Thứ sáu, 24/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Khách đặt tôm ‘nườm nượp’ nhưng nông dân lo ngại rủi ro

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Ngành tôm đang tồn tại một nghịch lý, dù nhà nhập khẩu đang đặt hàng “nườm nượp”, nhưng người nuôi vẫn muốn “treo ao”. Điều này dự báo khả năng sẽ xảy ra cuộc khủng hoảng về nguyên liệu trong những tháng cuối năm, thậm chí đến đầu năm 2022.

Nguy cơ thiếu hụt tôm nguyên liệu vì nông dân "treo ao". Ảnh: Trung Chánh

'Vua tôm' nói hoạt động hết công suất cũng không đủ bán

Tại diễn đàn trực tuyến "Tôm Việt 2021 - Giải pháp tháo gỡ khó khăn ngành tôm trong tình hình dịch bệnh Covid-19" diễn ra vào hôm nay, 1-9, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn thuỷ sản Minh Phú, đơn vị được mệnh danh là “vua tôm”, cho biết do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhà máy ở Cà Mau hoạt động với 1.600 công nhân và ở Hậu Giang là 1.300 công nhân theo phương án “3 tại chỗ”. Quy mô nhà máy Cà Mau là 7.000 công nhân và nhà máy ở Hậu Giang là 6.000 công nhân.

“Điều này có nghĩa, tình hình sản xuất của nhà máy chỉ đạt khoảng 25%, nhưng sản lượng chế biến vẫn đạt 50%”, ông Quang nói.

Do tác động của dịch Covid-19 nên trong tháng 8 sản lượng và giá trị xuất khẩu của đơn vị này lần lượt giảm 30,8% và 17,74% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tính chung 8 tháng đầu năm nay, sản lượng và giá trị xuất khẩu tăng lần lượt 9,87% và 19,56% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy sản lượng và giá trị xuất khẩu trong tháng 8 sụt giảm, nhưng theo ông Quang, hợp đồng được Tập đoàn thuỷ sản Minh Phú ký kết với đối tác là rất lớn. “Từ nay đến cuối năm không lo chuyện tôm không bán được, mà chỉ lo không chế biến được và giá cũng tăng liên tục”, ông nói. Ông nhận định rằng hợp đồng ký đến hết năm, dù nhà máy sản xuất tối đa công suất cũng không đủ cung cấp.

Theo ông Quang, thị trường đang có nhu cầu đối với tôm cỡ lớn, nên phân khúc này tiêu thụ rất dễ dàng. “Chế biến tôm cỡ lớn cũng là điều kiện để doanh nghiệp tăng công suất trong điều kiện thiếu công nhân do giãn cách”, ông nhạn xét. Theo ông, nông dân nên nuôi tôm lớn bằng việc thả nuôi mật độ thưa, khoảng 100-120 con/m2 hoặc cao nhất là 150 con/m2, thay vì nuôi mật độ 250-300 con/m2 như trước.

Hợp đồng tôm cỡ 10-45 con/kg được Tập đoàn Minh Phú ký rất nhiều với đối tác và giá bán cũng rất tốt, lợi nhuận có thể đạt 15-20% và đây cũng chính là lý do giá tôm lớn giảm ít hơn so với tôm nhỏ. “Tôm (nguyên liệu) lớn hiện có giá thấp hơn trước giãn cách xã hội 10.000 đồng/kg, trong khi cỡ 60 con/kg trở xuống (60 về đến100 con/kg- PV) thấp hơn 25.000-35.000 đồng/kg”, ông Quang dẫn chứng.

"Từ nay đến tháng 11 có nguyên liệu sẽ xuất bán rất tốt vào dịp Noel cho thị trường châu Âu, Mỹ. Nếu qua tháng 11 thì chỉ có thể bán cho thị trường châu Á như Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Nhật Bản và Hàn Quốc”, ông Quang nói.

Nguy cơ thiếu hụt tôm nguyên liệu

Tuy nhiên, thời gian qua, do các địa phương áp dụng giãn cách xã hội dẫn đến việc đi lại mua bán rất khó khăn, khiến giá tôm nguyên liệu ở nhiều địa phương Đồng bằng sông Cửu Long sụt giảm mạnh. Điều này khiến nông dân e ngại tái đầu tư sản xuất, dẫn đến nguy cơ thiếu hụt nguồn nguyên liệu trầm trọng.

Ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, cho biết địa phương đã thực hiện giãn cách xã hội hơn hai tháng nay nên ảnh hưởng rất lớn trong các hoạt động vận chuyển của chuỗi ngành tôm (mua bán, cung cấp con giống, thức ăn…). “Thậm chí, có những thời điểm cấm cả hoạt động thu mua, sơ chế tôm do không thực hiện “3 tại chỗ” và cấm luôn hoạt động của các hộ sản xuất kinh doanh”, ông dẫn chứng.

Đến thời điểm hiện nay, theo ông Bằng, các hoạt động cơ bản đã tạm ổn, nhưng các chốt trạm vẫn chưa quán triệt hết các quy định, vẫn còn khó khăn chỗ này chỗ kia, khiến giá tôm giảm đến hơn 30%. “Có giai đoạn bỏ giãn cách khoảng 5 ngày thì giá tôm tăng lại ngay, nhưng sau đó tiếp tục giãn cách, giá tôm lại quay đầu giảm sâu hơn”, ông cho biết.

Ở tỉnh Bạc Liêu, ông Tạ Hoàng Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội tôm Bạc Liêu, cho biết khi thực hiện giãn cách xã hội, Chính phủ chỉ đạo vừa chống dịch vừa sản xuất, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, nhưng một số nơi vẫn đặt ra “giấy phép con”, gây khó cho vận chuyển hàng hóa, trong đó có ngành tôm. “Điều này, khiến giá tôm ở Bạc Liêu sụt giảm 40-50%, chứ không phải 10-20%”, ông nói.

Theo ông Nhiệm, giá tôm giảm khiến người nuôi điêu đứng, không muốn thả vụ mới vì không biết tương lai thu hoạch sẽ thế nào. “Một tấn rau quả thiệt hại chỉ 10-30 triệu đồng, nhưng một tấn tôm có thể gây thiệt hại cho nông dân 100-200 triệu đồng”, ông so sánh mức độ rủi ro khiến nông dân nuôi tôm e dè trong thả nuôi vụ mới.

Trong khi đó, theo ông Bằng, lượng tôm giống thả nuôi của Cà Mau giảm rất nhiều, hiện chỉ bằng 30-40% so với cùng kỳ, thậm chí nhiều khu vực không dám thả nuôi tiếp.

Tại diễn đàn, đại diện Tổng cục Thuỷ sản cho biết từ đầu tháng 7, các cơ sở sản xuất tôm giống chủ động giảm sản lượng 30-40% và từ 15-8 số lượng giảm còn mạnh hơn, thậm chí một số cơ sở ngừng hoạt động do nhu cầu tôm giống ở các địa phương trọng điểm giảm rất nhiều.

Theo vị này, hoạt động thả nuôi tôm cũng đang có chiều hướng giảm do giá tôm thấp, trong khi dịch vụ cung cấp vật tư đầu vào ngưng hoạt động vì dịch Covid-19. “Nếu tình hình này kéo dài thì những tháng cuối năm nay và đầu năm 2022 sản lượng tôm nguyên liệu cung cấp cho nhà máy chế biến sẽ thiếu hụt rất nhiều”, vị này cho biết.

Ông Võ Quan Huy, Chủ tịch Hiệp hội tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng) cho rằng tâm lý của người nuôi hiện không muốn thả giống. Bởi, bị thiệt hại nặng nề trong vụ tôm đang diễn ra, trong khi vụ tôm sắp tới không rõ tình hình tiêu thụ ra sao.

Chính vì vậy, theo ông Huy, nông dân là đối tượng cần được hỗ trợ tiền điện vì hoạt động sản xuất sử dụng rất nhiều điện. “Doanh nghiệp đang bán tôm rất tốt, nhưng được giảm tiền điện, trong khi thành phần yếu thế hơn là nông dân tốn kém chi phí điện sản xuất khá lớn lại không được. Đây là một cái bất công cho người yếu thế”, ông Huy nhấn mạnh.

Bà Quách Thị Thanh Bình, Phó chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản tỉnh Sóc Trăng, kiến nghị cấp trung ương, bên cạnh việc có giải pháp hữu hiệu quản lý giá thức ăn nuôi tôm thì cần xem xét hỗ trợ giảm tiền điện cho người nuôi 10-30%, áp dụng từ tháng 7-2021 đến tháng 6-2022. “Đây là cách bù đắp khó khăn cho ngành sản xuất”, bà nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới