Thứ tư, 22/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

‘Khai sinh’ tòa sở hữu trí tuệ ở Việt Nam

Trần Quốc Thái

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Trong bối cảnh tài sản sở hữu trí tuệ (SHTT) đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với đổi mới và tăng trưởng kinh tế, như nhiều quốc gia trên thế giới, Quốc hội Việt Nam vừa thông qua quy định thành lập tòa án chuyên biệt về SHTT (tòa án SHTT) để giải quyết các vấn đề pháp lý phức tạp liên quan đến lĩnh vực này.

Xu thế chung của thế giới

Kỷ nguyên số và cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra nhiều cơ hội mới cho phát triển kinh tế - xã hội, nhưng cũng tạo điều kiện cho các hành vi vi phạm SHTT ngày càng phức tạp. Nhận thức được những thách thức này, nhiều quốc gia trên thế giới như Nga, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đã thành lập các tòa án chuyên biệt giải quyết các vụ việc trong lĩnh vực SHTT như một giải pháp hiệu quả để bảo vệ quyền SHTT.

Sự ra đời của các tòa án SHTT chuyên biệt đánh dấu bước chuyển quan trọng, đảm bảo tính chuyên môn hóa trong giải quyết các vụ việc đặc thù về SHTT. Brazil và Trung Quốc là hai ví dụ của mô hình tòa án SHTT chuyên biệt.

Là nền kinh tế lớn với lãnh thổ rộng và dân số đông, Brazil ghi nhận sự gia tăng mạnh mẽ các vụ kiện liên quan đến SHTT trong những năm gần đây, trong khi đó theo truyền thống, các thẩm phán phải xử lý đa dạng các vụ việc thuộc nhiều mảng khác nhau, ảnh hưởng đến chất lượng và thời gian đưa ra quyết định. Để giải quyết thách thức này, từ năm 2019, Brazil đã thành lập các tòa án SHTT chuyên biệt ở các bang São Paulo và Rio de Janeiro nhằm xử lý các vụ việc có tính phức tạp về SHTT. Các tòa án này góp phần đáng kể vào việc cải thiện hiệu quả, rút ngắn trung bình khoảng một phần hai thời gian giải quyết tranh chấp(1), phần nào đó giúp Brazil trở thành điểm đến hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư.

Tương tự, từ năm 2014, Trung Quốc đã thành lập các tòa án chuyên biệt về SHTT ở Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu, tập trung chuyên môn vào việc xử lý các tranh chấp phức tạp liên quan đến sáng chế, nhãn hiệu, đảm bảo đưa ra phán quyết nhanh chóng và nhất quán, giúp tăng cường đáng kể việc thực thi quyền SHTT. Chỉ riêng Tòa án SHTT Bắc Kinh đã xử lý 23.757 vụ việc vào năm 2022(2). Ngoài ra, Tòa án SHTT thuộc Tòa án Nhân dân (TAND) Tối cao Trung Quốc hoạt động từ năm 2019 góp phần thúc đẩy tính thống nhất trong xét xử tranh chấp về SHTT.

Cơ chế bảo vệ quyền SHTT tại Việt Nam trước khi có tòa SHTT

Cơ chế bảo vệ quyền SHTT được quy định rải rác trong Luật SHTT và văn bản hướng dẫn thi hành, gồm: (1) Chủ sở hữu tự bảo vệ (bằng các biện pháp hợp pháp); (2) Chủ sở hữu đề nghị các cơ quan chức năng bảo vệ, với hai lựa chọn đáng chú ý là yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm (biện pháp hành chính) và khởi kiện ra tòa án để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình (biện pháp dân sự).

Việc thành lập tòa án SHTT là một bước tiến quan trọng trong hệ thống tư pháp Việt Nam, tập trung nguồn nhân lực có chuyên môn sâu và kỹ năng nghiệp vụ đặc thù để giải quyết các vụ việc trong lĩnh vực SHTT.

Tại Việt Nam, biện pháp hành chính đang được sử dụng phổ biến để giải quyết hành vi xâm phạm quyền SHTT. Chủ sở hữu quyền có thể yêu cầu các cơ quan hành chính như công an kinh tế, quản lý thị trường, hải quan và thanh tra bảo vệ quyền lợi của họ.

Để thực hiện điều này, họ cần nộp đơn yêu cầu xử lý xâm phạm kèm theo tài liệu và chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm. Cơ quan chức năng sẽ xem xét vụ việc; nếu xác định có hành vi vi phạm thì sẽ ban hành quyết định buộc bên vi phạm chấm dứt hành vi, loại bỏ yếu tố vi phạm, nộp tiền phạt hay đình chỉ hoạt động. Việc bảo vệ quyền bằng con đường hành chính đang được ưa chuộng vì nhiều lý do, như tính nhanh chóng, ít phức tạp, ít tốn kém.

Trái ngược với không khí “nhộn nhịp” tại các cơ quan hành chính trong giải quyết các tranh chấp về SHTT, biện pháp dân sự - khởi kiện giải quyết tranh chấp SHTT tại tòa án, lại có phần trầm lắng trong thời gian qua. Theo Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, TAND cấp huyện có thẩm quyền giải quyết sơ thẩm các tranh chấp về quyền SHTT, trừ khi tranh chấp phát sinh giữa các cá nhân, tổ chức có mục đích lợi nhuận sẽ do TAND cấp tỉnh giải quyết.

Lựa chọn giải quyết tranh chấp tại tòa án sẽ có những ưu điểm nổi bật như chủ sở hữu quyền SHTT có thể được bảo vệ “toàn diện” hơn khi được quyền đề nghị tòa án áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời để ngăn chặn nguy cơ xảy ra thiệt hại cho mình từ hành vi xâm phạm quyền (như lệnh cấm xuất khẩu, tiêu thụ hàng hóa bị nghi ngờ xâm phạm quyền SHTT), hoặc bảo vệ chứng cứ khi có nguy cơ bị tẩu tán hoặc bị tiêu hủy nếu không được bảo vệ kịp thời.

Ngoài ra, phạm vi các quyền được yêu cầu - tương ứng là nghĩa vụ mà bên vi phạm phải gánh chịu, cũng đa dạng hơn so với biện pháp hành chính, có thể kể đến như buộc bên vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi công khai, tiêu hủy hàng hóa vi phạm, đặc biệt là được yêu cầu bồi thường thiệt hại. Cuối cùng, kết quả giải quyết vụ việc (nội dung bản án/quyết định được ban hành bởi tòa án) sẽ được đảm bảo thực hiện bởi cơ quan thi hành án dân sự.

Số liệu thống kê của TAND Tối cao cho thấy biện pháp dân sự thực tế chưa được các chủ sở hữu quyền SHTT ưa chuộng. Từ năm 2015-2022, toàn hệ thống tòa án chỉ thụ lý và giải quyết 403 vụ việc về SHTT (không gồm vụ án hình sự)(3). Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ khởi kiện dân sự để giải quyết tranh chấp SHTT còn khá thấp, có thể kể đến như tính mới mẻ, phức tạp và đòi hỏi cao về chuyên môn (xác định hành vi xâm phạm quyền tác giả, cạnh tranh không lành mạnh, hay sáng chế).

Đồng thời, các vụ việc SHTT thường trải qua nhiều cấp xét xử, dẫn đến thời gian giải quyết kéo dài, trong khi đó việc thiếu hụt thẩm phán có chuyên môn sâu về lĩnh vực SHTT cũng góp phần làm tăng tỷ lệ án hủy, án sửa, khiến chủ sở hữu quyền SHTT e ngại khi chọn khởi kiện dân sự. Cuối cùng, khởi kiện dân sự đòi hỏi nhiều khoản chi phí sẽ tạo ra gánh nặng tài chính đáng kể.

Tòa án chuyên biệt về SHTT - giải pháp mới giải quyết các vụ việc SHTT “khó nhằn”

Ngày 24-6-2024, Quốc hội thông qua Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), chính thức đưa ra quy định thành lập TAND sơ thẩm chuyên biệt SHTT (tòa án SHTT), được quy định tại điều 4. Đây là quy định “khai sinh” ra tòa SHTT tại Việt Nam. Theo đó, sau khi các quy định sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính được thông qua, và nhân sự được kiện toàn, thì tòa án SHTT sẽ chính thức đi vào hoạt động. Theo điều 62 của Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), tòa án SHTT chịu trách nhiệm xét xử sơ thẩm các vụ việc về SHTT theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.

Số lượng tòa án SHTT và phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của mỗi tòa án sẽ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định dựa trên đề xuất của Chánh án TAND Tối cao. Tòa án SHTT dự kiến sẽ được thành lập tại Hà Nội, hoặc mở rộng thêm tại TPHCM và Đà Nẵng. Các thành phố trên là những trung tâm kinh tế lớn, đặc biệt là nơi đặt trụ sở và văn phòng đại diện của Cục SHTT (cơ quan chuyên môn về SHTT), và cũng là nơi đặt trụ sở của TAND cấp cao có thẩm quyền xét xử phúc thẩm vụ án, vụ việc mà bản án, quyết định của tòa SHTT chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của luật tố tụng.

Thẩm phán đóng vai trò then chốt trong cơ cấu tổ chức của tòa án SHTT. Theo quy định mới, thẩm phán công tác tại tòa án SHTT cần có kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm dày dặn trong lĩnh vực SHTT. Để đáp ứng yêu cầu này, trong giai đoạn đầu, có khả năng các thẩm phán có chuyên môn sâu về SHTT từ các tòa án khác sẽ được điều động đến tòa án SHTT. Sau đó, nguồn nhân lực thẩm phán sẽ được bổ sung dựa trên số lượng vụ việc cần giải quyết.

Tạm kết

Việc thành lập tòa án SHTT là một bước tiến quan trọng trong hệ thống tư pháp Việt Nam, tập trung nguồn nhân lực có chuyên môn sâu và kỹ năng nghiệp vụ đặc thù để giải quyết các vụ việc trong lĩnh vực SHTT. Quy định mới này được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao chất lượng giải quyết các vụ việc trong lĩnh vực SHTT ngay từ cấp sơ thẩm, đảm bảo tính thống nhất và hiệu quả trong giải quyết tranh chấp, từ đó thu hút các bên sử dụng cơ chế tòa án để giải quyết tranh chấp về SHTT.

(1) https://www.lexology.com/library/detail.aspx?g=91830b3e-a402-4a40-a1b9-fa92ab879efe
(2) https://www.chinanews.com.cn/gn/2023/01-11/9932947.shtml
(3) Báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới