(KTSG Online) - Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo, nếu chỉ dựa vào ngân sách nhà nước để triển khai các biện pháp hướng đến mục tiêu phát thải carbon ròng bằng zero (Net Zero), nợ công của các nền kinh tế mới nổi, phát thải lớn có thể tăng đến 50% vào năm 2050. Do vậy, IMF kêu gọi các nước phải nhanh chóng triển khai đánh thuế carbon để huy động nguồn lực tài chính từ khu vực tư nhân trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
- EU chính thức áp dụng chính sách nhằm đánh thuế hàng hóa nhập khẩu ô nhiễm
- Thuế carbon và cạnh tranh giảm phát thải
Tài chính khí hậu sẽ là một trong những chủ đề nổi bật tại cuộc họp thường niên của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) vào tuần tới tại Marrakech, Maroc. Hai chương trong báo cáo Báo cáo Ổn định tài chính toàn cầu và giám sát tài khóa của IMF (GFSR), đều chỉ ra sự cần thiết phải tìm cách để các nhà đầu tư tư nhân gánh vác gánh nặng tài chính khí hậu. Tài chính của chính phủ tại các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển vốn đã căng thẳng sau nhiều năm chống chọi đại dịch Covid-19, tác động cuộc chiến Nga-Ukraine, hạn hán và các thiên tai khác.
Trong số 5.000 tỉ đô la đầu tư hàng năm cần thiết trên toàn cầu vào năm 2030 để đáp ứng các mục tiêu Net Zero, 2.000 nghìn tỉ đô la sẽ cần được đầu tư ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển.
Báo cáo GFSR ước tính, khu vực tư nhân sẽ cần cung cấp khoảng 80% khoản đầu tư này. Tỷ lệ này tăng lên 90% nếu loại trừ Trung Quốc, nơi có nguồn lực tài chính nhà nước dồi dào.
Theo báo cáo, nếu chỉ dựa vào chi tiêu công để tài trợ cho các khoản đầu tư khử carbon ở quy mô lớn như vậy, điều này dẫn đến nợ công phình to, không bền vững, có thể lên tới 45-50% GDP đối với một nền kinh tế mới nổi lớn, có mức phát thải cao.
“Tuy nhiên, chúng tôi dự đoán rằng tăng trưởng đầu tư công sẽ bị hạn chế, do đó, khu vực tư nhân sẽ cần đóng góp lớn vào nhu cầu đầu tư lớn về khí hậu cho các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển”, các tác giả của báo cáo GFSR cho biết.
Nhóm chuyên gia nhấn mạnh, dù không có biện pháp đơn lẻ nào có thể thực hiện đầy đủ các mục tiêu về khí hậu, nhưng “việc định giá carbon phải là một phần không thể thiếu trong bất kỳ gói chính sách nào”.
IMF khuyến nghị, để giảm thiểu nợ nần chồng chất do đầu tư công vào khí hậu, các nước cần phải phát triển các chương trình định giá carbon để tăng nguồn thu ngân sách và khuyến khích đầu tư tư nhân nhiều hơn.
Ở những nước nơi việc định giá carbon vấp phải tranh cãi chính trị, chẳng hạn như Mỹ, các biện pháp thay thế như thuế phát thải carbon nên được ban hành.
IMF, tổ chức từ lâu ủng hộ một cơ chế đánh thuế carbon toàn cầu, cho biết, gần 50 nước đã thiết lập các chương trình định giá carbon.
Liên minh châu Âu (EU) một trong những khu vực phát thải nhiều nhất thế giới, vừa triển khai giai đoạn thử nghiệm thuế biên giới carbon đầu tiên trên thế giới, có tên gọi Cơ chế điều chỉnh carbon biên giới (CBAM). Cơ chế này dự kiến sẽ thúc đẩy các đối tác thương mại của EU định giá khí thải carbon của họ.
Tuy nhiên, bất chấp việc các chính phủ thực hiện kết hợp các chương trình định giá carbon và trợ cấp xanh như chẳng hạn như khoản trợ cấp 369 tỉ đô la trong Đạo luật Giảm lạm phát ở Mỹ, các nước giàu vẫn có nguy cơ không đạt được các mục tiêu về môi trường.
Các mục tiêu trong Thỏa thuận Paris năm 2015, được 189 quốc gia ký kết, cam kết hạn chế nhiệt độ của toàn cầu tăng không quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp vào cuối thế kỷ này.
Tuy nhiên, theo một phân tích chung của IMF và WB trong một báo cáo khác công bố 2-10, các chính sách khí hậu hiện tại và theo kế hoạch sẽ chỉ giúp giảm lượng khí thải nhà kính của các nền kinh tế lớn nhất thế giới thuộc nhóm G20 13% vào năm 2030. .
IMF lưu ý, mức giảm phát thải này thấp hơn mức giảm 25-30% cần thiết để đạt được các mục tiêu về nhiệt độ toàn cầu trong Thỏa thuận Paris.
Một báo cáo toàn diện của Liên hợp quốc về các nỗ lực chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu, được công bố vào tháng trước, cho thấy nhiệt độ trái đất vẫn có xu hướng tăng lên tới 2,6 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp vào cuối thế kỷ này.
Mặc dù gần 200 quốc gia cam kết đặt ra kế hoạch hành động cho mục tiêu Net Zero, phần lớn vào năm 2050, nhưng Liên hợp quốc cho biết thế giới vẫn chưa đi đúng hướng để đạt mục tiêu đó.
Theo Reuters, Financial Times