(KTSG Online) – Văn phòng UBND thành phố Huế vừa công bố những kết quả cập nhật của dự án "Huế - đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” do Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF - Việt Nam) khởi động vào năm 2021 và kéo dài đến năm 2024.
- Hàn Quốc hỗ trợ Huế phát triển thành phố văn hóa và du lịch thông minh
- Huế “số hóa” di sản gắn với du lịch
Hiện đã có 468 thùng phân loại chất thải rắn được lắp đặt tại 156 điểm công cộng xung quanh thành phố Huế. Vị trí và số lượng các điểm lắp đặt sẽ được tiếp tục triển khai và hoàn thành trong năm 2023 cho toàn địa bàn thành phố Huế.
Bên cạnh đó, với những gì làm được trong 2 năm qua, Huế kỳ vọng sẽ trở thành đô thị giảm nhựa với 70% chất thải rắn được phân loại tại nguồn, thu gom và xử lý, đồng thời rác tái chế từ bãi chôn lấp được đẩy mạnh thu hồi vào năm 2024.
Được biết, chất thải rắn sinh hoạt được các hộ gia đình phân loại thành 3 nhóm chính, bao gồm nhóm chất thải nguy hại; nhóm chất thải tái chế, tái sử dụng (rác thủy tinh và các loại rác tái chế còn lại) và nhóm chất thải còn lại.
Rác nguy hại được Công ty Môi trường và Công trình đô thị Huế (HEPCO) thu gom và vận chuyển bằng xe chuyên dụng theo tần suất tối thiểu 6 tháng/lần và đột xuất theo khối lượng thực tế. Rác tái chế thủy tinh và rác tái chế, tái sử dụng được HEPCO thu gom và vận chuyển đến nơi xử lý theo tần suất tối thiểu 1 tuần/lần. Đối với nhóm chất thải còn lại (gồm chất thải rắn hữu cơ và các loại khác) vẫn được thu gom theo thường lệ.
Theo HEPCO, hiện nay đơn vị đang đồng hành với thành phố Huế triển khai chuẩn bị tốt các cơ sở hạ tầng, như phương tiện vận chuyển, nhà máy và nguồn lực để thu gom, xử lý chất thải, phân loại rác phù hợp với từng đơn vị, địa phương. Xây dựng kế hoạch phân chia thời gian, tần suất thu gom từng nhóm chất thải hợp lý; bố trí phương tiện thu gom, vận chuyển đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường.