(KTSG Online) – Một số giải pháp ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý di sản tại Thừa Thiên Huế gắn với du lịch đã được ghi nhận nhân Tuần lễ chuyển đổi số (CĐS) - Huế 2022 khai mạc hôm qua, 18-8, và kéo dài hết hôm nay.
- Huế muốn thu hút các đường bay trực tiếp từ Thái Lan
- Huế sắp đưa vào hoạt động xe mui trần phục vụ du lịch
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn Hóa và Thể Thao Thừa Thiên Huế, cho hay việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số là công cụ hữu hiệu nhất để duy trì, gìn giữ, phát huy và nâng tầm các giá trị di sản, văn hóa truyền thống.
Thừa Thiên Huế đang lưu giữ một kho tàng di sản văn hóa đa dạng cả về văn hóa vật thể và phi vật thể. Trong đó, có 3 di sản phi vật thể cấp quốc gia, 10 nhóm cổ vật với 35 hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia. Tỉnh có 7 di sản được UNESCO vinh danh thuộc 3 loại hình di sản vật thể, di sản phi vật thể và di sản tư liệu. Vì thế, việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị kho tàng di sản văn hóa đó rất quan trọng.
Tại Huế, một số đơn vị đã triển khai các giải pháp chuyển đổi số áp dụng công nghệ số hóa 3D trong việc quản lý, khai thác, quảng bá và phát huy giá trị di sản. Cụ thể như Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế triển khai app hướng dẫn tham quan “Di tích Huế”, ứng dụng công nghệ trải nghiệm thực tế ảo VR3D, quét mã QR Code để xem thông tin hiện vật, xem hiện vật bằng tương tác - Model 3D và xoay 360 độ; phục dựng Hoàng thành bằng công nghệ số…
Bên cạnh đó, Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện scan, số hóa các tài liệu Hán Nôm được sưu tầm với hơn 400.000 trang tài liệu có giá trị, tương ứng với khoảng 4.980 đầu tài liệu các loại tại 187 làng, 923 họ tộc, 18 phủ đệ và tư gia trên địa bàn tỉnh.
Theo các chuyên gia, để việc số hóa di sản không chỉ để lưu trữ mà còn lan tỏa trong du khách cần làm nhiều điều hơn, trong đó cần có sự tham gia của doanh nghiệp.
Theo ông Cao Hoàng Anh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại và Phát triển công nghệ FSI, việc ứng dụng công nghệ để xây dựng nền tảng dữ liệu số của ngành du lịch, tập trung hệ tài nguyên số, kho dữ liệu số dùng chung trong toàn ngành không chỉ phục vụ các cơ quan quản lý đưa ra những quyết định đúng đắn, kịp thời, mà còn giúp doanh nghiệp trong ngành mở rộng khả năng tiếp cận thị trường, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Đồng thời, gia tăng trải nghiệm du lịch thông minh, mang đến nhiều tiện lợi cho du khách.
Quá trình thực hiện số hóa di tích, di sản cần được triển khai một cách toàn diện đối với các đơn vị trong ngành, đặc biệt là các đơn vị trong khối di sản văn hóa của mỗi địa phương. Từ việc khảo sát, tập hợp, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ số hóa, đến việc xây dựng kho dữ liệu số dùng chung cần được thực hiện bài bản, theo quy trình. Các đơn vị đã số hóa dữ liệu, có cơ sở dữ liệu riêng cần sớm thực hiện tích hợp, chia sẻ dữ liệu với các bên liên quan.
Theo đại diện của Vietsoftpro, trong thời gian qua doanh nghiệp này đã xây dựng nhiều sản phẩm du lịch số tại Huế, như xây dựng bản thuyết minh tự động (với 12 thứ tiếng) và trợ lý du lịch ảo tại các điểm tham quan thuộc hệ thống di sản Huế cũng như nghiên cứu dịch vụ trải nghiệm về đêm trên nền tảng ứng dụng kỹ thuật công nghệ 4.0 tại di tích Hổ Quyền, Đại Nội Huế và sông Hương.
Mới đây, công ty cũng thực hiện chương trình thí điểm số hóa 3D và hệ thống du lịch tổng thể thông minh tại làng cổ Phước Tích; số hóa và xây dựng bản đồ số du lịch tương tác 3D tại 40 điểm tham quan tiêu biểu tại Huế.
Ngoài FSI và Vietsoftpro, nhiều đơn vị khác cũng hỗ trợ thực hiện công tác chuyển đổi số cho ngành du lịch Thừa Thiên Huế.
Theo lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, thông qua Tuần lễ chuyển đổi số - Huế 2022, Thừa Thiên Huế kỳ vọng sẽ có được những tham vấn nhằm xây dựng chiến lược chuyển đổi số trong giai đoạn mới cho Thừa Thiên Huế nói riêng và các địa phương nói chung, đồng thời mong muốn giới thiệu hình ảnh một điểm đến lý tưởng cho các tập đoàn, doanh nghiệp, nhà đầu tư về công nghệ thông tin triển khai các họat động đầu tư trên địa bàn.