Thứ tư, 22/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Indonesia mua thêm 350.000 tấn gạo, liệu Việt Nam có cơ hội?

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) vừa mở thầu mua thêm 350.000 tấn gạo trắng 5% tấm, với các nhà cung cấp tiềm năng là Việt Nam, Pakistan và Thái Lan.

Pakistan đang có lợi thế nhờ giá gạo thấp hơn và nguồn cung dồi dào hơn. Tuy nhiên, theo nhiều thương nhân, kết quả của gói thầu này rất khó đoán vì các nhà xuất khẩu của Việt Nam có thể giảm giá bán để tăng cạnh tranh.

Công nhân bốc dỡ gạo nhập khẩu từ Thái Lan tại cảng Ujung Baru ở thành phố Medan, Indonesia. Ảnh: Antara

Hôm 23-8, Bulog thông báo mở đợt thầu thứ bảy trong năm nay để mua 350.000 tấn gạo trắng 5% tấm. Kết quả đấu thấu sẽ được  công bố vào ngày 5-9, với điều kiện gạo được sản xuất từ vụ mùa 2024 (từ tháng 10-2023 đến tháng 9-2024) và được xay xát không quá sáu tháng sau khi hoạch. Thời gian giao là vào tháng 9 và tháng 10. Bulog dự kiến mua gạo từ Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Campuchia hoặc Pakistan.

Theo nhận định của S&P Global, cạnh tranh cho gói thầu này dự kiến sẽ diễn ra quyết liệt giữa Thái Lan và Pakistan do nguồn cung gạo của Việt Nam đang giảm. Các nhà xuất khẩu của Pakistan xem đây là cơ hội đầy hứa hẹn vì nước này sẽ thu hoạch vụ lúa mới trong tháng 9, đồng thời có giá gạo cạnh tranh hơn.

Trong năm nay, Indonesia đã mở thầu mua hơn 2,5 triêu tấn gạo, với Việt Nam, Thái Lan, Myanmar và Pakistan là những nhà cung cấp chính. Trong đợt mở thầu gần nhất (vào tháng 7 vừa qua) để mua 320.000 tấn gạo, 7/12 gói thầu của doanh nghiệp Việt Nam đã trúng thầu, với số lượng 185.000 tấn. Trong đó, VinaFood 1 là đơn vị trúng thầu nhiều nhất, 104.000 tấn.

Bulog đặt hạn ngạch nhập khẩu 3,6 triệu tấn gạo trong năm 2024 so với 3,8 triệu tấn của năm ngoái. Nhưng hồi tháng 7, ông Sarwo Edhy, Tổng Thư ký Cơ quan lương quốc gia Indonesia (NFA) cho biết, Indonesia có thể nhập khẩu tới 4,3 triệu tấn gạo trong năm nay nếu sản lượng của vụ lúa hiện tại không đạt kỳ vọng do hạn hán, lũ lụt hoặc sâu bệnh.

“Việt Nam đang cạn kiệt nguồn cung, do vậy, đợt thầu này của Indonesia sẽ chứng kiến cuộc đấu giữa Thái Lan và Pakistan”, một thương nhân ở Pakistan nói.

Với việc đồng baht tăng giá mạnh và giá gạo ở Thái Lan đang tăng, các nhà xuất khẩu Pakistan sẽ tìm đặt giá đấu thầu gạo thấp hơn so với Thái Lan. Trong ngắn hạn, triển vọng của Pakistan lạc quan hơn cả, đặc biệt do thời hạn giao hàng gấp trong tháng 9 và tháng 10. Các nhà xuất khẩu của Pakistan đang rất sốt sắng để chớp cơ hội kinh doanh này vì hiện tại, không có khách hàng nào mua gạo với số lượng lớn như vậy.

Tuy nhhiên, một nhà xuất khẩu của Pakistan cảnh báo, thách thức có thể nảy sinh do nguồn cung từ vụ thu hoạch mới trong tháng 9 và tháng 10 có thể chỉ ở mức hạn chế.

Giá gạo Việt Nam dự kiến ​​vẫn ổn định cho đến khi kết quả đấu thầu của Bulog được công bố. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ các nhà xuất khẩu của Việt Nam có giảm giá bán gạo cạnh tranh với Pakistan và Thái Lan hay không

Một thương nhân ở Việt Nam cho biết, vẫn chưa chắc chắn về việc liệu các nhà xuất khẩu Việt Nam có thể hạ giá như đã làm trước đây hay không. Người này nhận định, các đối thủ ở Pakistan đang có lợi thế vì giá gạo của nước này cạnh tranh hơn và nguồn cung có sẵn đáng kể.

Trong khi đó, một thương nhân ở Singapore cho rằng, rất khó để dự đoán ai sẽ thắng trong gói thầu mới của Bulog vì có vẻ như các nhà xuất khẩu của Việt Nam đang rất muốn bán gạo cho Bulog với giá thấp hơn. Tuy nhiên, do nguồn cung gạo của Việt Nam đang suy giảm nên cuộc cạnh tranh có thể sẽ tập trung vào Thái Lan và Pakistan.

Một thương nhân của Thái Lan cho biết, trong cuộc đấu thầu mới nhất của Bulog, Thái Lan có cơ hội thắng vì giá gạo xuất khẩu của Thái Lan có thể giảm do giá nội địa dự kiến​​ giảm trong những tuần tới. Tuy nhiên, một thương nhân khác của nước này lưu ý, giá gạo trong nước của Thái Lan Lan đang tăng lên khi thị trường đón nhận thông tin về gói thầu mời của Indonesia.

Hiện tại, Indonesia là nước mua mua tích cực duy nhất trên thị trường. Những nước nhập khẩu gạo khác đang chờ đợi thông tin rõ ràng về tình hình liên quan đến lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ.

Theo dữ liệu của S&P Global, trong tuần kết thúc vào ngày 23-8, giá FOB (giá bán từ cảng của người bán) của gạo trắng 5% tấm Thái Lan tăng 11 đô la Mỹ, lên  570 đô la/tấn. Trong khi đó, giá FOB của gạo trắng 5% tấm Việt Nam tăng 10 đô la, lên 564 đô la/tấn. Còn giá gạo trắng 5% của Pakistan đang ở mức 540 đô la/tấn, không tăng trong tuần qua.

Theo Spglobal.com

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới