Thứ tư, 22/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Hướng đi nào để tương lai Đồng bằng sông Cửu Long thịnh vượng?

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đứng trước hàng loạt thách thức có ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phát triển. Thế nhưng, nếu có hướng giải quyết đúng như hạn chế chạy theo sản lượng, quản lý tốt tài nguyên, giảm tác động xấu đến môi trường... thì chẳng những ĐBSCL sẽ khắc phục được thách thức mà còn đi đến một tương lai thịnh vượng.

Đó là ý kiến của các đại biểu đưa ra tại hội thảo “Chống chịu khí hậu tổng hợp và phát triển bền vững vùng ĐBSCL" diễn ra vào hôm nay, 24-9, ở thành phố Cần Thơ.

Nuôi cá bè trên sông ở tỉnh An Giang. Ảnh: Trung Chánh

Thách thức khi chạy theo sản lượng

Tại hội thảo, ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập ở ĐBSCL cho biết, khi nói về vùng này sẽ có một loạt vấn đề tồn tại, gồm sạt lở, xâm nhập mặn, ô nhiễm sông ngòi, cạn kiệt tài nguyên... Tuy nhiên, nếu chia ra sẽ có 3 nhóm tác động, gồm nhóm trên thượng nguồn xuống; nhóm biến đổi khí hậu, nước biển dâng và nhóm nội tại ở ĐBSCL.

Trong đó, chuyên gia này đặc biệt đề cập đến nhóm nội tại của vùng ĐBSCL và cho rằng nhóm tác động này bắt nguồn từ nền nông nghiệp thâm canh, chạy theo số lượng quá đà trong thời gian dài.

Vào cuối thập niên 70, Việt Nam thiếu lương thực nên nguồn lực được huy động để ĐBSCL thực hiện vai trò an ninh lương thực cho cả nước. Đó là hướng đi đúng trong bối cảnh đất nước chịu cảnh thiếu ăn.

Tuy nhiên, đến những năm 1989, khi Việt Nam chuyển mình trở thành nước xuất khẩu gạo, tức hết đói thì câu chuyện tăng sản lượng vẫn tiếp tục diễn ra. “Khi chúng ta không còn diện tích để mở rộng thì chuyển sang thâm canh tăng vụ (1- 2- 3 vụ/năm)”, ông Thiện nói.

Việc tăng giá trị bằng cách tăng sản lượng đã để lại nhiều hệ luỵ cho ĐBSCL, bao gồm người dân vẫn không thoát nghèo; môi trường nước sông bị ô nhiễm, không sử dụng được chuyển sang khai thác nước ngầm, gây sụt lún gấp nhiều lần nước biển dâng.

“Bây giờ chúng ta phải có con đường khác, đó là làm ra nhiều tiền hơn từ sản xuất ít lúa gạo hơn”, ông Thiện nhấn mạnh.

"Xoay trục" đưa ĐBSCL đến thịnh vượng

Sản xuất ít lúa gạo hơn để giúp đất đai được “thư giãn” nhưng vẫn làm cho thu nhập của người dân vùng ĐBSCL vẫn tăng lên là vấn đề cần được giải quyết để đưa ĐBSCL hướng đến phát triển thịnh vượng.

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, mới đây Chính phủ đã bàn về quy hoạch quốc gia, trong đó, vấn đề của ĐBSCL cũng được đưa ra bàn thảo là tăng tỷ trọng thủy sản, trái cây và giảm lúa.

“Kể cả vấn đề quy hoạch diện tích trồng lúa thì trong Nghị quyết Quốc hội cũng nói đó là con số linh hoạt. Quy hoạch 3,5 triệu hec ta trồng lúa linh hoạt, nghĩa là chúng ta có độ mở, chứ không phải đóng khung”, ông Hoan nói.

Khi phát biểu với Chính phủ và các bộ ngành, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, những con số thống kê tiêu cực về ĐBSCL có thể làm người trong cuộc xuống “tinh thần”.

Để giải quyết vấn đề của ĐBSCL hiện nay, bên cạnh nhìn nhận vấn đề tích cực để có hướng ra thì cần có tư duy đột phá trong việc tận dụng các nguồn lực hỗ trợ để giúp ĐBSCL phát triển.

Trước một chương trình hỗ trợ mới của Ngân hàng Thế giới (WB) cho ĐBSCL, ông Hoan đề nghị, 13 địa phương trong vùng phải chuyển từ cách nghĩ “gói tài trợ này địa phương được gì” sang tư duy "gói tài trợ này Đồng bằng sông Cửu Long được được gì”. “Đây chính là tư duy chúng ta mở rộng liên kết”, ông nói.

Tại hội thảo này, bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam cho biết, WB đã đồng ý tham gia một dự án mới ở ĐBSCL nhằm hỗ trợ giải quyết các thách thức về quản lý tài nguyên nước, xây dựng sinh kế nông nghiệp trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

“Chúng tôi sẽ thúc đẩy chuyển đổi nông nghiệp carbon thấp ở Việt Nam. Trong đó, tập trung vào lĩnh vực lúa gạo”, bà nói.

Theo bà Turk, đã có những mô hình được thử nghiệm thành công ở Việt Nam mà nông dân vùng ĐBSCL có thể áp dụng để tăng thu nhập, giảm phát thải thải khí nhà kính và duy trì khả năng cạnh tranh của lúa gạo. Trong đó, chuyển sang mô hình lúa gạo carbon thấp cũng sẽ giúp Việt Nam đạt mục tiêu về phát thải.

Trong khi đó, bà Dani Umali- Deininger, Giám đốc thực hành phụ trách nông nghiệp và thực phẩm của WB cho rằng, Việt Nam là câu chuyện thành công của châu Á khi đạt tốc độ tăng trưởng nông nghiệp 3,5%/năm từ những năm 1990 đến nay. Điều này, không chỉ giúp đảm bảo an ninh lương thực, mà còn đóng góp quan trọng cho xuất khẩu và giúp tăng thu nhập ở khu vực nông thôn.

Tuy nhiên, nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt với rất nhiều thách thứ, bao gồm hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở, ô nhiễm môi trường, suy giảm tài nguyên… Đặc biệt, nông nghiệp cũng chính là nguyên nhân gây tác động của biến đổi khí hậu thông qua phát thải khí nhà kính. Nông nghiệp chiếm 19% lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam. Trong đó, ngành lúa gạo chiếm 45% của số này.

Theo bà, các quốc gia nhập khẩu trên thế giới như châu Âu ngày càng chú trọng vào sản phẩm xanh, tức quá trình sản xuất phải ít tác động đến môi trường. Với những sản phẩm nhập khẩu vào châu Âu, có 84% các nhà bán lẻ ở Đức đang ghi nhận doanh số tăng ở những mặt hàng đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững về môi trường và 92% các nhà bán lẻ tin lượng hàng bán ra đối với các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn bền vững sẽ tăng trong vòng 5 năm tới.

Vì vậy, bà Dani Umali- Deininger cho rằng, sản xuất lúa gạo carbon thấp không những giúp Việt Nam hiện thực hoá cam kết của Chính phủ tại COP26 mà còn giúp sản phẩm đáp ứng được xu thế tiêu dùng mới của thị trường nhập khẩu.

Chuyên gia độc lập Nguyễn Hữu Thiện cho rằng, việc Chính phủ ban hành nghị quyết “thuận thiên”, gần đây Bộ Chính trị ban hành nghị quyết phát triển ĐBSCL theo hướng xanh và quy hoạch tích hợp là những căn cứ giúp ĐBSCL giải quyết được những vấn đề tồn tại, hướng đến tương lai thịnh vượng.

Cụ thể, quy hoạch tích hợp được soạn thảo theo tinh thần nghị quyết “thuận thiên” nhấn mạnh đến việc tôn trọng quy luật tự nhiên, tránh can thiệp thô bạo vào thiên nhiên.

Thêm vào đó là định hướng chuyển nền nông nghiệp từ thuần túy sản xuất chạy theo số lượng sang chất lượng và làm kinh tế nông nghiệp; xem nước mặn, ngọt, lợ đều là tài nguyên, không xem nước mặn là mối đe doạ; xoay trục ưu tiên, tức trước đây lúa là số 1, nay là thuỷ sản, cây trồng khác rồi mới đến lúa sẽ giúp nông nghiệp phát triển bền vững.

“Như vậy, chúng ta vẫn đảm bảo được an ninh lương thực, nhưng vẫn làm giàu”, ông Thiện nhấn mạnh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới