Thứ Năm, 3/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Kết nối cùng mở rộng thị trường cho sản phẩm VietGAP, GlobalGAP

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kết nối cùng mở rộng thị trường cho sản phẩm VietGAP, GlobalGAP

Vũ Yến

(TBKTSG Online) – Trên cơ sở, kết quả hợp tác thương mại với các tỉnh, thành trong năm năm qua, Sở Công Thương TPHCM đặt mục tiêu giai đoạn 2020 – 2025 tập trung, ưu tiên hỗ trợ các mặt hàng hàng nông sản, đặc sản đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, được nuôi trồng theo quy trình VietGap, GlobalGap…

Kết nối cùng mở rộng thị trường cho sản phẩm VietGAP, GlobalGAP
Khoảng 2.000 đặc sản của các tỉnh, thành hội tụ tại TPHCM. Trong ảnh là gian hàng đặc sản của Kiên Giang được giới thiệu tới người tiêu dùng TPHCM. Ảnh: Vũ Yến

Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết nội dung nói trên tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện chương trình hợp tác thương mại giữa TPHCM và các tỉnh, thành giai đoạn 2016-2020, diễn ra vào ngày 24-9.

Đồng thời, theo bà Trang việc hợp tác thương mại sẽ hướng đến xây dựng thương hiệu đối với các mặt hàng nông sản, đặc sản ở từng địa phương, vùng, miền; xây dựng các chuỗi thực phẩm an toàn, liên kết chặt chẽ, lưu thông hàng hóa hiệu quả xuyên suốt từ hoạt động sản xuất, nuôi trồng đến hoạt động phân phối nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống phân phối phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, giảm chi phí trung gian…

2.000 đặc sản của 41 tỉnh, thành góp mặt

Chương trình hợp tác thương mại giai đoạn 2016-2020 và kết nối cung cầu hàng hóa giữa TPHCM và các tỉnh thành năm 2020 diễn ra từ ngày 24 đến 27-9 tại Nhà Thi đấu Thể dục Thể thao Phú Thọ, TPHCM.

Sự kiện năm nay thu hút sự tham gia của 41 tỉnh, thành (bao gồm TPHCM). Có khoảng 600 doanh nghiệp tham gia với hơn 470 gian hàng trưng bày hơn 2.000 đặc sản.

Một trong những điểm mới của hội nghị năm nay là bổ sung phương thức kết nối theo chiều sâu. Ban tổ chức đã bố trí 2 khu vực với 14 văn phòng giao dịch cho 14 đơn vị để các doanh nghiệp cung ứng tiếp cận, đàm phán chi tiết và giao dịch trực tiếp.

Theo báo cáo tổng kết của hội nghị, trong 5 năm qua (giai đoạn 2016-2020) chương trình hợp tác thương mại giữa TPHCM và các tỉnh thành đã tập trung triển khai các mục tiêu: Phối hợp tạo nguồn hàng bình ổn thị trường tại TPHCM và các địa phương; phối hợp phát triển hệ thống phân phối; xây dựng các chuỗi cung ứng và phối hợp thực hiện các hoạt động kết nối cung – cầu; xúc tiến thương mại.

Theo đó, các tỉnh, thành, các địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp TPHCM đầu tư, liên kết phát triển sản xuất kinh doanh; đầu tư nhà máy, mở rộng chuồng trại, ứng vốn cho nông dân trồng trọt, chăn nuôi; liên kết hỗ trợ các hợp tác xã nuôi trồng.

Hiện tại 28 doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường TPHCM đã đầu tư 47 nhà máy, cơ sở sản xuất, 63 trang trại, cụm trang trại nuôi trồng tại các tỉnh, thành Đông – Tây Nam Bộ, tổng vốn đầu tư trên 18.000 tỉ đồng. Hoạt động liên kết, ứng vốn cho nông dân nuôi trồng, bao tiêu sản phẩm nông sản đạt 3.200 tỉ đồng/năm.

Đặc biệt, phần lớn các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường thành phố đều đã xây dựng các chuỗi liên kết, hình thành vùng nguyên liệu ổn định, lâu dài tại các tỉnh thành.

Đơn cử, Saigon Coop có hệ thống kho bãi, hệ thống hậu cần (logistics), siêu thị phủ khắp cả nước, là đầu mối liên kết, thu mua tại chỗ các mặt hàng nông sản, với những mặt hàng có sản lượng lớn được thu mua, cung cấp cho thị trường cả nước. Vissan liên kết với các trang trại chăn nuôi tại các địa phương tiêu thụ bình quân 31.000 tấn heo hơi/năm, 1.241 tấn bò hơi/năm; Sagrifood cung cấp bình quân mỗi năm 80.000 con heo hậu bị, heo con giống đến các trang trại chăn nuôi tại 23 tỉnh thành trên cả nước, trong đó 80% tại 15 tỉnh, thành miền Đông – Tây Nam Bộ, chủ yếu tại Đồng Nai và Bình Dương. Trong khi đó, Ba Huân có nhà máy chế biến thực phẩm, xử lý trứng tại Long An, Bình Dương, Hà Nội… và có hệ thống trang trại chăn nuôi, liên kết phủ khắp các tỉnh, thành.

Tại hội nghị, bà Châu Thị Lệ, Phó giám đốc Sở Công Thương Long An nêu ra kỳ vọng về một ngôi chợ nông sản, hoặc trung tâm phân phối hàng Việt Nam tại Trung Quốc. Chợ nông sản hay trung tâm phân phối hàng sẽ góp phần giúp hạn chế tình trạng thương lái Trung Quốc ép giá nông sản Việt, điều phối hoạt động xuất nhập khẩu theo cung – cầu thực tế của thị trường.

Ngôi làng của Câu lạc bộ Doanh nhân 2030 mở cửa với 20 gian hàng

Trong khuôn khổ chương trình hợp tác thương mại giữa TPHCM và các tỉnh thành, 2030 Village đã được khai mạc với 20 gian hàng đến từ các thành viên của Câu lạc bộ Doanh nhân 2030 (trực thuộc Saigon Times Club). Các gian hàng tham gia 2030 Village lần này bao gồm: Công ty cổ phần May Sơn Việt, Công ty TNHH MTV Sản xuất Thương mại Dịch vụ Mỹ Sướng, Công ty TNHH Cánh Nâu, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Kỹ Thuật Kim Phát, Công ty TNHH Thương mại Sản xuất Pure, Công ty TNHH Thiết bị Giáo dục Bavico, Công ty TNHH Tư vấn Xây dựng Golden Times, Công ty TNHH Lưới Công Trình, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại THP, Công ty TNHH Cội nguồn xanh, Công ty cổ phần Green 100, Công ty TNHH Nước giải khát Ngọc Việt.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới