Thứ hai, 13/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Huế bàn cách phân loại rác tại nguồn hiệu quả

Nhân Tâm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Sau sự kiện khởi động “Chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố Huế” (giai đoạn 1) diễn ra vào hôm qua, 11-9, nhiều ý kiến được đưa ra để thành phố có thể thực hiện hoạt động này lâu dài và hiệu quả.

Thanh niên hưởng ứng chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố Huế. Ảnh: Huấn Lê

UBND thành phố Huế phối hợp với Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF - Việt Nam) thực hiện chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố trong bối cảnh lượng rác thải đang gia tăng mỗi ngày, gây sức ép về môi trường và mỹ quan đô thị.

WWF - Việt Nam đã tài trợ Huế 156 bộ thùng lưu chứa chất thải rắn sinh hoạt đã phân loại (dung tích 240 lít), được lắp đặt tại một số điểm công cộng. Ngoài ra, UBND thành phố Huế đã lắp đặt thêm 148 bộ thùng lưu chứa chất thải rắn sinh hoạt đã phân loại (dung tích 120 lít) tại các trụ sở cơ quan, ban ngành, trường học trên địa bàn 23 phường.

Theo chương trình này, chất thải rắn sinh hoạt được phân loại thành ba nhóm chính, bao gồm nhóm chất thải nguy hại, nhóm chất thải tái chế, tái sử dụng (rác thủy tinh và các loại rác tái chế còn lại), nhóm chất thải còn lại.

Ông Trần Anh Tuấn, giảng viên Khoa Môi trường, Đại học Khoa học Huế, nhận định việc thành phố Huế yêu cầu phân ra thành 4 loại rác thải là một thực tế rất khó khả thi và nhân rộng.

Theo ông Tuấn, tất cả các chương trình phân loại rác trong thời gian qua ở Việt Nam đều thất bại khi các thành phố yêu cầu người dân phân loại theo cách như Huế đang thực hiện. Có nhiều nguyên do như nóng vội nên chưa vạch ra lộ trình cụ thể để giúp người dân làm quen với việc phân loại và Công ty Môi trường đô thị có thêm thời gian để chuẩn bị nguồn lực; thiếu sự đồng bộ giữa phân loại, thu gom và xử lý (người dân thực hiện phân loại nghiêm túc nhưng nguồn lực và phương tiện thu gom không đồng bộ, không kham nổi do khá tốn kém…).

Việc phân loại được tiến hành đại trà không phân biệt các nhóm đối tượng mà lẽ ra phải thực hiện ở công sở, các địa điểm công cộng trước, sau đó đến trường học, doanh nghiệp rồi mới đến khu vực dân cư... Một nguyên nhân nữa là khi các dự án hỗ trợ của JICA (Nhật Bản), của EU… kết thúc thì các chương trình phân loại rác tại nguồn cũng đi vào ngõ cụt vì thiếu kinh phí hỗ trợ công tác thu gom và vận chuyển bởi do quản lý rác thải đã được phân loại phức tạp hơn nhiều lần so với rác chưa được phân loại.

Trong khi đó, ông Lê Quốc Việt đến từ Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho hay hiện nay người dân vẫn có thói quen chứa tất cả các loại rác vào chung một bao và đặt ở điểm tập kết. Rác ở đây là rác hỗn hợp và là rác ướt. Vì vậy, theo ông Việt, nếu muốn chương trình phân loại rác diễn ra tốt thì phải bắt đầu từ việc tuyên truyền, giáo dục rồi chế tài.

Người dân tham gia phân loại rác thải tại Huế. Ảnh: Huấn Lê

Nhận định về chương trình này, ông Phan Thiên Định, Bí thư Thành ủy thành phố Huế, nói: “Tôi không chỉ đạo cụ thể việc phân loại rác như thành phố đang tiến hành. Tuy nhiên, với những thông tin và tình hình nắm được, tôi đồng ý với cách triển khai phân loại rác này”. Theo ông, xét về mặt bản chất, một cơ chế xử lý môi trường bền vững là cơ chế được xây dựng trên một khung tài chính hiệu quả, tối ưu nhất. Việc phân loại từ đầu nguồn sớm là yếu tố quan trọng để đảm bảo cho vấn đề này.

Về lộ trình phân loại rác, ông Định cho rằng không cần phải chờ đến khi nhà máy vận hành đến vài năm rồi mới phân loại rác dần dần trong khi tại Huế chương trình Chủ nhật xanh đang được làm tốt và người dân đang có ý thức rất cao về môi trường. “Dự án này hoàn toàn khác với các dự án phân loại rác mà các tổ chức quốc tế đã hỗ trợ cho một số địa phương đã làm trước đây”, ông Định phân tích và cho hay WWF chỉ hỗ trợ cho sự khởi đầu, thành phố phải tiếp tục đầu tư sau đó, không thể dừng lại.

Chất thải nguy hại sẽ được Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế (HEPCO) thu gom và vận chuyển bằng xe chuyên dụng theo tần suất tối thiểu 6 tháng/lần và đột xuất theo khối lượng thực tế. Rác tái chế, tái sử dụng được HEPCO thu gom và vận chuyển đến nơi xử lý theo tần suất tối thiểu 1 tuần/lần.

Đối với nhóm chất thải còn lại (gồm chất thải rắn hữu cơ và các loại khác) vẫn được thu gom theo mạng lưới và tần suất thu gom hiện hành của đơn vị thu gom. Chất thải còn lại sẽ được xử lý bằng phương pháp chôn lấp. Sau khi nhà máy rác Phú Sơn đi vào hoạt động, rác sau phân loại sẽ được chuyển giao cho nhà máy xử lý bằng phương pháp đốt.

Dự án nhà máy xử lý rác Phú Sơn tại thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thừa Thiên Huế theo mô hình nhà máy đốt rác - phát điện do Công ty TNHH Năng lượng môi trường EB (Thừa Thiên Huế) triển khai có công suất 600 tấn/ngày đêm. Với diện tích quy hoạch khoảng 11,23 ha và tổng mức đầu tư gần 1.700 tỉ đồng, đây sẽ là nhà máy xử lý rác thải lớn nhất của tỉnh.Nhà máy sử dụng công nghệ đốt rác bằng lò ghi đa cấp, phát điện đảm bảo tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt. Khi nhà máy đưa vào vận hành vào tháng 3-2023 sẽ giải quyết tình trạng ô nhiễm, tái ô nhiễm do các khu chôn lấp rác đã đến thời kỳ đóng cửa vì hết sức chứa.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới