Thứ tư, 25/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Huy động nguồn vốn xã hội đầu tư hạ tầng cảng hàng không theo hình thức PPP

Y.M

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Giao thông vận tải khẩn trương rà soát, hoàn thiện Đề án định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không. Trước đó, Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất huy động nguồn vốn xã hội đầu tư toàn bộ cảng hàng không theo hình thức hợp tác công - tư (PPP).

Trong ảnh minh họa là Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn - công trình cảng hàng không có vốn đầu tư tư nhân đầu tiên tại Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Tại Văn bản số 1061/VPCP-CP ngày 18-2-2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Giao thông vận tải khẩn trương rà soát, hoàn thiện các nội dung của Đề án định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không.

Cụ thể, tiêu chí phân loại cảng hàng không, Phó Thủ tướng lưu ý về việc tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan; đánh giá bất cập của các quy định pháp luật liên quan đến đầu tư, quản lý, khai thác cảng hàng không, cơ chế huy động vốn; khả năng huy động vốn xã hội; tác động đối với an ninh, quốc phòng; khó khăn trong tổ chức thực hiện.

Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu làm rõ mối quan hệ của đề án nêu trên với "Đề án phân cấp, phân quyền và giải pháp huy động nguồn lực thực hiện Quy hoạch tổng thể hệ thống cảng hàng không toàn quốc" để xác định phạm vi, mục tiêu, giải pháp cho phù hợp; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 2/2022.

Trước đó, Bộ Giao thông vận tải có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không. Trong đó, Bộ Giao thông vận tải đề xuất phân loại hệ thống cảng hàng không thành 5 nhóm, làm cơ sở định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không.

Nhóm 1 gồm Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Long Thành, Tân Sơn Nhất. Bộ Giao thông cho rằng đây là những cảng hàng không quốc tế quan trọng của quốc gia, đóng vai trò gom hành khách, hàng hóa để kết nối với mạng đường bay nội địa và quốc tế; là các cảng hàng không quốc tế lớn có công suất quy hoạch đến năm 2030 lớn hơn 25 triệu hành khách/năm, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia.

Nhóm 2 gồm Thọ Xuân, Chu Lai, Phù Cát, Tuy Hòa. Đây là những cảng hàng không có hoạt động quân sự, huấn luyện quân sự thường xuyên, tài sản và đất đai khu bay do Bộ Quốc phòng quản lý.

Nhóm 3 gồm Điện Biên, Nà Sản, Đồng Hới, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Rạch Giá, Cà Mau, Phú Quốc và Côn Đảo. Theo Bộ Giao thông vận tải, đây là những sân bay ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, cân đối thu chi khó khăn, có công suất quy hoạch đến năm 2030 nhỏ hơn 5 triệu hành khách/năm (trừ sân bay Phú Quốc).

Nhóm 4 gồm Cát Bi, Vinh, Phú Bài, Liên Khương và Cần Thơ. Đây là các cảng hàng không có công suất quy hoạch đến năm 2030 lớn hơn 5 triệu hành khách/năm, có tiềm năng phát triển, có khả năng thu hút các nhà đầu tư và không có hoạt động quân sự thường xuyên.

Nhóm 5 là những cảng hàng không mới, gồm Sa Pa, Quảng Trị, Lai Châu và các cảng hàng không tiềm năng như Cao Bằng, Hải Phòng (Tiên Lãng), cảng hàng không thứ 2 vùng Thủ đô.

Bộ Giao thông vận tải đề xuất huy động nguồn vốn xã hội đầu tư toàn bộ cảng hàng không theo hình thức PPP. Cơ quan này cũng đề xuất giao UBND các tỉnh có quy hoạch cảng hàng không mới là cơ quan có thẩm quyền đầu tư theo hình thức PPP, chủ động huy động, cân đối nguồn lực và tổ chức thực hiện đầu tư.

Cũng liên quan đến lĩnh vực hàng không, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đề nghị ưu tiên bàn giao cấp bách trước mặt bằng một số khu vực trữ đất của dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

Theo đó, ACV vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị ưu tiên bàn giao cấp bách trước mặt bằng một số khu vực trữ đất của dự án đầu tư xây dựng sân bay quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Văn bản cho biết, đến nay, ACV đã được nhận bàn giao 1.284/1.810 ha diện tích Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1 và 165/722 ha diện tích khu vực dự trữ đất. Việc triển khai thi công hạng mục san nền và thoát nước đang được liên danh nhà thầu triển khai thi công đồng loạt trên công trường. Tuy nhiên, để đảm bảo tiến độ thi công hạng mục này, liên danh nhà thầu cần có mặt bằng để tập kết đất hữu cơ và đất đào dôi dư.

"ACV đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai tạm bàn giao thêm 66,69ha tại khu vực 722ha phía Nam để ACV triển khai các công tác rà phá bom mìn và để đơn vị thi công chuyển phần đất dôi dư qua vị trí này trong khi chờ các thủ tục pháp lý bàn giao chính thức", trích từ văn bản do Phó tổng giám đốc Đỗ Tất Bình ký.

Dự án xây dựng Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư hơn 109 ngàn tỉ đồng, tương đương 4,664 tỉ đô la Mỹ với mục tiêu xây dựng một cảng hàng không quốc tế cấp 4F tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Giai đoạn này bao gồm một đường cất hạ cánh, một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm trên diện tích sàn 373.000 m2; 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Thời gian thực hiện từ 2020 đến 2025.

Dự án Cảng HKQT Long Thành được chia thành 4 dự án thành phần. Trong đó, dự án thành phần 1 - các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước, được Thủ tướng giao các cơ quan quản lý nhà nước liên quan (Hải quan, Công an, Công an cửa khẩu, Cảng vụ, Kiểm dịch y tế) bố trí nguồn vốn thực hiện. Trường hợp không có khả năng bố trí vốn, các cơ quan quản lý nhà nước lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BTL hoặc BLT.

Dự án thành phần 2 - các công trình phục vụ quản lý bay, chủ đầu tư được Thủ tướng giao cho Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam làm chủ đầu tư.

Dự án thành phần 3 - các công trình thiết yếu trong cảng, bao gồm: nhà ga hành khách, hạ tầng hàng không, hệ thống cấp nước, xử lý nước thải; nhà ga hàng hóa số 1, nhà để xe; hệ thống giao thông kết nối tuyến số 1 và số 2… sẽ do ACV làm chủ đầu tư.

Dự án thành phần 4 - các công trình khác thực hiện bởi các nhà đầu tư, chủ đầu tư do Bộ Giao thông vận tải chủ trì việc lựa chọn.

Cũng theo quyết định của Thủ tướng, các dự án thành phần 2, 3, 4 sẽ chỉ được sử dụng vốn của nhà đầu tư, không sử dụng bảo lãnh Chính phủ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới