Thứ năm, 23/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Indonesia lo ngại trước hiện tượng cổ phiếu ‘chiên ngập dầu’ tăng giá hơn 1.000%

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Mức tăng giá từ 1.000% trở lên không thể giải thích của khoảng 10% tổng số cổ phiếu niêm yết ở Sở giao dịch chứng khoán Indoensia đang thúc đẩy các lời kêu gọi quản lý chặt chẽ hơn tại thị trường chứng khoán lớn nhất Đông Nam Á.

Trụ sở của Sở giao dịch chứng khoán Indonesia ở Jakarta, Indonesia. Ảnh: The Star

Những cổ phiếu này được gọi là “cổ phiếu chiên ngập dầu”, có những đặc tính chung là cấu trúc sở hữu tập trung, khối lượng giao dịch thấp, ít được các nhà phân tích chú ý, có mức định giá cao so với các công ty cùng ngành. Trong ba năm qua, ít nhất 83 công ty Indonesia chứng kiến cổ phiếu của họ tăng giá hơn 1.000% từ mức cao nhất đến mức thấp nhất, theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp. Con số chiếm khoảng 10% tổng số cổ phiếu được niêm yết ở Sở giao dịch chứng khoán Indonesia. Tỷ lệ cổ phiếu tăng giá bất thường đó cao hơn so với các nước láng giềng Thái Lan, Malaysia, Singapore, Việt Nam và Philippines.

Mức độ biến động dữ dội của cổ phiếu thiếu thanh khoản không phải là mới mẻ ở các thị trường mới nổi. Nhưng diễn biến này trên thị trường chứng khoán Indonesia đã trở nên cực đoan, đến nỗi đầu tuần qua, các nhà quản lý đã đưa ra một danh sách các công ty đang gặp khó khăn để cảnh báo giới đầu tư. Danh sách này bao gồm các công ty không có tăng trưởng doanh thu, giá cổ phiếu thấp, thanh khoản mỏng và đang trong quá trình tái cơ cấu nợ, cùng nhiều yếu tố tiêu cực khác.

Một số nhà đầu tư đang thúc đẩy các cơ quan chức năng hành động nhiều hơn nữa. Trong khi Tổng thống Joko Widodo kêu gọi các cơ quan quản lý tăng cường giám sát khả năng thao túng thị trường.

Những biến động giá quá mạnh và vô lý đang đe dọa niềm tin của nhà đầu tư vào một thị trường chứng khoán trị giá gần 640 tỉ đô la kém thanh khoản đến mức buộc một số công ty phải sử dụng các khoản vay ngân hàng có chi phí cao hơn như một cách để huy động vốn. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết trong một báo cáo năm ngoái rằng thị trường tài chính “nông cạn” của Indonesia là một thách thức lâu dài đối với tăng trưởng. Tỷ lệ vốn hóa thị trường chứng khoán của Indonesia so với GDP cũng thấp nhất trong số các nước Đông Nam Á.

“Chúng tôi cần các cơ quan quản lý vào cuộc”, Jerry Goh, giám đốc đầu tư phụ trách mảng chứng khoán châu Á tại abrdn Asia Ltd, nói.

Mức biến động mạnh của các cổ phiếu “chiên ngập dầu” giúp tài sản của một số ít các ông trùm giàu có tăng nhanh chóng. Low Tuck Kwong, tỉ phú kiểm soát Công ty khai thác than PT Bayan Resources, trở thành một trong những người giàu nhất châu Á sau khi cổ phiếu của công ty ông tăng giá hơn 220% trong vòng 6 tuần vào cuối năm 2022. Cổ phiếu của Công ty quản lý dịch vụ công nghệ thông tin DCI Indonesia tăng gần 14.000% trong 5 tháng sau khi niêm yết lần đầu năm 2021, đưa hai cổ đông kiểm soát Otto Toto Sugiri và Marina Budiman trở thành tỉ phú.

Budiman cho biết bà không hiểu vì sao giá cổ phiếu của DCI tăng mạnh như vậy dù bà không giao dịch.

Vào năm 2021, cả Sugiri và Budiman đều cam kết không bán cổ phiếu để cho mọi người thấy rằng họ không tìm cách đẩy giá cổ phiếu.

Cổ phiếu của DCI Indonesia đang giao dịch ở mức giá trên thu nhập (P/E) lớn hơn 200 lần. Ảnh: Bloomberg

Hồi tháng 2, Tổng thống Joko Widodo đã trích dẫn sự biến động cực độ của cổ phiếu các công ty của tỉ phú Ấn Độ Gautam Adani khi ông kêu gọi giám sát nhiều hơn. Cổ phiếu của một công ty hàng đầu của Adani tăng hơn 3.300% từ tháng 3-2020 đến cuối năm ngoái trước khi mất một nửa giá trị sau khi có một báo cáo cáo buộc Tập đoàn Adani thao túng thị trường và gian lận kế toán. Sở giao dịch chứng khoán Indonesia đã áp đặt các giới hạn giao dịch trong ngày và tự động từ chối một số giá chào mua và chào bán nhất định nếu chúng đi quá xa so với giá yêu cầu. Trong khi đó, Cơ quan dịch vụ tài chính Indonesia sử dụng các công cụ giám sát như tạm dừng hoặc đình chỉ giao dịch để hạ nhiệt bất kỳ hoạt động thị trường bất thường nào. Tuy nhiên, họ không chỉ ra cách họ sẽ bóc tách và điều tra sự bất thường trong số khoảng 800 cổ phiếu trong nước.

Một số nhà đầu tư đã đặt biệt danh cho những cổ phiếu có mức tăng đột biến sau đó lại lụi tàn. Người Trung Quốc gọi đó là “chao gu” hay “cổ phiếu xào”, ám chỉ việc đầu cơ nhanh chóng giúp cổ phiếu luôn “nóng”. Người Indonesia đã vay mượn khái niệm này, gọi cổ phiếu như vậy là “saham gorengan” hay “cổ phiếu chiên ngập dầu”, một cách để so sánh với thực phẩm có chất lượng đáng ngờ được chiên ngon hơn.

Việc chạy theo đầu tư vào những cổ phiếu như vậy để dẫn đến sự sụp đổ của PT Asuransi Jiwasraya, một công ty bảo hiểm nhà nước, vào năm 2020. Công ty này đã cần sự cứu trợ của chính phủ sau khi đầu tư vào các cổ phiếu rủi ro, đến khoản lỗ tài chính 2 tỉ đô la,

Một trong những khoản đầu tư đó là cổ phiếu của PT Hanson International, công ty chứng kiến cổ phiếu tăng hơn 1.700% trong thời kỳ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2009 cho đến năm 2016 trước khi lao dốc nhanh chóng. Vào cuối năm 2020, một tòa án đã tuyên bản án chung thân đối với Chủ tịch Benny Tjokrosaputro của Hanson International vì các cáo buộc liên quan đến tham nhũng và rửa tiền. Cơ quan kiếm toán tối cao của Indonesia đã gọi cổ phiếu của công ty này là “cổ phiếu chiên ngập dầu”

Năm 2011, Sở giao dịch chứng khoán Indonesia vào năm 2021 đã điều tra DCI về nghi vấn thao túng giao dịch, nhưng không tiết lộ kết quả điều tra. Hiện cổ phiếu của DCI đang giao dịch ở mức giá trên thu nhập (P/E) lớn hơn 200 lần, với tỷ lệ giá trên giá trị sổ sách trong quí gần nhất là hơn 50 lần, giảm từ mức cao 153 trong năm 2021.

Khi cổ phiếu của Công ty khai thác than Bayan Resources tăng lên mức cao kỷ lục vào cuối tháng 12, tỉ phú Low Tuck Kwong đã mua thêm cổ phiếu. Trước khi cổ phiếu tăng đột biến, giá trị tài sản ròng của Kwong là 5 tỉ đô la, bằng khoảng 1/5 tổng số tài sản của ông hiện nay. Cổ phiếu Bayan Resources đang giao dịch ở mức P/E là 16 lần, cao hơn tất cả các công ty cùng ngành trong khu vực.

Sở giao dịch chứng khoán của Indonesia đã nỗ lực tăng tính minh bạch của thị trường, bao gồm cả việc tạo ra các danh sách đặc biệt để theo dõi hoạt động bất thường. Tuy nhiên, theo John Rachmat, cố vấn cấp cao của Pinnacle Investment, có trụ sở tại Singapore, cho biết nỗ lực đó chỉ mang lại kết quả tối thiểu.

“Sau nhiều thập niên, vấn đề vẫn đi vào ngõ cụt,” ông nói về những nỗ lực của các cơ quan quản lý Indonesia nhằm hạn chế sự biến động giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.

Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới