Thứ tư, 19/02/2025
27 C
Ho Chi Minh City

IEA: Điện phát thải thấp đủ đáp ứng tăng trưởng nhu cầu điện toàn cầu

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Mức tiêu thụ điện toàn cầu dự kiến tăng trung bình khoảng 4% mỗi năm trong 3 năm tới (2025- 2027) do nhu cầu ngày càng tăng từ các ngành công nghiệp, điều hòa không khí, điện hóa và trung tâm dữ liệu. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), nguồn điện phát thải thấp, chủ yếu là năng lượng tái tạo và hạt nhân, sẽ đủ để đáp ứng toàn bộ nhu cầu điện tăng trưởng trong 3 năm tới.

Theo IEA, sự tăng trưởng nhanh chóng của năng lượng tái tạo gồm điện hạt nhân sẽ đủ để đáp ứng mức tiêu thụ điện tăng lên trên toàn cầu trong 3 năm tới. Ảnh: Freepik

Khu vực đang phát triển và mới nổi thúc đẩy nhu cầu

Theo báo cáo mới của IEA công bố hôm 14-2, mức tiêu thụ điện trên thế giới dự kiến ​​sẽ tăng với tốc độ nhanh nhất trong những năm gần đây, gần 4% mỗi năm cho đến năm 2027 khi mức sử dụng điện tăng lên ở nhiều lĩnh vực trên khắp nền kinh tế.

IEA dự báo rằng mức tăng trưởng nhu cầu toàn cầu sẽ tương đương với lượng điện lớn hơn mức tiêu thụ điện hàng năm của Nhật Bản mỗi năm từ nay đến năm 2027. Sự gia tăng này chủ yếu được thúc đẩy bởi nhu cầu điện ngày càng tăng trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, điều hòa không khí, quá trình điện hóa, dẫn đầu là lĩnh vực vận tải và trung tâm dữ liệu.

Phần lớn nhu cầu điện tăng lên trong 3 năm tới sẽ đến từ các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, chiếm 85% mức tăng trưởng nhu cầu. Xu hướng này thể hiện rõ nhất ở Trung Quốc, nơi nhu cầu điện tăng trưởng nhanh hơn nền kinh tế tổng thể kể từ năm 2020. Lượng điện tiêu thụ của nền kinh tế lớn thứ hai tăng 7% vào năm 2024 và dự kiến ​​ tăng trung bình khoảng 6% cho đến năm 2027.

Nhu cầu điện tăng trưởng mạnh mẽ ở Trung Quốc một phần là do các ngành công nghiệp mới thúc đẩy, bên cạnh các ngành truyền thống sử dụng nhiều năng lượng. Điều hòa không khí, xe điện, trung tâm dữ liệu và mạng 5G là những yếu tố khác thúc đẩy tiêu thụ điện ở Trung Quốc.

“Nhu cầu điện toàn cầu tăng nhanh làm nổi bật những thay đổi đáng kể đang diễn ra trong các hệ thống năng lượng trên toàn thế giới”, Keisuke Sadamori, giám đốc thị trường và an ninh năng lượng của IEA nói.

Điều này đặt ra những thách thức đối với các chính phủ trong việc đảm bảo nguồn cung cấp điện an toàn, giá cả phải chăng và bền vững.

Mức tiêu thụ điện cũng dự kiến ​​sẽ tăng ở nhiều nền kinh tế tiên tiến sau một thời gian tương đối trì trệ.

Theo IEA, tại Mỹ, nhu cầu tăng mạnh dự kiến  bổ sung thêm lượng điện tương đương với mức tiêu thụ điện hiện tại của bang California vào tổng lượng điện tiêu thụ toàn quốc trong 3 năm tới.

Nhu cầu điện dự kiến tăng trưởng chậm hơn ở Liên minh châu Âu (EU), chỉ tăng trở mức tiêu thụ của năm 2021 vào năm 2027, sau sự sụt giảm lớn vào năm 2022 và 2023 do khủng hoảng năng lượng.

IEA cũng dự báo, sự tăng trưởng của các nguồn điện phát thải thấp, chủ yếu là năng lượng tái tạo và hạt nhân, sẽ đủ để đáp ứng toàn bộ nhu cầu điện toàn cầu tăng trưởng trong 3 năm tới.

Đặc biệt, sản lượng điện từ năng lượng mặt trời dự kiến  đáp ứng khoảng 50% nhu cầu điện toàn cầu tăng thêm đến năm 2027. Điều này là nhờ lĩnh vực này tiếp tục tiếp tục cắt giảm chi phí và được hỗ trợ về chính sách.

Sản lượng điện mặt trời đã vượt qua sản lượng điện than ở EU vào năm 2024, với tỷ trọng điện mặt trời trong cơ cấu điện năng vượt 10%. Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ ​​dự kiến ghi nhận ​​tỷ trọng điện mặt trời trong sản lượng điện hàng năm đạt 10% từ nay đến năm 2027.

Theo IEA, lượng khí thải carbon từ hoạt động sản xuất điện toàn cầu dự kiến ​​ ổn định trong những năm tới sau khi tăng khoảng 1% vào năm 2024.

Báo cáo đề cập đến vai trò quan trọng của thời tiết đối với hệ thống điện và sự biến động ngày càng tăng của giá điện bán buôn ở một số khu vực. Tình trạng giá điện bán buôn rơi xuống mức âm gia tăng ở một số thị trường điện ở châu Âu trong những năm qua. Điều này thường cho thấy sự thiếu linh hoạt trong hệ thống do các lý do kỹ thuật, quy định quản lý hoặc hợp đồng mua bán.

Năng lượng hạt nhân trở lại mạnh mẽ

Đồng thời, năng lượng hạt nhân đang trở lại mạnh mẽ trên toàn cầu, với sản lượng điện dự kiến đạt mức cao mới hàng năm trong giai đoạn 2025-2027, theo báo cáo của IEA.

Phát biểu tại một sự kiện tại Hội đồng Đại Tây Dương đầu than1gh này, Fatih Birol, giám đốc IEA, cũng nhận định năng lượng hạt nhân sẽ chứng kiến ​​sự hồi sinh đáng kể vào năm 2025, nhưng vẫn còn nhiều thách thức để phát triển.

Theo người đứng đầu IEA, khi nhu cầu năng lượng tăng trên toàn cầu, cần phải có nguồn điện đáng tin cậy hơn.

“Hôm nay tôi có thể xác nhận, năng lượng hạt nhân đang quay trở lại, mạnh mẽ. Năm 2025, chúng tôi kỳ vọng sản lượng điện hạt nhân toàn cầu sẽ đạt mức cao nhất trong lịch sử”, ông Birol nói

Ông cho biết thêm, hiện nay có khoảng 70 GW điện hạt nhân đang được xây dựng tại hơn 15 quốc gia. Thế giới chưa bao giờ chứng kiến ​​khối lượng xây dựng nhà máy điện hạt nhân lớn như vậy trong ba thập niên qua.

Vấn đề an ninh năng lượng cũng thúc đẩy các quốc gia xem xét phát triển điện hạt nhân vì việc sản xuất năng lượng này ổn định hơn nhiều loại năng lượng tái tạo khác và không phát thải carbon, không giống như khí đốt tự nhiên.

“Trong thời đại nhu cầu điện năng mạnh mẽ, nhiều nước đang tiến tới việc đưa năng lượng hạt nhân vào một phần cơ cấu sản xuất điện của họ. Hơn 40 nước có kế hoạch, chương trình cụ thể và dự án để xây dựng hoặc mở rộng năng lực điện hạt nhân”, vị giám đốc IEA cho biết.

Một số nước từng từ chối năng lượng hạt nhân trong quá khứ, bao gồm cả Ý, hiện đang tìm cách áp dụng công nghệ này. Đức đã ngừng sản xuất điện hạt nhân trước đây, nhưng cũng có thể sẽ xem xét lại. Trung Quốc, Thụy Điển, Nhật Bản, Pháp, Hàn Quốc, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Thụy Sĩ cũng đang phát triển thêm các lò phản ứng, khởi động lại hoặc nâng cấp nhà máy điện hạt nhân.

Ông Birol ghi nhận trong 5 năm qua, hơn 80% công suất điện hạt nhân mới được xây dựng ở Trung Quốc.

Ông cho rằng, với các chính sách hiện tại, Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ và trở thành cường quốc hạt nhân số một thế giới trước khi thập niên này kết thúc.

Tại các nước phương Tây, hiếm khi có một dự án điện hạt nhân hoàn thành đúng thời hạn và đúng ngân sách. Trung bình ở Mỹ và Mỹ, một dự án hạt nhân bị chậm tiến độ 8 năm và chi phí đội lên gấp hai lân so với dự kiến ​​ban đầu.

Ông Birol cho biết, Trung Quốc và Hàn Quốc có thành tích tốt hơn trong việc hoàn thành các dự án hạt nhân đúng thời hạn và đúng ngân sách.

Trong một báo cáo khác hồi tháng 1, IEA cho rằng, để duy trì tăng trưởng ổn định, ngành công nghiệp điện hạt nhân cần phải giải quyết vấn đề chậm tiến độ và chi phí bị đội lên. IEA ước tính, trong kịch bản tăng trưởng nhanh, đầu tư cho năng lượng hạt nhân tăng gấp đôi, lên 120 tỉ đô la Mỹ mỗi năm vào năm 2030.

 Theo eia.org, spglobal.com

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới