuyển dụng lao động và chi phí lao động ngày càng tăng", theo lời giám đốc điều hành của một nhà cung ứng của HP.

Trong hàng chục năm qua, những hãng sản xuất laptop của Mỹ đã hỗ trợ mạnh mẽ cho ngành sản xuất thiết bị điện tử ở Trung Quốc. Trùng Khánh, thành phố sâu trong nội địa của Trung Quốc - có lẽ là ví dụ điển hình nhất. HP bắt đầu phát triển trung tâm sản xuất máy tính cá nhân (PC) đầu tiên ở đây vào năm 2008. Hai hãng Acer và Asus của Đài Loan đã tiếp bước của HP, và họ yêu cầu các nhà cung ứng chuyển sản xuất đến Trùng Khánh. Thành phố bên bờ sông Dương Tử này là nơi tập trung nhiều nhà cung ứng cho HP như Quanta Computer, Inventec và Foxconn. Ngày nay, Trùng Khánh là thành phố hàng đầu ở Trung Quốc về xuất khẩu PC.

Tuy vậy, mặt trái của vấn đề là chuỗi cung ứng PC hiện đã “cắm rễ” ở Trung Quốc sâu đến nỗi mà các chuyên gia và nhà phân tích nói rằng “khó có thể bật rễ dễ dàng” để rời đi hoàn toàn.

Theo Nikkei Asia

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới