Ngày hội “Hội quán đất Sen Hồng - hành trình đồng hành cùng phát triển” lần thứ I năm 2023 đã chính thức khai mạc vào tối 18-11 tại thành phố Cao Lãnh. Mô hình hội quán ra đời nhằm phát huy tinh thần tự chủ, tự quản của người dân, thay đổi nhận thức trong liên kết, hợp tác sản xuất.
Theo Ban tổ chức, việc tổ chức ngày hội nhằm nhìn lại chặng đường 7 năm hình thành và phát triển mô hình hội quán của tỉnh Đồng Tháp. Sự kiện cũng tạo điều kiện cho các hội quán giao lưu, liên kết hợp tác, giới thiệu sản phẩm an toàn và thân thiện với môi trường; giúp nâng cao năng lực quản trị cộng đồng gắn với thiết chế cộng đồng tự lực, tự chủ, tự quản.
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Lê Thành Công, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Tháp, Trưởng ban tổ chức ngày hội cho biết, mô hình hội quán hướng đến sự tự thay đổi của người dân, từ tâm lý “trông chờ, ỷ lại” sang "tự nguyện, tự quản, tự quyết định"; từ cách nghĩ "đèn nhà ai nấy sáng, ruộng nhà ai nấy làm" sang "cùng nghĩ, cùng làm, cùng hưởng".
Theo ông Công, qua thực tiễn cho thấy mô hình hội quán đã góp phần giúp người dân chuyển dần tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, thay đổi thói quen, tập quán sản xuất khi biết hướng đến tính hiệu quả, biết xây dựng giá trị thương hiệu, chuyển dần sang đa giá trị thay vì chỉ sản xuất sản phẩm thô. Đặc biệt, người nông dân biết đặt vào vị trí người tiêu dùng để tạo ra sản phẩm tử tế phục vụ cộng đồng.
Thông qua hội quán, tinh thần liên kết, hợp tác trong sản xuất, liên kết giữa người sản xuất với người sản xuất; giữa người sản xuất với doanh nghiệp, thị trường đã được hình thành.
Theo ông Công, trong thời gian tới, hội quán cần hướng mạnh đến việc tiếp cận mô hình nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sinh thái và nông nghiệp tuần hoàn, đa giá trị; kết hợp phát triển kinh tế nông thôn gắn với bảo tồn, phát huy truyền thống văn hoá, xã hội và bảo vệ môi trường.
Được biết, từ mô hình Canh Tân hội quán đầu tiên tại xã An Nhơn, huyện Châu Thành được thành lập vào ngày 3-7-2016 với 105 hội viên, đến nay toàn tỉnh Đồng Tháp đã phát triển lên 145 hội quán với gần 8.000 thành viên. Đặc biệt, có 38 hợp tác xã được thành lập từ mô hình hội quán.
Các hội quán ở tỉnh Đồng Tháp hoạt động ở 11 lĩnh vực, bao gồm chăn nuôi; sản xuất nông nghiệp; sản xuất khô, mắm; sản xuất sản phẩm từ tre, gỗ; kinh doanh buôn bán; trồng hoa kiểng; kinh doanh nhà trọ; làm du lịch; sản xuất bột; trồng cây có múi và văn nghệ - văn chương.
Mô hình hội quán của Đồng Tháp hoạt động với phương châm nhất quán là ba không. Đó là, không tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị, không kinh phí từ ngân sách, không cơ sở vật chất do Nhà nước trang bị; ba tự là tự nguyện, tự quản, tự quyết định và ba cùng là cùng nghĩ, cùng làm, cùng hưởng.