Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kể câu chuyện Việt Nam bằng tem và tranh cổ động!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kể câu chuyện Việt Nam bằng tem và tranh cổ động!

Nguyễn Vinh thực hiện

Kể câu chuyện Việt Nam bằng tem và tranh cổ động!
Poster tranh cổ động năm 1965, 1966 và 1968

(TBKTSG) – Chủ nhân bộ sưu tập gần 1.000 posters tranh cổ động và hàng trăm con tem giai đoạn từ 1959-1975, nhân vật chính trong cuộc trò chuyện này – là một người Anh làm ăn ở Việt Nam hơn 20 năm. Nói đến Dominic Scriven, là nói tới vai trò Giám đốc điều hành (CEO) của ông ở Dragon Capital và cũng là nói đến một nhà sưu tập tranh, ông chủ của phòng tranh tư nhân (có cả giải thưởng riêng gây chú ý gần đây) – Dogma Collection.

Những ngày đường phố Sài Gòn rộn ràng sắc màu, âm thanh và hoạt động kỷ niệm 30-4, ông Dominic Scriven chọn điểm hẹn là phòng họp của công ty ở lầu 19 một cao ốc quận 1 vào giờ trưa để trò chuyện với phóng viên TBKTSG…

Dominic Scriven bắt đầu câu chuyện về bộ sưu tập tranh cổ động của mình:

Mảng tranh này nặng về lịch sử, gắn với các biến chuyển chính trị Việt Nam trong quá khứ. So với tranh cổ động của các nước, tranh cổ động Việt Nam khác rất nhiều. Tôi cho rằng, ngay cả tranh cổ động của Trung Quốc thì cũng không phải là tranh cổ động mà là chỉ là tranh quảng bá. Tranh Việt Nam, tính chất kêu gọi, cổ động người dân thực sự không chỉ về việc bảo vệ tổ quốc, thống nhất đất nước mà còn kêu gọi nhận thức và hành động về an sinh xã hội như y tế, giáo dục, pháp luật hay sản xuất nông nghiệp… và nhiều thứ khác. Đời sống tranh cổ động đến nay thực sự còn tiếp diễn.

Kiểu vẽ tranh cổ động Việt Nam cũng khá đặc biệt. Tôi có phỏng vấn chừng hơn 20 cụ, là họa sĩ thời kỳ đó (1959-1975). Họ nói rằng, làm họa sĩ vẽ tranh cổ động trong bối cảnh lịch sử ấy không đơn giản chút nào.

Ngay cả giấy mực cũng thiếu, khan hiếm (nhiều họa sĩ đã phải tận dụng mặt sau của các áp-phích tuyên truyền in sẵn của Liên Xô, Đông Âu hay Triều Tiên cùng với bản đồ, biểu đồ và hầu như bất cứ thứ gì có thể để vẽ – NV) mà nguyện vọng được đóng góp, sự nhiệt tình của các cụ thì rất cao. Điều đó được thể hiện ở khuôn mặt, tình cảm con người trên tranh. Khi xem tranh Trung Quốc thường thấy khuôn mặt và nụ cười tròn trịa, còn tranh cổ động Việt Nam ngoài những yếu tố như sự tự hào, lạc quan, vẫn toát ra những nét rất đời thường, rất “con người”, có nội tâm, không gượng gạo. Việc sử dụng màu, bố cục, kỹ thuật tốt, giàu tính sáng tạo. Có lẽ gốc của tranh cổ động là Liên Xô, nên trong tranh Việt Nam cũng ảnh hưởng nhất định bởi phong cách Liên Xô, nhưng đã phát triển tạo ra sắc thái riêng.

TBKTSG: Tôi vẫn chưa hiểu vì sao ông chọn kể câu chuyện Việt Nam bằng tranh cổ động?

Dominic Scriven: Tôi sang Việt Nam năm 1992. Hồi đó tại Hà Nội, việc lập doanh nghiệp tư nhân rất hiếm, nếu

Ông Dominic Scriven.

có chăng, là ở những nhà hàng. Thời đó người ta không dám hay không có văn hóa quảng bá tự do như bây giờ… Ngoài đường phố không có nhiều màu, không có quảng cáo mà chỉ có tranh cổ động. Tranh cổ động tạo nên màu của phố phường Hà Nội thời bấy giờ. Cho nên tôi quan tâm và bắt đầu sưu tập.
Một mảng thứ hai, cách đây năm năm, qua một người bạn Thụy Sỹ sưu tập tem, tôi được gợi ý tìm hiểu về tem. Tôi tham gia một cuộc bán đấu giá tem Việt Nam do một nhà sưu tập tại Thụy Sỹ tổ chức và tôi thắng. Bộ tem có một chủ đề khá rộng: Bắc có, Nam có, chế độ cũ có, Campuchia và Lào cũng có. Tôi bắt đầu học về tem và mua thêm một bộ tem Việt Nam của một người, có lẽ là cựu binh Mỹ. Chơi tem đòi hỏi kiến thức chuyên sâu, nên tôi hợp đồng với một nhóm chuyên gia về phục hồi và thẩm định bộ tem của mình.

Bộ tem và tranh tương đối giống nhau về chủ đề: hoạt động của họa sĩ có cả yếu tố chính trị và yếu tố mỹ thuật trong thời trước và một phần sau năm 1975.

TBKTSG: Gần đây ở Sài Gòn và Hà Nội, người ta có xu hướng dùng chính tranh cổ động trong quá khứ để thiết kế các sản phẩm lưu niệm hay in lên các vật dụng, áo quần… Ông nghĩ gì về xu hướng này?

– Tôi cũng thấy trên đường Hàn Thuyên – Sài Gòn có một quán như vậy. Tôi nghĩ có xu hướng thương mại hóa các biểu tượng có ý nghĩa sâu về lịch sử, chính trị, đòi hỏi cần phải có một sự cân nhắc. Dự án Dogma của tôi chọn phi lợi nhuận cho đơn giản.

TBKTSG: Nếu một người nước ngoài bắt đầu tìm hiểu tâm tính người Việt hay lịch sử Việt Nam thông qua những bộ tranh cổ động, liệu họ có thể nắm bắt được điều gì?

– Với cá nhân tôi, dĩ nhiên sẽ học hỏi, đặc biệt thông qua các cuộc phỏng vấn nhân chứng là các họa sĩ một điều rất thú vị. Họ nói về lý do mà họ trở thành họa sĩ, cách tham gia trong chiến đấu cũng như sáng tác. Nhiều điều xúc động. Xoay quanh các cuộc trò chuyện có thể thấy số phận nhiều người, những hành xử với nghệ thuật, với đất nước. Công việc nghiên cứu vẫn chưa xong. Tôi mong trong tương lai, khi hoàn chỉnh sẽ phổ biến điều này.

Tranh cổ động năm 1974.

TBKTSG: Việc tham gia sưu tập và hoạt động tài trợ nghệ thuật có giúp gì cho anh trong việc điều hành Dragon Capital?

– Ở Việt Nam người ta thường nhìn những hoạt động này như là từ thiện nghệ thuật, nhưng ở các nước khác, thì họ lại dùng làm thước đo xã hội văn minh. Tôi không phải là người Việt Nam nhưng tôi gắn bó với Việt Nam và tôi nghĩ nếu làm được một việc gì đó sẽ góp phần làm đời sống tốt hơn. Một điển hình là vấn đề an toàn giao thông ở Việt Nam tệ quá, vấn đề là nằm ở ý thức của từng người với đời sống chung. Tôi thấy thích tranh cổ động an toàn giao thông.

TBKTSG: Nhưng rõ ràng là tranh cổ động chưa hẳn giải quyết được vấn đề, có khi sự lạm dụng lại phản tác dụng do phương thức tuyên truyền

quá cũ, nhàm chán…

– Đúng là không thể mong thay đổi hay tác động thực tế nếu chỉ dựa vào những phương thức trước đây.
TBKTSG: Trong vai trò là ông chủ Dogma Collection, hình như ông cũng quan tâm hỗ trợ các hoạt động mỹ thuật đương đại…

– Tôi cũng quan tâm tới họa sĩ trẻ đương thời. Dogma Collection do tôi lập ra mở giải thưởng chân dung tự họa cho các họa sĩ trẻ nay đã đến lần thứ 4, cũng được nhiều họa sĩ trẻ quan tâm gửi tác phẩm.

TBKTSG: Và các họa sĩ quan tâm đến phải chăng vì giá trị giải thưởng?

– Dogma Prize trị giá 120 triệu đồng, hình như cũng đủ để hấp dẫn. Tuy nhiên, 120 triệu thì không phải là một tỉ đồng. Vấn đề ở đây là có cái gì đó hơn thế. Tại Việt Nam, giải thưởng mỹ thuật nhà nước thì có nhưng giải tư nhân không nhiều để có thể đưa ra những cái nhìn, tiêu chí khác biệt về giá trị sáng tạo, kích thích việc tìm kiếm, tạo ra những khuynh hướng đa dạng trong đời sống mỹ thuật, đặc biệt là mỹ thuật trẻ. Tôi vẫn nghĩ một họa sĩ nhìn vào bên trong để vẽ được chính mình là điều thú vị nhất.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới