Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Kể câu chuyện sản phẩm OCOP để kinh doanh trên sàn TMĐT

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Sàn thương mại điện tử Tiki sẽ hỗ trợ các địa phương trong việc kinh doanh sản phẩm OCOP trên nền tảng của mình, trong đó việc phối hợp tập trung xây dựng câu chuyện cho từng sản phẩm là cách mà nền tảng này cho là sẽ thu hút sự chú ý của khách hàng.

Nghi thức ký kết giữa đại diễn Sở Công Thương TPHCM (giữa) và các đơn vị để xây dựng chương trình "1.000 câu chuyện sản phẩm OCOP" trên sàn thương mại điện tử Tiki vào chiều ngày 14-8. Ảnh: L.Hoàng

Chiều ngày 14-8, Sở Công thương TPHCM, Sở NN-PTNT TPHCM, UBND huyện Cần Giờ, và Tiki đã ký kết hợp tác xây dựng chương trình "1.000 câu chuyện sản phẩm OCOP" và thương hiệu nông sản Cần Giờ.

Phát biểu tại lễ ký kết, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM, cho rằng thời gian qua nhiều địa phương đã xây dựng được các sản phẩm OCOP 4 sao, 5 sao, nhưng việc đưa sản phẩm vào thị trường gặp nhiều khó khăn. Các sàn thương mại điện tử cũng chưa phát huy được hiệu quả trong việc tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Theo ông Phương, việc bắt tay hợp tác giữa ngành nông nghiệp và công thương có ý nghĩa quan trọng trong xúc tiến, quảng bá, đưa sản phẩm OCOP đến tay người tiêu dùng. Cái bắt tay này sẽ giải quyết bài toán cung - cầu trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP, đặc biệt là tiêu thụ tại các sàn thương mại điện tử.

Còn theo ông Nguyễn Hữu Hoài Phú, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM, hiện TPHCM có 66 sản phẩm được chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên và phấn đấu đến cuối năm dự kiến có thêm 100 sản phẩm OCOP, để có thể bằng với bình quân của cả nước.

Tuy nhiên, theo ông Phú, không phải thành phố có bao nhiêu sản phẩm OCOP mà câu chuyện nằm trong sản phẩm OCOP gắn với các tỉnh thành. Đặc biệt là đến nay 38 tỉnh thành đã ký kết với thành phố để nâng cao các sản phẩm OCOP của các tỉnh thành. Qua đó, giúp cho nông dân của các tỉnh thành và người dân thành phố có thông tin lựa chọn sản phẩm tốt hơn phục vụ tiêu dùng.

Theo ông Phú, chương trình "1.000 câu chuyện OCOP” sẽ giúp cho các sản phẩm OCOP của TPHCM nói riêng và các tỉnh thành có liên kết với TPHCM sẽ phát triển mạnh hơn nữa.

Ở phía đại diện sàn thương mại điện tử Tiki, ông Nguyễn Quách Nhi, Giám đốc kinh doanh ngành hàng thực phẩm tiêu dùng của Công ty TNHH Tiki, cho rằng chương trình “1.000 câu chuyện sản phẩm OCOP” trên sàn thương mại điện tử Tiki sẽ tạo môi trường, cơ chế, hệ thống công cụ hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể OCOP có thể quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, đến được với người tiêu dùng cả nước thông qua môi trường thương mại điện tử.

Chương trình sẽ tập trung xây dựng việc quảng bá, tiếp thị cho các sản phẩm OCOP 4 sao và 5 sao. "Việc quảng bá sẽ thực hiện bằng cách kể những câu chuyện đặc trưng của từng sản phẩm văn hóa tại mỗi địa phương, qua đó giúp đưa các sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng, cải thiện doanh số bán hàng trên sàn thương mại điện tử nói riêng và trên thị trường nói chung", ông Nhi nói với KTSG Online.

Theo ông Nhi, hầu hết sản phẩm OCOP hiện nay là OCOP 3 sao, mức độ nhận diện thương hiệu chưa phổ biến, kênh phân phối chưa rộng. Đây là bài toán đặt ra mà chương trình ‘1.000 câu chuyện sản phẩm OCOP’ giải quyết.

"Với câu chuyện văn hóa độc đáo sẵn có, việc bán sản phẩm OCOP hiện nay không chỉ bán-mua là xong, mà còn phải kể câu chuyện về thổ nhưỡng, khí hậu, tính cộng đồng, câu chuyện văn hóa của từng sản phẩm. Điều này giúp sản phẩm OCOP thêm khác biệt và gia tăng giá trị", ông nói.

Trước mắt, chương trình sẽ ưu tiên những sản phẩm OCOP 4 - 5 sao của TPHCM và các tỉnh thành, tạo gian hàng OCOP tỉnh thành trên Tiki. Mỗi tỉnh thành khoảng 50 - 100 sản phẩm OCOP tiêu biểu, đặc sắc.

Theo ông Nhi, khi triển khai, chương trình cần sự hỗ trợ của chính quyền TPHCM và các tỉnh thành trong việc chọn lựa, đảm bảo sản phẩm là chính gốc, đúng nguồn gốc, xuất xứ, đặc sản nhất của địa phương để người tiêu dùng tin tưởng.

Câu chuyện sản phẩm OCOP được xem là các “báu vật” của từng làng quê và địa phương. Nó có thể có quy mô không lớn, nhưng độc đáo, thấm đẫm giá trị văn hóa, thổ nhưỡng, kỹ năng của người làm ra… Thế nhưng việc xây dựng câu chuyện cho từng sản phẩm OCOP lại chưa được các cơ sở, doanh nghiệp, chủ thể làm ra sản phẩm chú trọng.

Theo các nhà bán lẻ, để khách hàng quan tâm đến sản phẩm địa phương, bên cạnh chất lượng thì sản phẩm phải kể được câu chuyện mang tính địa phương. Bởi lẽ sau mỗi sản phẩm là câu chuyện văn hóa, con người và vùng đất. Đó sẽ là điểm nhận diện của sản phẩm địa phương so với hàng trăm, hàng ngàn món hàng khác trên kệ siêu thị.

Trên thực tế, chương trình Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã phát huy sức mạnh và vai trò của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát triển sản phẩm truyền thống của từng địa phương. Chương trình còn hình thành phong trào khởi nghiệp mạnh mẽ nhất là hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ, đã hình thành nhiều vùng nông sản sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chuổi giá trị sản phẩm…

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là quy mô, năng lực quản trị các tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP còn nhỏ và yếu, thiếu kiến thức về kinh tế thị trường và phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị.

Điểm hạn chế của sản phẩm OCOP ở các tỉnh thành đó là quy mô sản xuất, canh tác còn nhỏ lẻ, chưa đáp ứng được yêu cầu của các hệ thống phân phối lớn về số lượng, điều kiện giao hàng, thanh toán…

Theo đại diện các kênh bán lẻ hiện đại, những nhà làm OCOP đa phần là kinh doanh nhỏ lẻ, không đủ năng lực quảng bá thương hiệu. Hàng OCOP tại địa phương thì khó bán tại siêu thị địa phương do có bán nhiều bên ngoài.

Do đó, để sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền có chỗ đứng trên thị trường cần có đầu mối hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở này phát triển, hoàn thiện sản phẩm; chuẩn hóa hồ sơ nhằm đưa sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền vào hệ thống kênh phân phối hiện đại, các hệ thống bán lẻ và các điểm phân phối giới thiệu sản phẩm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới