Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

IEA: Nhu cầu tiêu thụ than toàn cầu trở lại mức kỷ lục

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Do giá khí đốt tăng vot, nhu cầu tiêu thụ than toàn cầu dự kiến trở về mức cao kỷ lục được ghi nhận gần một thập niên trước, Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), có trụ sở ở Paris, Pháp, cho biết hôm 28-7.

Than tập kết ở cảng Tần Hoàng Đảo, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Ảnh: VCG

Báo cáo cập nhật thị trường than toàn cầu của IEA nhận định tiêu thụ than toàn cầu sẽ tăng 0,7% vào năm 2022 lên 8 tỉ tấn, với giả định nền kinh tế Trung Quốc phục hồi ​​trong nửa cuối năm. Con số này sẽ ngang bằng với mức tiêu thụ than cao kỷ lục của toàn cầu được thiết lập vào năm 2013. Theo IEA, nhu cầu than toàn cầu có thể sẽ tăng thêm 0,3% trong năm tới để thiết lập mức cao nhất trong lịch sử.

Báo cáo của IEA cho biết: “Bất chấp nền kinh tế toàn cầu đang chậm lại và các lệnh phong tỏa kiểm soát Covid-19  ở Trung Quốc, giá khí đốt tăng vọt sau khi cuộc chiến Nga – Ukraine nổ ra đang thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ than của thế giới trong năm nay”.

Năm ngoái, tiêu thụ than của các nước trên thế giới tăng khoảng 6% khi các nền kinh tế bắt đầu phục hồi sau cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19, góp phần đẩy lượng khí thải CO2 hàng năm tăng lên mức lớn nhất từ ​​trước đến nay.

Báo cáo cho biết: “Việc thế giới tiếp tục đốt một lượng lớn than đang làm gia tăng mối lo ngại về khí hậu, vì than là nguồn phát thải CO2 đơn lẻ lớn nhất liên quan đến năng lượng”.

Theo IEA, nhu cầu than toàn cầu đang tăng năm nay do giá khí đốt tăng, cản trở nỗ lực chuyển đổi khí đốt sang than ở nhiều nước, cũng như do kinh tế Ấn Độ tăng trưởng mạnh mẽ.

Nhu cầu than ở Ấn Độ dự kiến sẽ tăng 7% trong năm 2022 khi nước này cần một sản lượng điện lớn để phục vụ các hoạt động kinh tế đang phục hồi mạnh mẽ. Trong báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế mới nhất, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo Ấn Độ sẽ tăng trưởng 7,4% trong năm 2022.

Hôm 22-7, nhật báo tài chính Mint của Ấn Độ dẫn lời hai quan chức chính phủ cho biết Ấn Độ lên kế hoạch nhập khẩu khoảng 76 triệu tấn than trong năm tài khóa 2022-2023 do nguồn cung trong nước được dự báo sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu hàng ngày của các nhà máy nhiệt than trong 3 tháng tới. Hoạt động khai thác than ở Ấn Độ đang bị ảnh hưởng bởi mùa mưa kéo dài từ tháng 6 đến tháng 9.

Trong khi đó, nhu cầu của Liên minh châu Âu (EU) cũng được dự báo sẽ tăng 7% do than ngày càng được sử dụng nhiều ở khu vực này trong bối cảnh Nga cắt giảm dòng chảy khí đốt cung cấp cho châu Âu qua đường ống Nord Stream 1.

Nhu cầu than của EU dự kiến tăng mạnh hơn trong nửa cuối năm khi một số nước trong khu vực kéo dài tuổi thọ của các nhà máy nhiệt điện than nằm trong kế hoạch đóng cửa hoặc mở cửa trở lại các nhà nhiệt điện than đã cho dừng hoạt động. Chẳng hạn, Đức đang kéo dài tuổi thọ của các nhà máy điện than đã dừng hoạt động có tổng công suất 10 gigawatt (GW) cho đến tháng 3-2024.

Các nước châu Âu đang cố gắng tiết kiệm khí đốt để sử dụng cho mùa đông khi nguồn cung từ Nga ngày càng trở nên không chắc chắn. Ngành điện sẽ là ngành đóng góp lớn nhất vào sự gia tăng tiêu thụ than của EU trong năm nay. IEA ước tính nhu cầu sử dụng than để sản xuất điện ở EU sẽ tăng 16% trong năm 2022.

Tại Trung Quốc, nước chiếm hơn một nửa nhu cầu than của thế giới,  dù nhu cầu than giảm 3% trong nửa đầu năm nay nhưng dự kiến sẽ tăng trong nửa cuối năm, theo IEA.

Nhu cầu tiêu thụ than tăng cao giữa lúc giá nhiên liệu hóa thạch này tăng lên các mức cao kỷ lục. Nguồn cung than sẽ căng thẳng hơn trong thời gian tới sau khi lệnh cấm vận than của EU áp đặt với Nga có hiệu lực đầy đủ vào giữa tháng 8.

Châu Âu đã phải tạm gác các tham vọng chuyển đổi năng lượng khi cuộc khủng hoảng năng lượng trong khu vực ngày càng nghiêm trọng. Nga cung cấp 70% tổng lượng than nhiệt lượng cao nhập khẩu của châu Âu, được sử dụng trong sản xuất điện, nhưng nguồn cung đó phải được thay thế từ giữa tháng sau. Các nước châu Âu đang sốt sắng mua than từ Úc, Nam Mỹ, Colombia và Nam Phi.

Theo dữ liệu của Công ty môi giới vận tải biển Braemar, các nước châu Âu đã nhập khẩu 7,9 triệu tấn than nhiệt lượng cao trong tháng 6, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Dù vậy, con số này vẫn thấp hơn gần 2 triệu tấn so với tháng 4 và tháng 5.

Than nhiệt lượng cao được coi là một trong những nguồn năng lượng chứa nhiều carbon nhất. Các nhà phân tích dự báo nhập khẩu than nhiệt lượng cao từ 27 thành viên EU cộng với Anh sẽ cao hơn 43% vào năm sau so với năm nay, và điều này sẽ dẫn đến việc khí quyển phải nhận thêm 10 triệu tấn CO2.

Theo Reuters, Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới