Khai thác tài nguyên cát dưới góc nhìn kinh tế và quản lý bền vững
Lê Anh Tuấn
(KTSG Online) - Vừa qua, câu chuyện Công ty TNHH thương mại và dịch vụ T-S.Home giành quyền khai thác mỏ cát ở sông Tiền với trữ lượng chừng 2,4 triệu mét khối với số tiền 2.811 tỉ đồng, gấp 390 lần giá khởi điểm là 7,2 tỉ đồng, đã gây sự chú ý nơi dư luận. Nhiều cuộc tranh luận, trao đổi trên các diễn đàn đã diễn ra, với các câu hỏi về năng lực của nhà đầu tư, công tác bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản trong bối cảnh tình trạng khai thác khoáng sản không tuân thủ các quy định của pháp luật ngày càng trở nên phổ biến.
Khai thác cát trên sông Tiền. Ảnh: Lê Anh Tuấn |
Cát là một loại tài nguyên quốc gia, được xem là nguồn cung cấp vật liệu xây dựng và san lấp. Phần lớn các vùng tập trung cát có khối lượng lớn, mà nhiều người hay gọi một cách bình dân, dễ hiểu là mỏ cát (ngoại trừ cát ở sa mạc hay bãi biển)... tên gọi này cũng giống như mỏ đá, mỏ nước… Cát được hình thành từ sự vỡ vụn các khoáng đá do phong hóa, chấn động, dịch chuyển, bào mòn do tác dụng chuyển động của nước và gió. Một “mỏ cát” thường được hình thành vài trăm năm, thậm chí cả ngàn năm, nên nhiều nhà khoa học cho rằng đây là một loại tài nguyên không tái tạo vì khi nó bị mất đi thì rất khó và rất lâu mới hình thành một khối lượng cát đáng kể để có thể khai thác được.
Cát thường được phân loại theo kích cỡ của chúng mà chúng ta sẽ có cát thô, cát hại lớn, hạt trung bình, hạt nhỏ, hạt mịn… hoặc nguồn hiện diện như cát sông, cát cồn, cát giồng, cát sa mạc, cát bờ biển, cát đại dương,… Trong các loại nguồn cát, cát sông là nguồn có giá trị hữu dụng và kinh tế nhất vì nó dễ khai thác, rất tốt cho xây dựng. Cát cồn, cù lao, cát giồng cũng có thể dùng làm san lấp nhưng sẽ rất phí phạm vì những loại cát này thường trộn lẫn với phù sa, đất thịt, thành phần rất đa dạng và rất tốt cho sản xuất nông nghiệp và có vai trò duy trì nguồn nước ngầm tầng nông, lọc nước mặt và bổ cập cho cả tầng sâu. Cát ở sa mạc hình thành do sự ma sát, bào mòn chủ yếu do gió nên bị tròn nhẵn, mất khả năng kết dính với các loại vữa xi măng nên gần như không sử dụng cho xây dựng được, nhiều quốc gia có sa mạc như ở vùng Trung Đông vẫn phải nhập cát về xây dựng. Cát ở lòng biển và đại dương thì bị nhiễm mặn, chỉ dùng chủ yếu cho san lấp vùng ven biển, khó dùng cho xây dựng được vì muốn trong cát có thể gây ăn mòn kim loại trong công trình, muốn rửa sạch muối sẽ tốn rất nhiều nước và năng lượng. Ngoài ra cát thô còn dùng trong công nghiệp phun cát để vệ sinh vỏ tàu biển, cát bị nhiễm hoá chất độc lại đang trở thành vấn nạn cho sinh thái và sức khoẻ cộng đồng, rất khó giải quyết.
Do vậy, cát sông ngày càng được khai thác dần đến mức cạn kiệt, tốc độ khai thác lớn hơn hiều so với bồi tụ, giá cát trên thị trường trong và ngoài nước ngày một cao. Trên quy mô toàn cầu, các nhà kính tế tài nguyên ước tính nhu cầu tiêu thụ cát và sỏi vào khoảng 40 tỉ tấn/ năm và cát là một ngành công nghiệp toàn cầu trị giá 70 tỉ đô la Mỹ. Ở Việt Nam gần như chưa có những nghiên cứu cụ thể về thị trường cát này. Việc tranh giành nguồn cát đã gây cảm hứng cho đạo diễn người Pháp Denis Delestrac thực hiện bộ phim tài liệu “Các cuộc chiến tranh cát (Sand Wars)” mô tả các tác động khi việc khai thác và buôn bán cát, cả hợp pháp lẫn bất hợp pháp, gây ra những tác sinh thái và kinh tế.
Nhiều chính phủ đã thấy các vấn đề liên quan đến tài nguyên cát, gần Việt Nam nhất, chính phủ các quốc gia như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Campuchia đã ra lệnh cấm xuất khẩu cát. Cộng đồng Châu Âu có đề xuất cát chỉ được bán trong nội bộ các nước trong cộng đồng.
Chính phủ Sri Lanka đã ban hành cả một đạo luật liên quan đến việc kiểm soát khai thác cát, trong đó cấm khai thác cát sông bẳng biện pháp cơ giới mà chỉ cho các cộng đồng lấy cát sông bằng biện pháp thủ công và giấy phép khai thác cát chỉ có 5 năm, khi hết 5 năm thì chính quyền xem xét lại. Chính phủ Ấn Độ (2016) cũng ban hành một hướng dẫn mang tính pháp lý nhằm bảo đảm việc khai thác cát sỏi được thực hiện bền vững với môi trường và có trách nhiệm với xã hội.
Qua ghi nhận, tôi được biết tại Việt Nam, việc quản lý tài nguyên cát chỉ ở quy mô quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng cát lòng sông, ven biển trên địa bàn cấp tỉnh, chưa có những quy định pháp lý liên quan đến sử dụng tài nguyên tác trên quy mô liên tỉnh hay liên vùng. Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24-2-2020 của Chính phủ quy định về “Quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, thông qua việc kiểm tra bằng mô hình toán thủy lực.
Do đó, việc cấp phép khai thác theo đúng quy định sẽ không ảnh hưởng đến sạt lở bờ sông. "Chính phủ cũng quy định tất cả các dự án khai thác cát đều phải có “Báo cáo đánh giá tác động môi trường”, theo Phụ lục III Nghị định 18/2015/NĐ-CP, với các dự án "dự án khai thác khoáng sản rắn, cát, sỏi, vật liệu san lấp có quy mô từ 500.000 mét khối nguyên khai/năm (bao gồm khoáng sản, đất đá thải) trở lên" thì việc thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Vừa qua, có câu chuyện Công ty TNHH thương mại và dịch vụ T-S.Home giành quyền khai thác mỏ cát ở sông Tiền với trữ lượng chừng 2,4 triệu mét khối với số tiền 2.811 tỉ đồng, gấp 390 lần giá khởi điểm là 7,2 tỉ đồng. Theo Báo Tuổi Trẻ, công ty này nghề kinh doanh chính là “giặt là, làm sạch các sản phẩm dệt và lông thú”, sau này là “chuẩn bị mặt bằng, chi tiết: làm sạch mặt bằng xây dựng, đào, lấp, san và ủi tại các mặt bằng xây dựng…”.
Vốn điều lệ của Công ty là 27 tỉ đồng, trong khi theo nguyên tắc trong năm đầu Công ty phải nộp cho Tỉnh An Giang là 140,55 tỉ đồng để được cấp quyền khai thác (?) và Công ty chỉ có 2 lao động theo đăng ký. Chưa nói năng lực tài chính, chuyên môn của Công ty này, việc sau khi đấu thầu Công ty trúng thầu phải làm các thủ tục tiếp theo, trong đó phải làm Báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Có vẻ điều này có vẻ bất hợp lý, dường như đi ngược thứ tự theo logic của nó, đáng lý việc đánh giá tác động môi trường phải được làm trước, sau đó mới đấu thầu theo các cam kết bảo vệ môi trường. Khi các đơn vị tham gia đấu thầu, chính quyền phải xem xét nhà thầu này có bao nhiêu năm có kinh nghiệm chuyên môn khai thác khoảng sản, vốn pháp định là bao nhiêu, có những vi phạm nào trong lịch sử kinh doanh của công ty để tính vào điểm chọn thầu chứ không tập trung nhiều giá bỏ thầu.
Sạt lở ở huyên Châu Phú, tỉnh An Giang. Ảnh: Lê Anh Tuấn |
Theo quy định khi khai thác cát sông, phải xây dựng mô hình thuỷ lực liên quan đến thay đổi dòng chảy, phỏng đoán phân bố phù sa, bùn cát, dự báo các điểm và mức độ sạt lở thì không thực chất và thực tế, bỏ qua những yếu tố bất định như việc khai thác cát đang diễn ra khắp nơi, phụ hoạ thêm các yếu tố khác như hoạt động con người ven sông, di chuyển. Thuật toán động lực dòng chảy 2 chiều, mô hình truyền chất để tính bùn cát, bài toán bồi xói, sử dụng các mô hình thủy lực như MIKE 21C, SLOPEW và ứng dụng kỹ thuật GIS và viễn thám để dự báo diễn biến đường bờ có thể áp dụng.
Tuy nhiên, bài toán thủy lực chỉ giả định trên một trường hợp cụ thể chung quanh khu vực nghiên cứu, khó kéo dài qua những khu vực xa hơn, thời gian dài hơn, thiếu tác động cộng dồn khi có nhiều đơn vị cùng khai thác ở các nơi khác nhau trên một hệ thống sông và thiếu dữ liệu về quá trình khai thác cát ở các địa phương khác. Từ những câu chuyện nêu trên, có vẻ như mọi nơi đều làm theo “quy trình, quy định” nhưng thực tế tình trạng suy giảm tài nguyên ngày một nghiêm trọng, số điểm và số đoạn sạt lở vẫn gia tăng, thiệt hại chung cho toàn châu thổ gần như là nặng nề và gần như không thể khắc phục hoàn toàn.
Qua thông tin trên báo đài cho thấy trong thời gian gần đây, tình trạng khai thác khoáng sản, cát, sỏi không tuân thủ các quy định của pháp luật càng trở nên phổ biến.
Trước thực trạng nêu trên, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức các đoàn thanh tra về việc chấp hành các quy định của pháp luật về khai thác khoáng sản và cát, sỏi trên địa bàn nhiều tỉnh. Từ các kết luận thanh tra cho thấy, vẫn còn tồn tại những vi phạm, bất cập, hạn chế. Vào giữa năm 2020, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức công bố kết luận thanh tra việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn các tỉnh Yên Bái, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lai Châu, Hà Giang, Tuyên Quang (giai đoạn 2011-2017).
Tại thời điểm đó, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra những vi phạm tại các tỉnh, như: việc nợ tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường; không có giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành nhưng đã khai thác; không thực hiện nghiêm túc quy định về quan trắc môi trường; không thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường, đóng cửa mỏ khi hết hạn giấy phép khai thác khoáng sản... Ngoài ra, Quỹ Bảo vệ môi trường của các tỉnh hoạt động không thống nhất, chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về tổ chức và hoạt động.