(KTSG Online) - Bộ Tài chính và Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) sẽ hoàn thành xây dựng và khai trương thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong năm 2022 với mục tiêu phát triển đồng bộ các thị trường tài chính ở Việt Nam và giảm thiểu các rủi ro cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Chia sẻ với báo chí nhân dịp Tết Nhâm Dần 2022, ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) – cho biết thị trường chứng khoán Việt Nam có triển vọng phát triển tốt trong trong trung và dài hạn nhờ sự hỗ trợ của một số yếu tố khách quan và nội lực của thị trường.
- KTSG Online: Điều gì khiến ông cảm thấy hài lòng nhất khi nhìn lại thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam năm 2021?
- Ông Trần Văn Dũng: Năm 2021 rất đặc biệt khi toàn thị trường phải thích ứng linh hoạt, bảo đảm hoạt động trong mọi hoàn cảnh khi dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống của kinh tế - xã hội. Thậm chí, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn kịch bản vận hành thị trường trong trường hợp trụ sở các của sở giao dịch và thành viên bị phong tỏa.
Với các chỉ số trên thị trường, chỉ số VnIndex kết thúc phiên giao dịch cuối năm 2021 ở mức 1.498,28 điểm – cao hơn 35,7% so với thời điểm cuối năm 2020. Ngoài ra, có một số phiên vượt mức 1.500 điểm.
Thanh khoản tiếp tục bùng nổ với mức bình quân trên 26.000 tỉ đồng một phiên, tăng 3,6 lần so với năm 2020. Đáng lưu ý, giá trị giao dịch bình quân của thị trường ở mức hơn 1 tỉ đô-la Mỹ mỗi phiên trong 9 tháng cuối năm, thậm chí có phiên đạt 2,5 tỉ đô-la.
Thanh khoản thị trường tăng rất nhanh và mạnh đã khiến hệ thống giao dịch thuộc HOSE thường rơi vào trạng thái nghẽn lệnh trong nửa đầu năm. Nhưng nhờ nỗ lực của Chính phủ, Bộ Tài chính và ngành chứng khoán nên vấn đề này đã được giải quyết.
Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới cả năm tăng kỷ lục với hơn 1,53 triệu tài khoản, cao hơn 4 lần so với năm 2020 và lớn hơn số luỹ kế 5 năm liền trước. Số tài khoản chứng khoán trên thị trường đã đạt gần 4,3 triệu, tương ứng 4,3% dân số. Điều này cho thấy sức hấp dẫn của thị trường đối với công chúng đầu tư.
Các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường – từ những doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực gặp nhiều khó khăn do Covid-19 như hàng không, du lịch - cũng thể hiện sức chống chịu và vươn lên tốt với mức lợi nhuận của toàn ngành là tăng khoảng 33%, dù trải qua nhiều khó khăn.
Ngoài ra, thị trường đã huy động 318.000 tỉ đồng qua đấu thầu trái phiếu Chính phủ với mức lãi suất bình quân 2,9% một năm và kỳ hạn huy động bình quân gần 14 năm. Đây là mức lãi suất thấp nhất và kỳ hạn huy động dài nhất từ trước đến nay.
Các công ty đại chúng, doanh nghiệp niêm yết trên thị trường cũng huy động thành công số vốn cao hơn 2,3 lần so với năm 2020.
Cũng trong năm 2021, thị trường đã ghi nhận sự thay đổi lớn khi Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX) chính thức vào hoạt động, bắt đầu tiến trình cơ cấu lại hoạt động theo hướng chuyên nghiệp.
Với những kết quả này, TTCK Việt Nam là một trong những thị trường thành công nhất trên thế giới năm qua.
Vậy điều gì đã giúp thị trường phát triển trong năm qua, thưa ông?
Sự phát triển của thị trường xuất phát từ nhiều yếu tố.
Về nền tảng, nhà đầu tư đã nhìn thấy tiềm năng phát triển của nền kinh tế Việt Nam với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng và Chính phủ trong việc thực hiện mục tiêu vừa thích ứng, linh hoạt trong chống dịch, vừa củng cố và thúc đẩy sản xuất kinh doanh của nền kinh tế.
Ngoài ra, sự chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tài chính với hoạt động của TTCK, đặc biệt là quan điểm chỉ đạo nhất quán “điều hành thị trường an toàn, hiệu quả trong mọi hoàn cảnh và tôn trọng quy luật cung – cầu của thị trường”. Đây là một điểm nhấn rất là quan trọng trong chính sách của Bộ Tài chính.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã ban hành rất sớm và giữ các chính sách khuyến khích cho TTCK phát triển, đặc biệt là các chính sách giảm phí giao dịch.
Về pháp lý, Luật Chứng khoán có hiệu lực từ 1-1-2021 là nền tảng giúp Bộ Tài chính, UBCKNN thanh tra, giám sát, xử lý các vi phạm trên thị trường theo hướng nghiêm minh hơn và chuẩn mực hơn.
Về thành viên tham gia thị trường, các công ty chứng khoán tận dụng tốt bối cảnh thị trường phát triển nhanh để tăng vốn, mở rộng kinh doanh, dịch vụ. Đặc biệt, họ đã phối hợp với UBCKNN và các sở giao dịch chứng khoán để tinh chỉnh, phát triển hệ thống giao dịch của mình một cách an toàn, hiệu quả, bảo đảm môi trường mới, đáp ứng nhu cầu giao dịch của nhà đầu tư.
Về nhà đầu tư, họ đã tham gia thị trường với tâm lý tích cực, chủ động hơn khi mặt bằng trình độ, hiểu biết của họ về doanh nghiệp và thị trường cao hơn. Chúng tôi đánh giá rất là cao yếu tố này và cũng tin tưởng rằng trong thời gian tới sự tham gia của các nhà đầu tư sẽ tiếp tục tăng về chất và lượng.
Nhận định của ông về triển vọng tăng trưởng của TTCK Việt Nam năm 2022?
Về vĩ mô, thị trường đón nhận nhiều tín hiệu khả quan khi Chính phủ đã và đang đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 để kiểm soát dịch bệnh và kịp thời chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch từ “Zero Covid” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19, vừa phòng, chống dịch, vừa khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội. Chính sách này nâng cao triển vọng phục hồi của kinh tế Việt Nam.
Ngoài ra, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ với các chính sách hỗ trợ được thực hiện chủ yếu năm 2022 và 2023 sẽ giúp doanh nghiệp sớm phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng.
Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất thấp tiếp tục được duy trì sẽ giúp dòng tiền tiếp tục được “chảy” vào TTCK.
Còn chủ chương đẩy mạnh cổ phần hoá, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước của Chính phủ sẽ giúp mở rộng dư địa phát triển của thị trường.
Về nội tại thị trường, TTCK Việt Nam đã tích lũy được thành quả về cả “lượng và chất”, tăng khả năng chống chịu với yếu tố bên ngoài.
Vì vậy, thị trường sẽ tiếp tục phát triển tích cực trong trung và dài hạn nhờ sự hỗ trợ của những yếu tố khách quan và bản thân nội lực của thị trường.
Về thách thức, năm 2022 tiếp tục là một năm khó khăn với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, lạm phát tăng cao, kinh tế thế giới đối mặt với khó khăn.
Ngoài ra, nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đang đưa ra tín hiệu về áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ nhằm đối phó với rủi ro lạm phát. Các chính sách này nếu được thực thi sớm trên thế giới sẽ tạo thêm áp lực cho thị trường.
Điều quan trọng là các cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán và TTCK phải chuẩn bị các giải pháp ứng phó để đảm bảo thị trường phát triển bền vững, minh bạch. Chúng tôi cũng rất mong các nhà đầu tư tiếp cận thị trường một cách cẩn trọng, phân tích đầy đủ thông tin, tránh tâm lý đầu tư theo phong trào để hạn chế rủi ro.
Các cơ quan quản lý có giải pháp gì để giúp thị trường vừa triển nhanh và bền vững trong năm nay?
Chúng tôi sẽ bám sát quan điểm phát triển TTCK hướng tới mục tiêu dài hạn và bền vững, vừa phát triển về mặt quy mô nhưng phải đặt trọng tâm nhiều hơn vào chất lượng và sự bền vững. Tinh thần dài hạn, bền vững và minh bạch cũng đã được thể hiện trong dự thảo Chiến lược phát triển TTCK giai đoạn 2021–2030.
Với năm 2022, chúng tôi sẽ triển khai các giải pháp nhằm ổn định hoạt động của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và bắt đầu tiến trình cơ cấu lại các thị trường cổ phiếu, trái phiếu và phái sinh theo hướng chuyên nghiệp hóa, theo lộ trình được Chính phủ phê duyệt.
Bộ Tài chính và UBCKNN cũng quyết tâm xây dựng và khai trương thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với mục tiêu phát triển đồng bộ các thị trường tài chính ở Việt Nam. Đây là thị trường rất tiềm năng, nhưng có nhiều vấn đề cần giải quyết để giảm thiểu các rủi ro cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Công tác thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm trên thị trường sẽ được đẩy mạnh hơn nữa. Đây là yếu tố rất là quan trọng để bảo đảm thị trường hoạt động công khai, minh bạch, công bằng, có kỷ cương, kỷ luật, qua đó giữ và củng cố lòng tin của nhà đầu tư với thị trường.
Xin trân trọng cảm ơn ông!