(KTSG Online) – Ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế đã đưa ra nhiều ý tưởng, đề xuất để có thể phát triển theo hướng xanh, sinh thái bền vững – một bước đi cần thiết sau dịch.
Cần bộ tiêu chí du lịch xanh
Theo thông tinh từ Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 13 điểm du lịch được UBND tỉnh công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh, trong đó có 10 điểm du lịch sinh thái và du lịch sinh thái gắn với cộng đồng như nhà vườn Lương Quán - Nguyệt Biều tại thành phố Huế, khu vực cầu Ngói Thanh Toàn tại thị xã Hương Thủy hay khu sinh thái Đầm Chuồn tại huyện Phú Vang.
Từ những cơ sở ban đầu này cũng như nghị quyết phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến 2030, Huế sẽ nhân rộng, phát triển du lịch xanh theo hướng bền vững trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, di sản gắn với bảo vệ cảnh quan, môi trường, phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường, đồng thời có sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, cho hay ngành du lịch đã đề xuất những định hướng, bao gồm khai thác tài nguyên, phát triển sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh phải tuân thủ một số nguyên tắc. Đó là tôn trọng và bảo vệ tài nguyên tự nhiên, bảo vệ môi trường, phát triển du lịch thân thiện với môi trường; không làm tổn hại đến các giá trị tài nguyên; không phá vỡ cảnh quan và không làm biến tướng, mất đi các giá trị văn hóa truyền thống nguyên bản; không đánh đổi tài nguyên, môi trường với phát triển du lịch bằng mọi giá.
Bên cạnh đó, ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào việc quản lý phát triển du lịch xanh là điều cần thiết, đặc biệt là giúp quản lý sức chứa của các điểm, khu du lịch, giám sát, điều tiết lượng khách vào các công trình di sản, điều tiết lưu lượng giao thông đến các khu/điểm du lịch.
Huế cũng cần khảo sát đánh giá các thị trường khách quan tâm đến du lịch xanh, thói quen chi tiêu của khách nhằm xây dựng các sản phẩm dịch vụ xanh có khả năng thu hút các nguồn khách có chất lượng và khả năng thanh toán cao để giảm quá tải, ô nhiễm cho những vùng nhất định trên địa bàn tỉnh.
Nâng cấp các tour, tuyến, các loại hình dịch vụ gắn với du lịch xanh và đẩy mạnh công tác tuyên truyền về thành phố du lịch sạch ASEAN, khách sạn xanh ASEAN, điểm tổ chức MICE bền vững…
“Ngành du lịch tỉnh cũng đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng và ban hành bộ tiêu chí du lịch xanh cho các mảng khách sạn, homestay, khu nghỉ dưỡng, dịch vụ lữ hành và điểm du lịch áp dụng trên toàn quốc”, ông Phúc nói và chia sẻ thêm trên cơ sở đó các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp du lịch vận dụng trong quá trình đầu tư, quy hoạch và kinh doanh. Đồng thời đó cũng là căn cứ để công nhận sản phẩm du lịch xanh như “tour xanh”, “khách sạn xanh”, “nhà hàng xanh”, “khu nghỉ dưỡng xanh”…để du khách dễ dàng nhận diện và đăng ký sử dụng.
Du lịch gắn với di sản, môi trường
Theo gợi ý từ nhóm tư vấn tác động (Clickable Impact Consulting Group), tại Huế, việc đầu tư cần khai thác hiệu quả di sản gắn với bảo tồn di sản kiến trúc và phát triển du lịch gắn với cải tạo và bảo vệ môi trường sinh thái cũng như gắn với ổn định đời sống cư dân tại các khu di sản.
Cụ thể, nhóm này đặt vấn đề số lượng công trình được đưa vào khai thác chưa hợp lý. Một số công trình được khai thác với công suất cao như Đại Nội, các lăng Minh Mạng, Tự Đức, Khải Định, số còn lại đa phần chưa được khai thác tốt nhằm tạo các điểm đến hấp dẫn, phong phú như Văn Miếu, Hổ Quyền - Voi ré, hồ Tịnh Tâm, các lăng Gia Long, Dục Đức, Đồng Khánh và hệ thống di tích gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh, di tích lịch sử cách mạng, hệ thống đình chùa...
Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa du lịch và môi trường không giống với hầu hết các lĩnh vực khác. Du lịch và môi trường có quan hệ ảnh hưởng lẫn nhau và phụ thuộc vào nhau. Sự phát triển của ngành du lịch về lâu dài phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng của môi trường và các giá trị nguyên vẹn của các tài nguyên.
Hệ thống di sản kiến trúc ở Huế là những công trình gắn liền mật thiết với cảnh quan thiên nhiên, hay nói đúng hơn là lợi dụng địa thế của cảnh quan thiên nhiên để xây dựng công trình cho phù hợp. Kinh thành Huế được xây dựng trên nền tảng của khu vực thiên nhiên với hệ thống sông Kim Long làm thủy đạo chạy dọc từ tây sang đông, lấy sông Hương làm tiền án, núi Ngự Bình làm bình phong, tả Thanh Long hữu Bạch Hổ là cồn Hến và Dã Viên... tạo nên quần thể kiến trúc hài hòa. Hệ thống các lăng tẩm cũng dựa trên nền tảng tự nhiên để cải tạo, xây dựng theo ý đồ kiến trúc của chủ thể công trình.
Cảnh quan khu vực di sản luôn chịu sự tác động không nhỏ từ môi trường du lịch bởi hành vi của rất nhiều chủ thể, kể cả các chủ thể hoạt động trong lĩnh vực du lịch và các chủ thể không trực tiếp tham gia hoạt động du lịch. Vì vậy, việc phát triển du lịch ở Huế trên nền tảng khai thác tài nguyên này cần tính đến việc cải tạo hợp lý môi trường cảnh quan đảm bảo phát huy tốt lợi thế sẵn có đồng thời bảo vệ tốt hơn cảnh quan sinh thái.
Theo nhóm tư vấn tác động, hệ thống di sản văn hóa Huế gắn liền mật thiết với người dân Huế – các chủ thể của di sản văn hóa Huế. Việc phát triển du lịch Huế một cách bền vững không gì khác hơn là huy động sự tham gia của các chủ thể văn hóa; cần có cơ chế khuyến khích sự tham gia của cộng đồng địa phương và các hoạt động liên quan đến du lịch. Việc tham gia của cộng đồng địa phương vào hoạt động du lịch không chỉ giúp họ tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống mà còn làm cho họ có trách nhiệm hơn với tài nguyên, môi trường du lịch, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch. Kinh nghiệm về phát triển du lịch ở nhiều nước cho thấy sự tham gia của địa phương là cần thiết bởi bản thân người dân địa phương, nền văn hoá, môi trường, lối sống và truyền thống của họ là những nhân tố quan trọng thu hút khách du lịch.
Nâng cao ý thức toàn dân về tầm quan trọng của công tác bảo tồn di tích phục vụ phát triển du lịch, đặc biệt đối với những người dân đang là chủ sở hữu của các công trình văn hoá hoặc các tác phẩm văn hoá có giá trị là vấn đề cần được quan tâm đúng mức.