Thứ sáu, 27/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Indonesia trỗi dậy trở thành nhà sản xuất cobalt lớn thứ hai thế giới

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Indonesia bất ngờ nổi lên như nhà cung cấp lớn thứ hai thế giới về cobalt, vật liệu quan trọng của pin xe điện. Sản lượng cobalt tăng nhang chóng ở Indonesia đã góp phần làm giảm giá kim loại này. Nhưng đồng thời, điều này làm tăng thêm mối lo ngại của phương Tây về sự thống trị của Bắc Kinh trong chuỗi cung ứng xe điện do hoạt động sản xuất cobalt ở Indonesia chủ yếu nằm trong các liên doanh có sự tham gia của các công ty Trung Quốc.

Xe đào hoạt động ở một mỏ khai thác quặng nickel và cobalt ở tỉnh Central Sulawesi, Indonesia. Ảnh: Nikkei Asia

Indonesia đã sản xuất hơn 9.500 tấn cobalt vào năm ngoái, tăng rất mạnh từ mức sản lượng khiếm tốn vào năm 2021, theo báo cáo thị trường hàng năm của Viện Cobalt (Anh), một tổ chức đại diện cho các nhà sản xuất, tiêu thụ, kinh doanh và tái chế cobalt. Con số này chiếm 5% nguồn cung cobalt  toàn cầu và đưa Indonesia vượt mặt các nhà sản xuất cobalt lâu đời như Úc và Philippines, để xếp ngay sau Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC), nước sản xuất cobalt lớn nhất thế giới.

Cobalt là một sản phẩm phụ từ ngành công nghiệp khai thác nickel đang phát triển nhanh chóng của Indonesia. Theo Fastmarkets, nguồn cung cobalt của Indonesia tăng vọt đã giúp đẩy giá kim loại này giảm từ 40 đô la/pound (0,453 kg) vào tháng 4 năm ngoái xuống còn khoảng 15 đô la/pound hiện nay.

Bất chấp tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, Indonesia vẫn còn một khoảng cách khá xa so với nhà cung cấp số một thế giới, DRC, nước chiếm 73% thị phần cobalt toàn cầu.

Những lo ngại về vi phạm nhân quyền tại các mỏ khai thác cobalt của DRC, cũng như sự kiểm soát của Trung Quốc đối với nhiều mỏ tại đây khiến các nhà sản xuất ô tô trên toàn cầu sốt sắng kiếm nguồn cung cobalt thay thế hoặc cố gắng thay đổi thành phần hóa học của pin để giảm sử dụng cobalt.

Mỹ đã giới thiệu Đạo luật Giảm lạm phát, trong khi Liên minh châu Âu (EU) đưa ra Đạo luật về nguyên liệu thô quan trọng nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc đối với nguyên vật liệu cho xe điện và thúc đẩy nguồn cung trong nước hoặc từ các nước thân thiện.

Tuy nhiên, sự nổi lên của Indonesia với tư cách là nhà cung cấp lớn về cobalt không giúp dập tắt những lo ngại đó. Lý do là hoạt động sản xuất cobalt của nước này chủ yếu được thúc đẩy bởi các liên doanh giữa các công ty Trung Quốc và các công ty trong nước.

“Sự chi phối sản xuất cobalt của Trung Quốc ở Indonesia gây ra rủi ro cho thị trường rộng lớn hơn, tương tự như sự thống trị của DRC đối với ngành công nghiệp khai thác cobalt”, báo cáo của Viện Cobalt nhận định.

Báo cáo cho biết thêm điều đó có thể làm suy yếu mục tiêu của các chính sách công nghiệp của Mỹ và EU nhằm giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng xe điện của Trung Quốc.

Năm 2022, nguồn cung cobalt toàn cầu đã tăng 21%, lên 198.000 tấn, lớn hơn nhiều so với mức tăng 13% của nhu cầu. Giá kim loại này tăng mạnh trong một năm kể từ mùa hè năm 2021, nhưng sau đó lao dốc do sự trỗi dậy của Indonesia, nguồn cung dồi dào hơn từ DRC và doanh số bán hàng điện tử giảm trên toàn cầu.

Cùng đà sụt giảm của lithium, đợt giảm giá của cobalt đã hỗ trợ đáng kể cho các nhà sản xuất pin. Tuy nhiên, giá cobalt thấp cũng đặt ra những thách thức cho nỗ lực thiết lập và vận hành các dự án khai thác cobalt ở phương Tây. Dự án khai thác cobalt của Công ty khai khoáng Jervois (Úc) ở bang Idaho (Mỹ), là mỏ cobalt triển khai đầu tiên của Mỹ sau nhiều thập niên. Tuy nhiên, dự án đã tạm dừng hoạt động xây dựng vào cuối tháng 3 vì giá cobalt thấp và chi phí xây dựng cao.

Báo cáo của Viện Cobalt dự báo giá cobalt sẽ duy trì ở mức dưới 20 đô la/pound trong năm nay và thị trường sẽ có nguồn cung đầy đủ cho đến ít nhất là giữa thập niên này nhờ sản lượng cobalt tăng mạnh ở DRC và Indonesia.

Nhưng nguồn cung cobalt sẽ thiếu hụt vào cuối thập niên khi nhu cầu xe điện tăng mạnh. Nhu cầu cobalt của ngành công nghiệp xe điện dự kiến tăng lên 400.000 tấn vào năm 2030, báo cáo cho biết.

Cobalt của Indonesia cũng đặt ra lo ngại môi trường vì mỗi kg cobalt sản xuất ở nước này phát thải 36 kg khí carbon, cao hơn gần bốn lần so với nguồn cung cobalt từ DRC.

Theo Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới