(KTSG Online) - Sau khi đạt thêm 2 tiêu chí đúng thời hạn quy định tháng 6-2023 theo yêu cầu của UBND thành phố Hà Nội, huyện Đông Anh đã tổ chức lấy ý kiến nhân dân và có tờ trình UBND thành phố xem xét, cho ý kiến để lên quận, trước khi trình HĐND thành phố tại kỳ họp tháng 7-2023.
Theo TTXVN, thực hiện đề án chuyển đổi từ huyện lên quận, huyện Đông Anh đã đạt thêm 2 tiêu chí: trường THPT đạt chuẩn quốc gia và tỷ lệ tuyến phố văn minh đô thị, đảm bảo 31/31 tiêu chí, đủ tiêu chuẩn báo cáo UBND thành phố xem xét trước thời hạn quy định là ngày 30-6.
Tiếp đó, UBND huyện Đông Anh có tờ trình gửi UBND thành phố Hà Nội về việc thành lập quận Đông Anh và các phường thuộc quận. Theo đó, Đông Anh được định hướng phát triển thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ, tài chính, thương mại và giao dịch quốc tế khu vực bắc sông Hồng, đóng vai trò động lực phát triển ở phía bắc thủ đô.
Đông Anh được thành lập quận trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên 185 km2, dân số 437.000 người và 24 xã, thị trấn hiện có. Đông Anh sẽ có 24 phường.
Trong tháng 5 và tháng 6-2023, UBND huyện cũng tổ chức lấy ý kiến cử tri và đại biểu HĐND các cấp. Kết quả ghi nhận hơn 99% đồng ý với đề án thành lập quận Đông Anh và các phường.
Đông Anh cách sân bay quốc tế Nội Bài 13 km, có nhiều tuyến đường huyết mạch đi qua như Thăng Long - Nội Bài (đường Võ Văn Kiệt), cao tốc Nhật Tân - Nội Bài (đường Võ Nguyên Giáp), quốc lộ 5 kéo dài (gồm đường Trường Sa và Hoàng Sa), quốc lộ 3... Có 2 tuyến đường sắt chạy qua Đông Anh là tuyến nối trung tâm thành phố Hà Nội với tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Lào Cai.
Địa bàn Đông Anh có 2 khu công nghiệp lớn là Bắc Thăng Long và Đông Anh; 3 cụm công nghiệp Nguyên Khê, Liên Hà, Vân Hà. Ngoài ra, còn có một số làng nghề truyền thống nổi tiếng.
Đề án thành lập quận Đông Anh sẽ trình HĐND thành phố Hà Nội xem xét thông qua tại kỳ họp đầu tháng 7-2023; hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ, Thường vụ Quốc hội cuối năm 2023.