Thứ hai, 17/02/2025
27 C
Ho Chi Minh City

IEA đề xuất hạn chế lái xe riêng, đi máy bay để ứng phó tình trạng thiếu dầu

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), có trụ sở ở Paris, Pháp, kêu gọi 31 nước thành viên cắt giảm giảm nhu cầu dầu bằng các biện pháp như hạn chế sử dụng xe riêng giảm tốc độ lái xe, tránh đi công tác bằng máy bay nếu có sự lựa chọn khác...

IEA đề xuất 10 biện pháp giúp giảm nhu cầu dầu gồm giảm tốc độ lái xe trên các tuyến cao tốc xuống ít nhất 10 km/giờ, cấm xe cá nhân đi vào thành phố vào các ngày Chủ nhật, hạn chế lượng xe cá nhân tiếp cận đường xá ở các thành phố lớn, làm việc tại nhà mỗi tuần 3 ngày nếu có thể... Ảnh: IEA

Theo IEA, việc cắt giảm nhu cầu dầu là điều cần thiết để tránh một cuộc khủng hoảng năng lượng trầm trọng hơn vì xuất khẩu dầu của Nga có thể giảm 2,5 triệu thùng/ngày vào tháng tới do tác động của chiến sự tại Ukraine.

Hôm 18-3, IEA đưa ra báo cáo về kế hoạch 10 điểm giúp giảm nhu cầu dầu 2,7 triệu thùng/ngày trong bốn tháng tới để giúp cân bằng lượng dầu xuất khẩu bị chặn đứng từ thị trường Nga. Kế hoạch đưa ra 10 biện pháp bao gồm giảm tốc độ lái xe trên các tuyến cao tốc xuống ít nhất 10 km/giờ, cấm xe cá nhân đi vào thành phố vào các ngày Chủ nhật, hạn chế lượng xe cá nhân tiếp cận đường xá ở các thành phố lớn, làm việc tại nhà mỗi tuần 3 ngày nếu có thể, phát triển phương tiện vận chuyển công cộng có chi phí rẻ, khuyến khích đi bộ, đi xe đạp, xe scooter điện..., tăng cường sử dụng dịch vụ đi xe chung, hạn chế đi công tác bằng máy bay nếu có phương án đi lại khác để lựa chọn chẳng hạn tàu hỏa, thúc đẩy phổ cập xe điện và các phương tiện tiết kiệm năng lượng khác.

“Chúng tôi ước tính rằng chỉ riêng việc thực hiện đầy đủ các biện pháp này ở các nền kinh tế tiên tiến có thể cắt giảm nhu cầu dầu 2,7 triệu thùng/ngày trong vòng 4 tháng tới, so với mức tiêu thụ hiện tại của họ”, báo cáo của IEA cho hay.

2,7 triệu thùng dầu tương tương đương với nhu cầu dầu của tất cả xe hơi ở Trung Quốc trong một ngày. Theo IEA, nếu các nền kinh tế mới nổi thực hiện một phần hoặc đầy đủ 10 biện pháp nói trên, mức giảm nhu cầu dầu sẽ còn mạnh hơn.

Theo IEA, một số biện pháp dễ thực hiện như giảm tốc độ lái xe trên đường cao tốc có thể giúp các thành viên IEA tiết kiệm tổng cộng  430.000 thùng dầu/ngày. Làm việc tại nhà 3 ngày mỗi tuần cũng được kỳ vọng giúp tiết kiệm 500.000 thùng dầu/ngày.

Giám đốc IEA, Fatih Birol nói rằng gọi biện pháp trên là cần thiết vì các thị trường dầu đang rơi vào trạng thái nguy ngập và tình hình sắp tới có thể còn tồi tệ hơn.

Ông nói, khoảng 2,5 triệu thùng xuất khẩu dầu mỗi ngày từ Nga có thể dừng lại từ tháng tới do tác động của chiến sự tại Ukraine và sự tẩy chay của người tiêu dùng phương Tây đối với dầu thô của Nga, một những nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới.

Ông cảnh báo: “Thế giới có thể đang phải đối mặt với cú sốc nguồn cung dầu lớn nhất trong nhiều thập kỷ”.

Ông hối thúc các nước thành viên IEA ,bao gồm nhiều nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới như Mỹ, Nhật Bản và Đức , cắt giảm nhu cầu dầu ngay bây giờ, "để tránh nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng thiếu dầu trầm trọng".

IEA được thành lập vào năm 1974 để giúp các quốc gia tiêu thụ dầu ứng phó với cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973 và giám sát thị trường năng lượng toàn cầu. Nhưng hiếm khi cơ quan này đề xuất các biện pháp giảm nhu cầu dầu đáng kể như đã vạch ra hôm 18-3.

Giá dầu thô chuẩn quốc tế Brent đã tăng lên đến mức 139 đô la /thùng sau khi Nga mở cuộc tấn công quân sự ở Ukraine trong bối cảnh lo ngại về nguồn cung. Trong phiên giao dịch cuối tuần, giá dầu Brent chốt ở mức 107 đô la/thùng.

Barbara Pompili, Bộ trưởng chuyển đổi sinh thái Pháp, cho biết đề xuất cắt giảm tiêu thụ của IEA đưa ra “những ý tưởng thú vị” có thể đặt ra lộ trình cho các quốc gia giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ.

Bà nói: “Pháp và tất cả các nước châu Âu phải thoát khỏi sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch càng sớm càng tốt.

Đó là điều rất cần thiết đối với khí hậu và cũng đối với quyền tự chủ năng lượng”.

IEA sẽ trình bày các khuyến nghị trên cho Bộ trưởng năng lượng của các nước thành viên vào tuần tới như một phần của kế hoạch ứng phó với cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay.

Ông Birol cảnh báo sự kết hợp của lượng xuất khẩu suy giảm từ Nga, nhu cầu dầu tăng trong mùa du lịch hè và mức dự trữ dầu thấp có nghĩa là thị trường dầu có thể thắt chặt hơn trong thời gian tới so với hiện tại.

Báo cáo của IEA cho rằng không nên xem giảm sử dụng dầu một biện pháp tạm thời mà hãy hướng đến việc giảm sử dụng dầu lâu dài để không chỉ để cải thiện an ninh năng lượng mà còn để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và giảm ô nhiễm không khí.

Theo Financial Times, CNBC

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới