Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Internet và mạng xã hội có làm chúng ta thông minh hơn?

Thiên Kim

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Cách mạng công nghệ đang đặt mỗi cá nhân chúng ta trước một thử thách mới: đó là khả năng tìm ra câu trả lời chính xác từ vô số những nguồn thông tin khác nhau, thậm chí trái ngược, để giải quyết những vấn đề mới mẻ, độc lập với biển kiến thức đã có sẵn.

Năm 2010, một điều tra do Pew Research Center (Mỹ) thực hiện trên gần 900 người, bao gồm các nhà khoa học tiếng tăm, chủ doanh nghiệp, nhà tư vấn, nhà văn và kỹ sư công nghệ, về chủ đề sự ảnh hưởng của Internet tới trí thông minh con người đã cho thấy cứ ba trên bốn người được phỏng vấn cho rằng Internet giúp chúng ta trở nên thông minh hơn, và cứ hai trên ba người thì đồng ý rằng việc sử dụng Internet giúp nâng cao năng lực đọc, viết, cũng như mang lại kiến thức.

Đối với nhiều chuyên gia, Internet không làm chúng ta “ngu” đi, nhưng có thể sẽ làm cho rất nhiều người trở nên lười tư duy, vì họ sử dụng Internet để nạp thông tin chứ không dùng nó như một phương tiện để hỗ trợ suy nghĩ sáng tạo.

Ở thời điểm đó, họ tin tưởng rằng vào năm 2020, Internet sẽ thực sự nâng cao trí thông minh của con người. Hal Varian, một nhà kinh tế học làm cho Google khẳng định “Google làm cho chúng ta nắm thông tin tốt hơn. Một khi chúng ta được tiếp cận đến thông tin thì bất cứ ai cũng có thể đem lại lợi ích lớn nhất có thể cho cả thế giới”.

Tuy nhiên, những năm vừa qua, sự lạc quan đó có vẻ không hẳn kéo dài. Ngược lại, sự bi quan về tác động tiêu cực của công nghệ tới con người đang dần rõ nét hơn. Nicholas Carr, một nhà báo người Mỹ, tác giả cuốn The Shallows (2010) nói về tác động của công nghệ tới trí thông minh con người, cho rằng “Giờ đây chúng ta đã ở năm 2020.

Chúng ta không thông minh hơn, chúng ta cũng chẳng có những quyết định khôn ngoan hơn”. Mười năm trước, khi trả lời điều tra của Pew Research Center, ông cho rằng Internet đang làm thay đổi hình thức thông minh, từ dạng trí thông minh có được nhờ suy nghĩ và trải nghiệm (contemplative intelligence) sang trí thông minh “thực dụng” (utilitarian intelligence). Theo ông, khi người ta thu nhận quá nhiều thông tin, thì hậu quả sẽ là thiếu suy nghĩ sâu.

Rõ ràng là Internet đã làm chúng ta thay đổi cách đánh giá năng lực. Hiện giờ, nắm rõ trong đầu một thông tin mà người khác có thể tìm thấy một cách dễ dàng trên Internet không còn là dấu hiệu của sự thông minh.

Ngược lại, người thông minh sẽ là người có khả năng tìm kiếm thông tin hữu ích một cách nhanh chóng và hiệu quả để giải quyết vấn đề. Đối với nhiều chuyên gia, Internet không làm chúng ta “ngu” đi, nhưng có thể sẽ làm cho rất nhiều người trở nên lười tư duy, vì họ sử dụng Internet để nạp thông tin chứ không dùng nó như một phương tiện để hỗ trợ suy nghĩ sáng tạo.

Một vấn đề khác đặt ra là việc tiếp cận nguồn thông tin nào, thông tin có giá trị (thông tin chính xác, đầy đủ, giúp người sử dụng có thể nâng cao kiến thức) hay độc hại (thông tin giả, không chính xác hoặc không khách quan), vốn không thiếu trên môi trường mạng. Những yếu tố này có thể tác động tới năng lực trí tuệ của cá nhân.

Mười năm trước, khi trả lời điều tra của Pew Research Center, nhà báo người Mỹ Nicholas Carr cho rằng Internet đang làm thay đổi hình thức thông minh, từ dạng trí thông minh có được nhờ suy nghĩ và trải nghiệm (contemplative intelligence) sang trí thông minh “thực dụng” (utilitarian intelligence).

Đó là Internet nói chung, còn khi nói về tác động của mạng xã hội tới khả năng tư duy, thì nhiều người còn bi quan hơn. Umberto Eco, nhà văn, nhà triết học người Ý, tác giả cuốn sách nổi tiếng “Tên của hoa hồng” đã từng chỉ trích dữ dội mạng xã hội.

Trước khi chết, ông tuyên bố “Mạng xã hội đã giúp cả một đội quân những kẻ ngu dốt lên tiếng, thứ mà họ vốn chỉ có thể nói ra ở quán bar sau vài cốc rượu”. Sự thực là, chúng ta không mất nhiều thời gian để có thể tìm thấy những phát ngôn nhảm nhí, những ý kiến phản khoa học trên các mạng xã hội.

Không chỉ thế, hiệu ứng “đám đông” cũng là một điều đáng lo ngại. Trên mạng xã hội, chúng ta thường có khuynh hướng kết nối với những người có cùng cách suy nghĩ. Vì thế, một trong những hậu quả tiêu cực của nó chính là sự đóng khung suy nghĩ, thiếu tương tác với các luồng thông tin, ý kiến khác biệt.

Một số nghiên cứu đã được thực hiện về mối liên hệ giữa các mạng xã hội và năng lực tư duy, nhưng kết quả không đồng nhất. Ví dụ, gần đây, một nghiên cứu thực hiện trên những người sử dụng mạng xã hội ở Hà Lan cho thấy Twitter có tác động tích cực tới việc nâng cao kiến thức, trong khi đó Facebook lại mang lại kết quả ngược lại. Có thể nói các mạng xã hội có ảnh hưởng khác nhau tới người dùng(1).

Để có cái nhìn toàn diện hơn, xin bổ sung là gần đây, Jean-François Bouvet, một chuyên gia về sinh học thần kinh người Pháp đã chỉ ra một nghịch lý. Theo ông, khi nhìn lại lịch sử, thì có thể thấy rằng trình độ tri thức của con người tăng lên. Ví dụ như ở Pháp, cách đây nửa thế kỷ thì chỉ có khoảng 20% dân số có bằng tốt nghiệp cấp 3, còn ngày nay tỷ lệ đó là 80%.

Tuy nhiên, kết quả kiểm tra chỉ số thông minh (IQ) cho thấy có sự sụt giảm từ nhiều thập niên gần đây. Ở Pháp, kết quả kiểm tra IQ cho thấy chỉ số này giảm 4 điểm từ năm 1999-2009. Khuynh hướng này cũng có thể thấy ở Anh, Úc, Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch, Hà Lan và gần đây nhất là Na Uy (theo số liệu 2018), với độ sụt giảm còn cao hơn.

Tất nhiên, IQ không phải là chỉ số duy nhất và bất biến quyết định sự thông minh của con người. Nhiều nghiên cứu chỉ ra là kết quả IQ có thể thay đổi tùy thời điểm và tùy vào cách “kích thích tư duy”. Tuy nhiên, sự sụt giảm chỉ số IQ ở các nước nói trên cũng khá bất ngờ, gây kinh ngạc, và các chuyên gia đang đặt ra những câu hỏi về phương pháp giáo dục, về ảnh hưởng của mạng Internet, cũng như về tác động của ô nhiễm lên môi trường sống.

Internet đang là một phần không thể thiếu trong cuộc sống mỗi cá nhân chúng ta. Nhờ vào Internet, chúng ta có thể đưa ra những quyết định chính xác hơn, nhờ vào lượng thông tin có thể đón nhận trong thời gian ngắn. Internet cũng làm cho chúng ta hiểu biết hơn. Tuy nhiên, cách mạng công nghệ đang đặt mỗi cá nhân chúng ta trước một thử thách mới: đó là khả năng tìm ra câu trả lời chính xác từ vô số những nguồn thông tin khác nhau, thậm chí trái ngược, để giải quyết những vấn đề mới mẻ, độc lập với biển kiến thức đã có sẵn.

(1) Mark Boukes, «Social network sites and acquiring current affairs knowledge. The impact of Twitter and Facebook usage on learning about the news», Journal of Information Technology & Politics, vol. XVI, n° 1, 2019

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới