(KTSG Online) – Không còn khả năng sản xuất điện thoại thông minh (smartphone) đời mới với quy mô lớn do tác động từ các đòn trừng phạt của Mỹ, Huawei, hãng thiết bị viễn thông và smartphone của Trung Quốc, đang xoay xở vực dậy doanh thu bằng cách bán những smartphone đã qua sử dụng và được tân trang lại cũng như cấp phép sử dụng các thiết kế smartphone của hãng này cho các bên thứ 3.
- Huawei đàm phán bán thương hiệu smartphone Honor
- Huawei bán thương hiệu smartphone cao cấp dòng P và Mate?
Tuần trước, Huawei bắt đầu bán những chiếc smartphone tân trang (refurbished smartphone) thuộc các dòng cao cấp của hãng. Đây là những smartphone mà khách hàng trả lại cho nhà sản xuất vì các sự cố hỏng hóc. Sau đó, chúng được kiểm tra các vấn đề và phục hồi để hoạt động trơn tru theo các điều kiện tiêu chuẩn của nhà máy.
Có tổng cộng 8 mẫu smartphone tân trang, chủ yếu thuộc các dòng cao cấp như Mate 30 và Mate 30 Pro, được rao bán với giá từ 407 - 1.520 đô la trên trang bán hàng trực tuyến Vmall của Huawei ở Trung Quốc. Những chiếc điện thoại này đã được thay pin mới hoàn toàn, sử dụng hệ điều hành Harmony OS 2.0 do Huawei tự phát triển và được bảo hành 1 năm.
TD Tech, một đối tác của Huawei, cũng mở đợt presale trên Vmall để bán mẫu smartphone N8 Pro, sử dụng chip Kirin 985 5G của công ty thiết kế bán dẫn HiSilicon, đơn vị thành viên của Huawei. Mẫu điện thoại này có hình dáng y hệt mẫu smartphone Nova 8 Pro 5G của Huawei. Mặc dù thông tin rao bán smartphone N8 Pro đã nhanh chóng bị rút khỏi Vmall sau khi nhận được sự quan tâm đáng kể của người tiêu dùng, nhưng điều đó cho thấy Huawei đã bắt đầu các nỗ lực cấp phép sử dụng các thiết kế smartphone cho bên thứ 3.
Đây cũng là bước đi mang tính chiến thuật của Huawei để vực dậy doanh thu giữa lúc hãng này đang xoay xở duy trì hình ảnh thương hiệu trên thị trường smartphone toàn cầu.
Nicole Peng, Phó Chủ tịch hãng nghiên cứu thị trường Canalys, cho rằng việc bán smartphone tân trang cho phép Huawei tiếp tục duy trì quan hệ với khách hàng cũ để ngăn họ chuyển sang sử dụng các mẫu smartphone chạy trên hệ điều hành Android khác của các đối thủ trong nước.
Tuy nhiên, bà nói rằng ngày càng có ít khách hàng ở Trung Quốc nâng cấp smartphone so với ở Mỹ. Huawei đã nắm giữ đến 27% thị phần smartphone ở Trung Quốc vào lúc đỉnh điểm hồi tháng 9 năm ngoái. Nhưng tác động của các lệnh trừng phạt của Mỹ kể từ tháng 5-2019, bao gồm lệnh cấm vận chip cao cấp sử dụng công nghệ của Mỹ, khiến smartphone của Huawei giảm sức hút, đặc biệt là trên thị trường quốc tế cũng như kìm hãm năng lực sản xuất smartphone của hãng này.
Nhà phân tích Ivan Lam của Công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint Research cho biết, trong quý 3 vừa qua, thị phần smartphone của Huawei ở Trung Quốc tụt dốc về mức 7-8%. Ông dự báo thị phần smartphone của Huawei sẽ tiếp tục suy giảm trong quý 4. Ông nói Huawei đang chứng kiến lượng khách hàng cũ ra đi rất lớn, trong khi đó, lượng khách hàng mới tăng nhỏ giọt. Ông cho rằng, hiện tại Huawei không có đủ khả năng sản xuất các mẫu smartphone 5G với số lượng lớn.
Hồi tháng 10, Huawei ghi nhận doanh thu trong 9 tháng đầu năm suy giảm 32% so với cùng kỳ năm ngoái do hai mảng kinh doanh cốt lõi smartphone và thiết bị viễn thông chịu đòn giáng nặng nề từ các lệnh cấm vận công nghệ của Mỹ. Trước đó một tháng, Chủ tịch Huawei Eric Xu Zhijun cũng đã thừa nhận các đòn trừng phạt của Mỹ khiến Huawei tổn thất doanh thu ít nhất 30 tỉ đô la mỗi năm.
Đối với Huawei, việc cấp phép quyền sử dụng thiết kế smartphone có thể là mảng kinh doanh thành công nhưng điều này sẽ đặt các đối tác của Huawei như TD Tech đứng trước rủi ro trừng phạt của Mỹ. Ivan Lam nói: “Đây là lĩnh vực vẫn còn rất nhạy cảm. Các công ty ở Trung Quốc không muốn bị đặt vào sự chú ý của các cơ quan quản lý ở Mỹ”. Đó có thể là lý do khiến TD Tech nhanh chóng rút lại thông tin mở bán mẫu smartphone N8 Pro.
Kể từ cuối năm ngoái, Huawei đã theo đuổi các sáng kiến đa dạng hóa hoạt động kinh doanh, bao gồm mở rộng mảng dịch vụ đám mây ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cung cấp các trạm cơ sở 5G và thiết bị mạng lưới cốt lõi cho các nhà mạng viễn thông lớn ở Trung Quốc, đẩy mạnh các thương vụ cấp phép bản quyền sáng chế, xây dựng các đối tác cho hệ điều hành di động HarmonyOS, chuyển nhượng tài sản của thương hiệu smartphone giá rẻ, Honor. Bên cạnh đó, Huawei cũng nhảy vào các lĩnh vực kinh doanh mới bao gồm thiết bị ô tô thông minh, vốn ít phụ thuộc vào các con chip cao cấp.
Theo South China Morning Post, Gizmochina
Trung Quốc chưa đủ sức “chơi” với Mỹ đâu. Mỹ mới áp thuế hàng hóa và trừng phạt các công ty công nghệ mà Trung Quốc đã khó khăn. Nếu Mỹ cắt quan hệ thương mại thì Trung Quốc càng khốn đốn hơn.