Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Khách sạn vẫn tiếp tục ‘chờ’ khách

Khánh Lam

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Dù đã có mùa du lịch Tết Nguyên đán sôi động nhưng tương lai của thị trường khách sạn trong năm 2022 vẫn chưa thực sự sáng sủa. Giới kinh doanh đang trông vào việc mở cửa toàn bộ mảng du lịch quốc tế để tạo thêm cơ hội kinh doanh trong năm mới.

Động lực từ mùa du lịch Tết

Cho dù nhiều người đã dần đi du lịch trở lại kể từ tháng 11-2021, tức thời điểm TPHCM và khu vực phía Nam cơ bản khống chế được đợt bùng dịch Covid-19 lần thứ tư nhưng lượng khách tăng cao trong kỳ nghỉ Tết vừa qua vẫn khiến giới kinh doanh bất ngờ.

Theo báo cáo từ Tổng cục Du lịch, trong chín ngày Tết Nhâm Dần, từ ngày 29-1 đến 6-2, ngành du lịch đã phục vụ 6,1 triệu lượt khách nội địa, trong đó 3,2 triệu lượt khách nghỉ đêm tại các cơ sở lưu trú. Tổng thu từ du lịch đạt hơn 25.000 tỉ đồng.

Dòng khách du xuân đã giúp nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng và homestay tại Phú Quốc, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Lạt, Khánh Hòa, Bình Thuận, Quảng Ninh… kín phòng. Trong đó, công suất bình quân của khối khách sạn từ 3-5 sao tại Bà Rịa - Vũng Tàu đạt đến 97%.

Dòng khách du lịch đổ đến địa phương này vẫn tiếp tục tăng cao trong những ngày gần đây khiến nhiều khách sạn tiếp tục kín phòng sau Tết.

Tại Khánh Hòa, công suất phòng bình quân tại các khách sạn, khu nghỉ dưỡng ước đạt 72,8%, riêng phân khúc từ 4-5 sao gần như “cháy phòng”. Trong khi đó, công suất phòng bình quân ở Bình Thuận là 65-80%, riêng khối 4-5 sao đạt 85-95%.

Ở Lâm Đồng, công suất phòng bình quân đạt trên 95% Lâm Đồng, không chỉ phân khúc cao cấp mà nhà nghỉ, homestay cũng kín khách. Tỉnh Quảng Nam có công suất sử dụng phòng bình quân đạt trên 95%, Thừa Thiên - Huế khoảng 80%.

Tại Phú Quốc, công suất sử dụng phòng đạt 71,3%, hàng loạt khu nghỉ dưỡng cao cấp không còn phòng trống trong Tết vừa qua. Giới chuyên gia dự báo trong vài tháng tới, Phú Quốc vẫn tiếp tục là điểm đến thu hút khách bậc nhất của khu vực phía Nam.

Mùa du lịch Tết khởi động khá thuận lợi sau đợt bùng dịch lần thứ tư đã khiến giới kinh doanh lạc quan hơn và đặt nhiều kỳ vọng hơn cho năm mới 2022, đặc biệt là cho mùa du lịch lớn nhất trong năm vào dịp hè sắp tới. “Nếu mùa Tết này mà khởi động tốt, làm cho khách đi chơi Tết về thấy an toàn, vui vẻ thì sẽ thúc đẩy một lượng khách khác đến, tăng thêm cơ hội phục hồi trong năm mới”, ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc Khu nghỉ dưỡng Muine Bay ở Phan Thiết nói và cho biết khu nghỉ đã kín phòng nhiều ngày trong Tết Nhâm Dần.

Lạc quan hơn nhưng vẫn đầy khó khăn

Trao đổi với Địa ốc và khả năng phục hồi mảng du lịch nói chung và khách sạn nói riêng, một quan chức của Tổng cục Du lịch cho rằng, tuy thị trường tăng trưởng rất tốt trong dịp Tết vừa qua nhưng ngành du lịch vẫn đang trong giai đoạn rất khó khăn.

Thực tế, còn nhiều khách sạn, doanh nghiệp lữ hành vẫn đang đóng cửa vì không có khách du lịch hoặc không có nhân lực để phục vụ. Nhiều khách sạn báo kín phòng nhưng chỉ là kín với cơ số phòng mà chủ khách sạn có thể mở ra trong dịp này chứ không phải là kín toàn bộ phòng của khách sạn.

Tình trạng nhiều điểm du lịch quả tải, không đủ chỗ cho khách du lịch trong dịp Tết một phần cũng do nhiều chủ khách sạn và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chưa mở cửa toàn bộ. Vì thế, sự hồi phục, nếu có chỉ có thể thấy ở một số cơ sở lưu trú, đặc biệt những nơi gần với các thị trường lớn như TPHCM chứ không phải là toàn bộ thị trường.

Hiện tại, doanh nghiệp đang rất cần vốn để chỉnh trang lại cơ sở vật chất đã xuống cấp do hai năm không hoạt động và vốn kinh doanh, tìm kiếm nguồn nhân lực vốn đang rất khan hiếm do nhiều lao động đã chuyển nghề.

Ông Nguyễn Sơn Thủy, Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam cũng có nhận định tương tự, cho biết do số lượng khách sạn, khu nghỉ dưỡng đã mở cửa vẫn còn ít nên việc những cơ sở lưu trú này đông khách vào Tết qua chưa thể phản ảnh đúng thị trường. Như ở Hội An, dù cuối tuần có nhộn nhịp hơn nhưng không đáng kể. Du khách chủ yếu đến từ các vùng lân cận, đi chơi trong ngày rồi về nên không ở tại khách sạn. Trong trường hợp khách ở lại nhiều hơn thì hệ thống khách sạn vẫn chưa thể hết khó khăn vì thị trường này chỉ có thể lấp đầy chừng 35% cơ số phòng. “Nhiều chủ khách sạn vẫn nhìn thị trường, chờ tình hình ổn định hơn mới dám mở cửa. Mà muốn ổn định thì phải đợi khách quốc tế vào nhưng hiện thời điểm mà chính sách mở cửa vẫn chưa rõ ràng”, ông nói.

Ông Thủy cũng là chủ của biệt thự The Earth Villa, hiện vẫn đóng cửa sau hai năm dịch, nếu muốn mở cửa thì phải tuyển dụng lao động lại từ đầu, sửa sang cơ sở vật chất… nên doanh nhân này đang rất cân nhắc. “Chỉ tính việc sơn lại biệt thự cũng đã lên đến tiền tỉ rồi cho nên nếu cứ vội vàng sửa chữa, mở ra mà khách lèo tèo thì lại lỗ nặng”, ông nói.

Một doanh nhân khác cho biết, thị trường nội địa tăng trưởng dần trong thời gian qua chưa đủ để tập đoàn quyết định mở lại hai khu nghỉ dưỡng tại Phan Thiết và Cam Ranh. “Có thể chúng tôi sẽ tiếp tục đóng cửa đến tháng sáu tới, chờ đến khi mảng du lịch quốc tế được mở cửa hoàn toàn”, bà nói.

Theo đó, tập đoàn đang lên kế hoạch sửa chữa cơ sở vật chất và tìm nguồn nhân sự để chuẩn bị cho giai đoạn tới nhưng việc nào cũng gặp khó khăn. Về sửa chữa, trong khi tiền mặt đang thiếu hụt thì hai khu nghỉ dưỡng biển này lại xuống cấp nặng sau hai năm dừng hoạt động nên cần kinh phí lớn sửa sang. Việc tìm kiếm nhân sự cũng khá nan giải vì gần như toàn bộ nhân viên đã nghỉ việc và rất nhiều người trong số này làm công việc khác trong suốt hai năm qua nên không muốn quay lại nghề cũ.

Tại TPHCM, tình hình cũng rất khó khăn vì phần lớn khách hàng cũng đến từ thị trường quốc tế. Trong thời gian qua, tuy lượng khách đặt phòng, sự kiện có tăng một chút nhưng vẫn không thể đem lại sinh khí thực sự cho cả thị trường.

Nhiều khách sạn vẫn đang đang đóng cửa. Thậm chí, một số khách sạn từng có công suất khá tốt trong mùa dịch nhờ đón khách cách ly y tế thì nay lại trong tình cảnh “chợ chiều” vì theo quy định mới, khách chỉ cần tự theo dõi sức khỏe tại nhà ba ngày sau khi nhập cảnh. Các khách sạn vẫn tiếp tục chờ khách.

1 BÌNH LUẬN

  1. Tình hình kinh tế đang khó khăn do dịch bệnh, do giá xăng dầu tăng, nên tôi nghĩ người dân sẽ hạn chế chi tiêu. Mà hạn chế chi tiêu đầu tiên là du lịch. Nếu không có tác động lớn từ chính sách, thì năm 2022 sẽ tiếp tục là năm khó khăn cho ngành du lịch.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới