Thứ bảy, 28/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

ILO: Thị trường việc làm toàn cầu trì trệ trong năm 2023

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tăng trưởng việc làm toàn cầu sẽ chậm lại đáng kể, về mức 1% trong năm nay so với 2% trong năm 2022 trong bối cảnh kinh tế trì trệ do tác động từ cuộc xung đột Nga-Ukraine, lạm phát cao và chính sách thắt chặt tiền tệ, theo báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công bố hôm 16-1.

Báo cáo của ILO dự đoán số người thất nghiệp của thế giới sẽ tăng thêm 3 triệu, lên 208 triệu người trong năm 2023. Ảnh: Edules

Báo cáo “Triển vọng xã hội và việc làm thế giới: Những xu hướng của năm 2023” của ILO dự đoán số người thất nghiệp trên thế giới sẽ tăng thêm 3 triệu, lên 208 triệu người trong năm nay, tương đương với tỷ lệ 5,8%, trong khi đó, lạm phát cao sẽ làm giảm mức lương thực tế. ILO ghi nhận năm ngoái, có 473 triệu người không tích cực tìm việc do họ không kỳ vọng tìm được việc mới hoặc họ bị ràng buộc bởi các nghĩa vụ gia đình, chẳng hạn chăm sóc con nhỏ.

Tỷ lệ thất nghiệp nghiệp đã giảm xuống dưới mức trước đại dịch ở châu Mỹ và Mỹ nhưng số tăng cao hơn ở các khu vực khác.

Tình trạng khan hiếm việc làm mới sẽ tác động đến nhiều nước vào thời điểm thị trường lao động vẫn chưa phục hồi hoàn toàn từ cú sốc đại dịch Covid-19.

Tổng giám đốc ILO Gilbert Houngbo cho biết: “Hầu hết các nước sẽ không thể phục hồi hoàn toàn về mức việc làm của trước đại dịch trong tương lai gần”. Hệ quả là những người lao động, vốn đang chứng kiến thu nhập bào mòn vì lạm phát tăng vọt, buộc phải làm những công việc có chất lượng thấp hơn so với những gì họ có thể được hưởng trong điều kiện kinh tế tốt hơn.

Houngbo kêu gọi các chính phủ theo đuổi các hành động phối hợp để giải quyết tình trạng thiếu việc làm, chất lượng kém, trả lương thấp.

Theo Richard Samans, Giám đốc bộ phận nghiên cứu của ILO, tăng trưởng việc làm toàn cầu sẽ chậm lại, vì vậy, ILO không kỳ vọng những tổn thất việc làm trong cuộc khủng hoảng Covid-19 sẽ phục hồi trước năm 2025.

ILO cho biết tỷ lệ thất nghiệp chỉ tăng nhẹ trong thời kỳ tăng trưởng trì trệ, chủ yếu là do sự tăng trưởng chậm của lực lượng lao động toàn cầu, với nhiều người nghỉ hưu hơn và những người trẻ tuổi theo đuổi thời gian học hành lâu hơn.

Các ngân hàng trung ương ở Mỹ và châu Âu lo ngại tình trạng thiếu lao động sẽ dẫn đến tăng lương và có thể neo lạm phát ở mức cao trong thời gian lâu hơn. Các nhà hoạch định chính sách đã phát tín hiệu rằng họ sẽ tiếp lãi suất cơ bản trong năm nay. ILO cảnh báo họ có nguy cơ đi quá xa nếu họ không xem xét các tác động đến trễ của các đợt tăng lãi suất trước đó và tác động tổng thể của các hành động kết hợp của họ.

ILO cho biết: “Điều này có thể tạo ra một môi trường kinh tế vĩ mô toàn cầu quá thắt chặt, gây tác động nghiêm trọng quá mức đến nền kinh tế thực và thị trường lao động trên toàn thế giới”.

Nhiều lao động đang chứng kiến tiền lương thực tế của họ bị giảm xuống. ILO cho biết tiền lương thực tế của người lao động trên toàn cầu đã giảm 0,9% trong năm 2022, với tiền lương thực tế ở các nước giàu giảm 2,2%.

ILO nhận định các tiến bộ đạt được trong nỗ lực giảm số lượng việc làm phi chính thức trên thế giới kể từ năm 2004 cũng có khả năng bị đảo ngược trong những năm tới.

“Tình trạng kinh tế tăng trưởng trì trệ hiện nay có nghĩa là nhiều người lao động sẽ phải chấp nhận những công việc có chất lượng thấp hơn, thường có mức lương rất thấp. Hơn nữa, khi giá cả tăng nhanh hơn thu nhập danh nghĩa của người lao động, điều này sẽ dẫn đến cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, có nguy cơ đẩy nhiều người vào cảnh nghèo đói”, báo cáo của ILO cho hay.

ILO ước tính trong năm 2022, có 214 triệu người lao động sống trong cảnh nghèo cùng cực, được định nghĩa là người có thu nhập thấp hơn 1,9 đô la Mỹ/ngày. Con số này tương đương 6,4% lực lượng lao động toàn cầu.

Manuela Tomei, Giám đốc chất lượng việc làm của ILO, cũng cho rằng số lượng và chất lượng việc làm trên thế giới sẽ xấu đi trong năm nay. Bà cho biết lần đầu tiên kể từ thập niên 1970, các điều kiện lạm phát đình trệ (lạm phát cao và tăng trưởng thấp) đang đe dọa năng suất và đà phục hồi của thị trường lao động.

Tomei nhận định người lao động ở các nước có thu nhập thấp và trung bình dự kiến chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Theo bà, khi kinh tế toàn cầu đối mặt rủi ro suy thoái, triển vọng giảm tỷ lệ làm việc phi chính thức và nghèo đói sẽ đối mặt thách thức. ILO cho biết hiện có khoảng 2 tỉ người làm việc trong nền kinh tế phi chính thức, chủ yếu ở các nước đang phát triển.

Tomei nói thêm: “Chiến tranh Ukraine, căng thẳng địa chính trị, gián đoạn chuỗi cung ứng, lạm phát cao, thắt chặt chính sách tiền tệ và tình trạng bất ổn nói chung đều góp phần làm giảm triển vọng của thị trường lao động”.

Theo ILO, những lao động trẻ,  từ 15-24 tuổi đang đối đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng trên thị trường việc làm và họ có khả năng bị mất việc làm cao gấp ba lần so với người trưởng thành. Báo cáo của ILO biết lao động nữ trẻ gặp khó khăn hơn nhiều so với nam thanh niên. Chỉ có 47,4% phụ nữ tham gia lực lượng lao động toàn cầu vào năm ngoái so với 72,3% ở nam giới.

 Theo Reuters, WSJ

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới