Chủ Nhật, 19/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

IMF: Kinh tế toàn cầu kiên cường nhưng vẫn đối mặt các mối đe dọa dai dẳng

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Nền kinh tế thế giới đang có dấu hiệu phục hồi trong năm nay bất chấp lạm phát kéo dài và tăng trưởng chậm chạp ở Trung Quốc, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết trong báo cáo phát hành hôm 27-5. Điều đó có nghĩa là rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu có thể tránh được nếu không có khủng hoảng bất ngờ.

Các biểu đồ thể hiện dự báo tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu (bên trái), các nền kinh tế phát triển (ở giữa), các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi trong năm 2023 và 2024 so với năm 2022, theo báo cáo của IMF. Ảnh: IMF.org

Những dấu hiệu lạc quan được IMF chỉ ra trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới mới nhất cũng có thể giúp các nhà hoạch định chính sách toàn cầu củng cố niềm tin rằng, những nỗ lực kiềm chế lạm phát của họ không gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng.

Tuy nhiên, tăng trưởng toàn cầu vẫn còn thấp so với các tiêu chuẩn lịch sử và các nhà kinh tế của IMF cảnh báo rằng vẫn còn những rủi ro nghiêm trọng bao gồm lạm phát và cuộc xung đột Nga-Ukraine.

“Nền kinh tế toàn cầu tiếp tục phục hồi dần dần sau đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột Nga-Ukraine, nhưng vẫn chưa thoát hẳn khỏi tình trạng khó khăn”, Pierre-Olivier Gourinchas, nhà kinh tế trưởng của IMF, nói.

Nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu

IMF nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm nay lên 3%, từ mức 2,8% trong dự báo hồi tháng 4. Tổ chức này cũng dự đoán lạm phát toàn cầu sẽ giảm từ 8,7% trong năm 2022 xuống còn 6,8% trong năm nay và 5,2% vào năm 2024, do tác động của lãi suất cao đang ngấm dần trên toàn thế giới.

Triển vọng tươi sáng hơn của nền kinh tế toàn cầu phần lớn là nhờ thị trường tài chính dần ổn định sau khi rơi vào cơn chấn động do cú sụp đổ của một số ngân hàng lớn ở Mỹ và châu Âu. Hồi tháng 6, một rủi ro tài chính lớn khác được ngăn chặn khi quốc hội Mỹ hành động để đình chỉ mức trần nợ công của chính phủ Mỹ, giúp kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tiếp tục thanh toán các hóa đơn đúng hạn.

Các số liệu dự báo mới được IMF đưa ra khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dự kiến ​​ tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm tại cuộc họp chính sách hôm nay (26-7). Tuy nhiên, Fed vẫn để ngỏ các lựa chọn về quỹ đạo của lãi suất trong tương lai. Để kiểm soát lạm phát, Fed đã quyết liệt tăng lãi suất từ mức gần bằng 0 vào tháng 3-2022 lên biên độ 5-5,25% hiện nay. Các nhà hoạch định chính sách của Fed đã cố gắng thiết kế cú hạ cánh mềm cho nền kinh tế Mỹ. Họ đã giữ nguyên lãi suất trong tháng 6 để đánh giá xem chi phí vay cao đang tác động đến nền kinh tế Mỹ như thế nào.

Khi các nước như Mỹ vẫn đang vật lộn với lạm phát, IMF kêu gọi các ngân hàng trung ương tiếp tục tập trung vào nỗ lực khôi phục sự ổn định giá cả và tăng cường giám sát tài chính.

“Hy vọng rằng, với việc lạm phát bắt đầu giảm, chúng ta đã bước vào giai đoạn cuối của chu kỳ lạm phát bắt đầu vào năm 2021. Nhưng hy vọng không phải là một chính sách và nỗ lực giảm giá cả có thể khá khó thực hiện. Điều quan trọng là tránh nới lỏng chính sách tiền tệ cho đến khi lạm phát cơ bản có dấu hiệu hạ nhiệt rõ ràng”, Gourinchas nói.

Báo cáo của IMF dự đoán ​​tăng trưởng của Mỹ sẽ chậm lại từ 2,1% năm ngoái xuống 1,8% vào năm 2023 và 1% vào năm 2024. Theo IMF, tiêu dùng của Mỹ, vốn vẫn mạnh, sẽ bắt đầu suy yếu trong những tháng tới khi người Mỹ cạn tiền tiết kiệm và lãi suất tăng hơn nữa.

Tăng trưởng ở khu vực đồng sử dụng đồng euro (eurozone) được dự báo chỉ ở mức 0,9% trong năm nay, do sự suy giảm ở Đức, nền kinh tế lớn nhất khu vực, trước khi tăng lên 1,5% vào năm 2024.

Các nhà hoạch định chính sách châu Âu vẫn đang đau đầu ứng phó lạm phát. Hôm 27-7, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) dự kiến tăng lãi suất ở khu vực eurozone mức cao nhất kể từ năm 2000.

Các ngân hàng trung ương đã liên tiếp tăng lãi suất khi nền kinh tế của họ chứng tỏ sức chống chịu tốt hơn dự kiến trong năm nay nhờ thị trường lao động mạnh mẽ và giá năng lượng thấp hơn.

Tuy nhiên, triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn còn tương đối yếu. Một số nhà phân tích nhận định, ECB có thể sắp ngừng tăng lãi suất trong bối cảnh có dấu hiệu cho thấy chính sách siết chặt tiền tệ đang ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Hôm 24-7, một chỉ số hoạt động kinh tế trong khu vực eurozone trong tháng 7 giảm xuống mức thấp nhất trong tám tháng do ngành sản xuất tiếp tục thu hẹp và lĩnh vực dịch vụ tăng trưởng chậm lại.

Tuần tới, Ngân hàng trung ương Anh dự kiến tăng lãi suất lần thứ 14 liên tiếp trong nỗ lực kiểm soát lạm phát khi giá cả trong tháng 6 vẫn còn cao, tăng 7,9% so với một năm trước đó.

Nước Anh đã tránh được cơn suy thoái trong năm nay. Tuy nhiên, nước này vẫn đối mặt một loạt các yếu tố kinh tế đầy thách thức. Lạm phát của Anh vẫn cao dai dẳng một phần do thị trường lao động thắt chặt, đẩy tiền lương lên cao. Trong khi đó, các hộ gia đình ngày càng lo ngại về tác động của lãi suất cao đối với các khoản vay thế chấp của họ.

Lạm phát vẫn là mối đe dọa 

Đà phục hồi yếu hơn dự kiến ở Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, cũng gây áp lực lên sản lượng toàn cầu. IMF chỉ ra nhiều lý do để lo lắng về triển vọng của Trung Quốc, bao gồm cơn khủng hoảng của lĩnh vực bất động sản Trung Quốc, tiêu dùng yếu và niềm tin của người tiêu dùng ảm đạm.

Các số liệu chính thức được công bố trong tháng này cho thấy nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại rõ rệt so với đầu năm do xuất khẩu sụt giảm, bất động sản giảm sâu hơn và một số chính quyền địa phương ngập trong nợ nần phải cắt giảm chi tiêu sau khi cạn tiền.

Nhà kinh tế trưởng Gourinchas ghi nhận, các biện pháp mà Trung Quốc đã thực hiện để khôi phục niềm tin ở lĩnh vực bất động sản là bước tích cực tích cực. Ông gợi ý rằng Bắc Kinh nên hỗ trợ có mục tiêu cho các gia đình để củng cố niềm tin và thúc đẩy tiêu dùng.

Bất chấp những tín lạc quan hiện tại, IMF cho rằng triển vọng của nền kinh tế thế giới vẫn không rõ ràng.

Chiến sự Ukraine tiếp tục áp đặt một mối đe dọa có thể khiến giá lương thực và năng lượng toàn cầu tăng cao hơn. IMF lưu ý rằng, quyết định gần đây của Nga rút khỏi thỏa thuận cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen có thể gây ra những cơn gió ngược cho nền kinh tế thế giới. IMF dự báo động thái của Nga có thể khiến giá ngũ cốc tăng tới 15%.

“Cuộc chiến ở Ukraine có thể leo thang, làm tăng giá lương thực, nhiên liệu và phân bón. Việc Nga đình chỉ Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen gần đây gây lo ngại về vấn đề này”, báo cáo của IMF viết.

“Lạm phát có thể vẫn ở mức cao hoặc tăng lên, chẳng hạn như do sự leo thang của cuộc chiến tranh ở Ukraine hoặc các sự kiện liên quan đến thời tiết khắc nghiệt. Điều này có thể đòi hỏi phải thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ và dẫn đến một đợt biến động khác trên thị trường tài chính”, Gourinchas cho biết.

Theo NY Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới