Thứ năm, 28/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Khai thác dữ liệu: Ngân hàng và fintech đang làm gì với dữ liệu người dùng?

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Tận dụng dữ liệu (data) để tối ưu hóa lợi nhuận, biến nguồn tài nguyên này thành doanh thu là điều không còn mới mẻ tại nhiều doanh nghiệp. Câu chuyện này được nhắc đến nhiều hơn tại các hội thảo, hội nghị trong thời gian gần đây, và càng trở nên đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam tăng tốc nhanh về mặt chuyển đổi số sau đại dịch Covid-19, đi cùng từ khóa “trí tuệ nhân tạo”. Tuy nhiên, hệ lụy của việc phát triển quá nhanh cũng dẫn đến câu hỏi về tính an toàn đối với dữ liệu của người sử dụng.

Thanh toán không tiền mặt phát triển mạnh mẽ giúp lĩnh vực tài chính có thêm dư địa đẩy mạnh khai thác dữ liệu. Ảnh minh hoạt: Q.D.

Tăng cường “tầm soát” dữ liệu

Ứng dụng công nghệ đã làm thay đổi nhanh chóng bức tranh dịch vụ tài chính tại Việt Nam trong thời gian qua, ví dụ điển hình là phương thức định danh điện từ (eKYC). Tính đến cuối năm 2022, có hơn 11,9 triệu tài khoản thanh toán (40 ngân hàng triển khai) và 10,8 triệu thẻ (22 ngân hàng) được mở bằng phương thức này đang hoạt động. Tuy nhiên, đằng sau sức bật mạnh mẽ của dịch vụ tài chính, vấn đề tiếp theo được rà soát, đối chiếu lại dữ liệu của khách hàng đã “góp nhặt” được.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy tính đến tháng 4-2023, ngân hàng đã “làm sạch” 25 triệu hồ sơ khách hàng trong cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia. Mục tiêu là hoàn tất 26 triệu hồ sơ còn lại vào cuối năm nay. Đồng thời, tất cả tổ chức tín dụng và trung gian thanh toán sẽ định danh khách hàng thông qua căn cước công dân gắn chip và có thể sử dụng loại giấy tờ cá nhân này để giao dịch.

Việc rà soát dữ liệu này được giới quản lý kỳ vọng ngăn chặn hành vi dùng giấy tờ giả để mở tài khoản, các hoạt động cho thuê, cho mượn tài khoản, hay các hoạt động trái phép liên quan đến thanh toán (như dùng tài khoản giả để lừa đảo trên không gian mạng).

Tại buổi hội thảo "Kết nối dữ liệu, thanh toán thông minh thúc đẩy phát triển xã hội" diễn ra hồi giữa tháng 6, lãnh đạo Vụ thanh toán thuộc NHNN, cho biết đã có nhiều tổ chức tín dụng chủ động làm việc để làm sạch cơ sở dữ liệu, nhưng vẫn còn vướng hành lang pháp lý khi muốn cập nhật số căn cước công dân 12 số để định danh lại các khách hàng sử dụng chứng minh nhân dân 9 số trước đây.

Liên thông dữ liệu giữa các bộ ngành với dữ liệu gốc cũng đang là vấn đề khó khăn lớn nhất hiện nay, không chỉ có phía ngân hàng mà còn có nhiều bên muốn sử dụng, chẳng hạn như ngành thuế, theo đại diện trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, cũng chia sẻ tại tọa đàm trên. Vấn đề nằm ở chỗ là sự đồng bộ và bảo mật của hệ thống công nghệ thông tin khi kết nối.

Để đẩy nhanh tiến độ, hồi cuối tháng 4 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Bộ Công an đã ký kế hoạch phối hợp thực hiện Đề án 06 (về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030).

Câu chuyện rà soát dữ liệu được đẩy mạnh trong năm nay khi người dân bắt đầu sử dụng căn cước công dân vào các dịch vụ hành chính công, đồng thời bắt đầu mở rộng ra các dịch vụ tài chính ngân hàng. Thực tế có một số nhà băng khuyến khích khách hàng xác thực lại, sau đó sử dụng căn cước công dân để giao dịch.

"Đào" dữ liệu để kiếm khách hàng mới

Với các ngân hàng, quản lý dữ liệu không chỉ là vấn đề bảo mật, mà còn là cơ hội kinh doanh dựa trên phát triển công nghệ. Trong sự kiện gần đây, lãnh đạo Ngân hàng ACB cho biết trung bình ngân hàng đầu tư khoảng 1.000 tỉ đồng mỗi năm cho việc chuyển đổi số, dựa trên sự lựa chọn và cân nhắc về tính hiệu quả. Năm 2023, ACB dự kiến tự động hóa gần 300 quy trình, đặt mục tiêu lên 1.400 vào năm 2025, giúp tiết kiệm 1,4 triệu giờ lao động của hơn 2.000 nhân viên.

Theo ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc Ngân hàng ACB, việc thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia và ngân hàng nói chung, cũng như dịch Covid-19 đã thúc đẩy người dân giao dịch trực tuyến nhiều hơn và là cơ hội lớn cho ngành ngân hàng. “Chúng tôi đánh giá dữ liệu phân tích và công nghệ sẽ đóng vai trò quan trọng, giúp tối ưu năng suất lao động cũng như giảm thiểu sai sót", ông Phát nhấn mạnh.

Việc khai thác dữ liệu không chỉ có các ngân hàng mà còn cả các fintech. Hiện nay, ứng dụng nhiều bên bắt đầu tích hợp thêm rất nhiều dịch vụ tài chính khác nhau, như bán bảo hiểm, chứng chỉ quỹ,… bên cạnh dịch vụ thông thường. Hành vi người dùng là cơ sở để các ứng dụng này phân tích và “giới thiệu” cho các ngân hàng để bán chéo sản phẩm khác, phổ biến nhất là mở thẻ tín dụng.

Chia sẻ về xu hướng này, ông Nguyễn Bá Diệp, đồng sáng lập Ví điện tử MoMo đánh giá người sử dụng đang dần chuyển dịch sang xu hướng sử dụng dịch vụ tài chính số chứ không còn đơn thuần chỉ để thanh toán. “Sẽ không còn ranh giới giữa fintech và nhà băng”, ông Diệp ví von.

Trong năm ngoái, tập đoàn sản xuất hàng tiêu dùng Masan công bố thương vụ mua lại fintech xếp hạng tín nhiệm Trusting Social, đồng thời kết hợp với ngân hàng TPBank để phát hành thẻ tín dụng dựa trên sự gợi ý dữ liệu từ Công ty con của Masan. Tại kỳ đại hội cổ đông thường niên trong năm nay, Masan lại công bố lộ trình phát triển công ty Logistics của mình dựa trên việc phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), nhằm tối ưu hóa dữ liệu từ nhà kho chứa hàng đến các điểm đặt mua.

Công nghệ liên tục được phát triển để khuyến khích người dùng sử dụng nhiều hơn, để từ doanh nghiệp "hiểu" hành vi người dùng. Ảnh minh họa: DNCC.

Thu thập và phân tích dữ liệu để thấu hiểu khách hàng, hoặc giảm chi phí hoạt động cũng là chiến lược mà nhiều doanh nghiệp hiện nay theo đuổi, chứ không chỉ riêng gì các nhà băng.

“Đầu tư năng lực số để thấu hiểu nhu cầu khách hàng, vận dụng trong quản lý hàng tồn kho nhằm mang lại hiệu quả cao hơn và khả năng phục hồi trước sự biến động. Đón đầu các xu hướng và dự trù chi phí từ các mô hình kinh doanh mới, ví dụ cá nhân hóa tiêu dùng, bằng việc quản trị hệ thống dữ liệu hiệu quả”, báo cáo Khảo sát thói quen tiêu dùng tại Việt Nam phát hành tháng 4-2023 của hang kiểm toán và tư vấn PwC khuyến nghị.

Trên thực tế, dữ liệu đang là nguyên liệu cần thiết để các doanh nghiệp “bày biện” và thử nghiệm các món ăn mà họ cho là người dùng sẽ thích thú. Trong bài trình bày tại diễn đàn Xã hội không tiền mặt mới đây, ông Kelvin Tanu Utomo, trưởng bộ phận Sản phẩm và Giải pháp, Visa Việt Nam và Lào cho rằng trong lộ trình tiến đến “dữ liệu mở, ngân hàng mở”, các tổ chức nào sử dụng nhiều dữ liệu từ nhiều bên khác nhau cũng như bảo vệ được dữ liệu đó tối ưu, thì sẽ có nhiều ưu thế trong tương lai.

Theo báo cáo “Thị trường tài chính Việt Nam năm 2022 và triển vọng 2023” do Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV công bố hồi tháng 5, hoạt động chuyển đổi số diễn ra khá nhanh ở các lĩnh vực chính như ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán nhờ ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại và mang tính đột phá. Ghi nhận trên kênh ngân hàng hiện nay cũng có tới 95% giao dịch của ngân hàng đã được thực hiện trên kênh số, đã có 90% hồ sơ của ngân hàng đã không sử dụng giấy tờ trong các quy trình nghiệp vụ.

Trong đó, xu hướng mới là hoạt động ngân hàng mở (open banking), được định nghĩa là chia sẻ thông tin về thanh toán, vay nợ, hay những dữ liệu tài chính khác của khách hàng tại ngân hàng cho các bên cung cấp dịch vụ thứ 3 (dự trên sự cho phép của khách hàng). “Điều này tạo ra một mạng lưới thông tin, dữ liệu của các ngân hàng và cho phép các công ty cung cấp dịch vụ khác (như fintech) hay các đối tác khác tiếp cận, tạo nên hệ sinh thái cho khách hàng”, báo cáo đánh giá.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới