Thứ sáu, 20/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

HSBC: chi phí thuế và lương thấp giúp Việt Nam thu hút vốn FDI  

Thành Tín

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Lương nhân công thấp cùng các chính sách tốt như thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ ở mức 20% là những yếu tố giúp Việt Nam thu hút được nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong thời gian qua.

Nhân viên đang làm việc cho một công ty công nghệ tại Việt Nam. Ảnh minh họa: DNCC

Ngày 8-8, bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu Ngân hàng HSBC công bố báo cáo "Vietnam at a glance - FDI" (tạm dịch: Một cái nhìn tổng quan về FDI của Việt Nam) nhận định Việt Nam vẫn là điểm đến ưa chuộng của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), theo TTXVN.

Theo HSBC, sự quan tâm của các tập đoàn đa quốc gia đối với Việt Nam tăng mạnh nhờ nhiều yếu tố, trong đó có chi phí cạnh tranh và các chính sách hỗ trợ FDI.

So sánh chi phí lao động trong khu vực châu Á, mức lương nhân công sản xuất ở Việt Nam thấp hơn dù người dân có trình độ giáo dục phổ thông vững vàng. Các chi phí khác như chi phí cho năng lượng cần thiết để vận hành nhà máy, chi phí cho dầu diesel vốn được sử dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp đều cho thấy lợi thế cạnh tranh về giá.

Ngoài ra, Việt Nam đã đạt được tiến độ đáng kể trong việc thiết lập những thỏa thuận kinh tế khác nhau với các đối tác thương mại, như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Những bước tiến này đã hỗ trợ và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài.

HSBC cho rằng, một phần nguyên nhân của môi trường đầu tư thuận lợi có thể lý giải là nhờ sự hỗ trợ tích cực từ phía chính phủ thông qua hệ thống thuế. Việt Nam có lợi thế cạnh tranh so với các quốc gia khác nhờ mức thuế thu nhập doanh nghiệp theo luật định chỉ 20%. Một số doanh nghiệp có thể tận dụng các đợt miễn và giảm thuế kéo dài để giảm thêm mức thuế suất thực tế phải chịu.

Tính đến hiện tại, các yếu tố hấp dẫn này đóng vai trò quan trọng trong thu hút đầu tư và giúp Việt Nam hội nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Thực tế, mức độ tham gia của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu đã tăng mạnh qua các năm và hiện có thể sánh với Singapore. Mặc dù vậy, sự gia tăng hội nhập lại chủ yếu diễn ra thông qua liên kết ngược nhiều hơn. Trong đó, việc Việt Nam được định vị là trung tâm nhập khẩu đầu vào trung gian phức tạp cho khâu lắp ráp cuối cùng là minh chứng cho tỷ lệ nội địa hóa thấp trong ngành hàng điện tử.

Báo cáo cũng cho thấy, từ trước tới nay, các dòng vốn FDI vào Việt Nam chủ yếu đến từ Hàn Quốc, đáng chú ý nhất là của Samsung. Trong năm 2023, các công ty sản xuất Trung Quốc cũng đã đẩy mạnh đầu tư, với gần 20% vốn FDI đăng ký mới. Vốn FDI thực hiện tại Việt Nam trong 6 tháng đầu năm ước đạt 10,84 tỉ đô la, tăng hơn 8% so với cùng kỳ năm trước và là mức cao nhất trong 5 năm qua.

Tính từ đầu năm tới nay, doanh nghiệp FDI sản xuất mới đăng ký tăng 36% so với cùng kỳ năm trước. Tỉnh Bắc Ninh hút hơn 30% tổng vốn đăng ký trong tháng 6 và 7, do Tập đoàn Amkor đẩy mạnh đầu tư dự án bán dẫn tại tỉnh này thêm 1,07 tỉ đô la.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới