Thứ bảy, 25/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Khám phá lễ hội, hành hương Tây Tạng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Khám phá lễ hội, hành hương Tây Tạng

Nhóm tư vấn Công ty du lịch Liên Bang

Khám phá lễ hội, hành hương Tây Tạng
Múa Zhou, một loại hình múa dân gian của dân tộc Tạng.

(TBKTSG Online) - Tây Tạng nổi tiếng là xứ sở Phật giáo, là nơi thích hợp cho các du khách muốn hành hương. Ngoài ra, khi đến đây, du khách sẽ có cơ hội khám phá các lễ hội truyền thống của người dân nơi đây, bao gồm cả những lễ hội cổ xưa. Bên cạnh đó, du khách không nên bỏ lỡ cơ hội chiêm ngưỡng những ngôi chùa cổ, những đền thờ…một nét đẹp nghệ thuật về kiến trúc của đất nước này.

- Xin giới thiệu các loại hình biểu diễn nghệ thuật truyền thống của người Tây Tạng. Du khách có thể xem ở đâu, vào các ngày nào trong tuần?

- Tây Tạng là nơi giàu bản sắc văn hóa. Có rất nhiều hình thức biểu diễn nghệ thuật truyền thống. Du khách có thể xem nhạc kịch cổ truyền Tây Tạng, còn được gọi là Ache lhamo, nghĩa là “Chị em nữ thần” hay “Chị em thiên đàng”, là một sự kết hợp các điệu nhảy, tụng kinh và các bài hát.

Nhạc kịch Ache lhamo.

Các tiết mục thể hiện những câu chuyện về Phật giáo và lịch sử người Tạng. Nhạc kịch Tây Tạng xuất hiện từ thế kỷ XIV do Thangthong Gyalpo, vốn là một vị Lạt ma và nổi tiếng là “người xây cầu”. Ông và bảy thiếu nữ do ông chọn đã tổ chức trình diễn những điệu nhạc kịch Tạng đầu tiên để gây quỹ xây dựng những cây cầu, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông Tây Tạng. Những màn trình diễn thường diễn ra vào các dịp lễ hội khác nhau như Lingka và Shoton trên một sân khấu đơn sơ.

Những chiếc mặt nạ đầy màu sắc cũng được sử dụng để thể hiện các nhân vật; như màu đỏ tượng trưng cho vua, màu vàng thể hiện cho các vị thần và Lạt ma. Màn trình diễn bắt đầu với một cảnh xá tội và khấn Phật. Một người kể chuyện sẽ hát một bản tóm tắt của câu chuyện và buổi diễn bắt đầu. Các nghi lễ tôn giáo khác cũng được tiến hành vào cuối vở kịch. Ngoài ra, còn có nhiều huyền thoại lịch sử hay sử thi bằng văn bản của các vị Lạt ma bề trên về sự tái sinh của “Người được chọn”, người sẽ làm những điều tuyệt vời.

Múa Zhou, một vũ điệu dân gian độc đáo của người Tạng.

Múa Zhou, là một vũ điệu dân gian độc đáo của người Tạng. Múa Zhou trong tiếng Tạng được gọi là “Múa trống cơm”. Zhou có nghĩa là tốt lành. Múa Zhou thường được biểu diễn vào lúc mở màn và kết thúc các hoạt động lễ hội quan trọng. Loại múa này đã có hơn 1.300 năm lịch sử, ngoài việc là một loại hình nghệ thuật múa đặc thù của dân tộc Tạng, cũng là một trong những thể loại múa lâu đời nhất trong văn hóa truyền thống các dân tộc thế giới còn tồn tại.

Trước đây, múa Zhou chỉ có thể biểu diễn trong chùa chiền hoặc các hoạt động lễ hội lớn do chính quyền địa phương tổ chức, các trường hợp khác không được biểu diễn tùy tiện. Nhưng ngày nay, sau khi xong mùa vụ, mọi người lại tổ chức múa Zhou trên bờ ruộng hoặc sân làng, quang cảnh này trở thành một bức tranh tươi đẹp của nông thôn Tây Tạng.

- Xin giới thiệu một vài lễ hội độc đáo ở Tây Tạng. Hiện nay có công ty lữ hành nào tổ chức tour đi Tây Tạng kèm với tham gia các lễ hội không?

Lhasa, vùng đất được mệnh danh “ Đất bùn của dê”.

- Lễ hội lớn nhất trong năm là Losar, ngày đầu năm mới theo lịch âm vào mùa đông; Losar sắp tới sẽ nhằm ngày 05-3- 2012. Vào dịp này, nơi đây được trang trí đầy màu sắc truyền thống và mặt nạ, thể hiện diện mạo tự nhiên, đích thực, không có mua bán và lộn xộn.

Ngoài ra, hàng năm, vào tháng Tư âm lịch, khắp Tây Tạng đều tưng bừng đón mừng kỷ niệm “Tháng lễ hội Lhasa”. Đây là tháng kỷ niệm ngày đức Phật Thích ca đản sinh. Cũng như các tín đồ Phật giáo khắp nơi trên thế giới, vào những ngày kỷ niệm này, người dân Tây Tạng tổ chức nhiều hoạt động rất trọng thể.

Còn lễ hội Shoton kéo dài 7 ngày, bắt đầu từ 10-8 tại Lhasa. Lễ hội bắt đầu từ lúc bình minh sau ngày trăng tròn đầu tiên của tháng 8. Lễ hội bao gồm nhạc kịch Tây Tạng, trình diễn nghệ thuật dân gian, đua bò và đua ngựa.

Bên cạnh đó, cứ đến 25-12 hàng năm, theo lịch của người Tạng, các tu viện, đền, chùa lại tưng bừng tổ chức lễ hội đèn bơ để tưởng niệm Tsong Khapa - người đã sáng lập ra giáo phái Gelug của Phật giáo Tây Tạng.

- Xin giới thiệu một số ngôi chùa cổ. Khi tham quan đền, chùa tôi có phải mua đồ cúng hay thanh toán chi phí gì không? Du khách có được phép chụp ảnh tại các ngôi chùa không?

- Tây Tạng nổi tiếng với chùa Đại Chiêu (Jokhang) được xây dựng từ năm 693, nằm ngay tại trung tâm thành phố Lhasa có khu vườn rộng 25.000 mét vuông và 370 phòng. Đây vừa là ngôi chùa cổ, vừa là tu viện nổi tiếng của Phật giáo Tây Tạng. Hành hương Tây Tạng sẽ thiếu sót nếu du khách là phật tử không ghé đến tu viện Dzongchen, một trong 6 tu viện lớn theo truyền thống Phật giáo nguyên thủy ở Tây Tạng. Có thể coi Dzongchen là một “cõi Phật” thuần khiết. Chùa Tashilumpo, nơi ở của các vị Đạt Lai Lạt Ma.

Tashilumpo.

Chùa Bạch Mã - ngôi chùa Phật khởi nguyên tại Trung Quốc. Đây là ngôi chùa có kiến trúc rất đặc sắc và mới lạ. Chùa Pecho được xây dựng từ năm 1427. Đây là ngôi chùa rất nổi tiếng của Trung Quốc với kiến trúc mang đậm bản sắc của Phật giáo Tây Tạng. Chùa Lou Bu Lin Ka – ngôi chùa cổ kính được xây dựng từ thế kỷ thứ 6 và là cung điện mẫu hệ của chính giáo hợp nhất. Chùa Sela, chùa Zhebangsi vào thời kỳ hưng thịnh nhất có tới 10.000 vị Bát Lạt Ma.

Khi đi tham quan các di chỉ tôn giáo ở Tây Tạng, du khách nên lưu ý đi theo chiều kim đồng hồ. Không được phép sờ vào tượng Phật, kinh sách hoặc chụp ảnh bên trong các tu viện khi chưa được phép. Ngoài ra, du khách tuyệt đối không hút thuốc lá, không được đứng trên ngưỡng cửa chùa, tu viện, nhà cửa hay lều bạt. Khi vào thăm các đền chùa không nên đội mũ, mà nên chỉnh đốn quần áo, phụ nữ không nên mặc quần áo quá mỏng, quá ngắn… không sờ đầu bất kỳ ai vì đó là điều cấm kị của người Tạng.

- Tại sao lại gọi Lhasa là vùng “đất bùn của dê”?

- Khắp Lhasa, đâu đâu cũng có những ngôi chùa cổ kính. Người Tây Tạng giải thích rằng Lhasa là “đất bùn của dê”, bởi từ xa xưa, thành phố được xây dựng trên đất bùn do các chú dê vận chuyển đến. Lhasa là một di sản văn hóa nổi tiếng thế giới được xây dựng từ khoảng năm 637 trên một ngọn đồi có tên là Mabuge với độ cao cách biệt với bề mặt thành phố là 91 mét.

- Xin cho biết một số tập quán giao tiếp của người Tây Tạng.

- Ở Tây Tạng, mọi người không ăn thịt ngựa, thịt chó và thịt lừa. Vì vậy, bạn hãy tôn trọng những thói quen ăn uống của họ, cũng như nên vui vẻ ăn những thức ăn họ mời.

Khi được mời dùng bánh mì nướng, bạn nên dùng đầu ngón áp út (ngón tay đeo nhẫn) nhúng một chút bánh mì, sau đó rắc trong không khí và mặt đất ba lần. Vì người Tạng quan niệm đây là hình thức tạ ơn sự cung cấp thực phẩm của đất, trời và tổ tiên. Sau đó, bạn nên uống một ngụm rượu vang, chủ nhà sẽ rót đầy ly lần nữa. Nghi thức này được lặp lại ba lần cho đến khi bạn được chủ nhà yêu cầu úp ly xuống.

Đua bò Yak trong lễ hội Shoton.

Khi mời trà, rượu, thuốc lá cho ai, bạn nên đưa bằng hai tay và không để ngón tay vào cốc, ly.

Khi gọi tên ai đó, hãy thêm “la” vào sau tên để thể hiện sự tôn trọng.

Trừ khi được mời làm khách đến một lều hoặc nhà, bạn hãy nhớ không được đứng trước ngưỡng cửa. Khi được mời ngồi, bạn nên ngồi bắt chéo chân và không đưa chân ra xa vị trí ngồi.

Nếu được tặng quà, bạn nên nhận bằng cả hai tay. Khi tặng quà cho ai, bạn nên cúi gập người xuống và nâng quà bằng hai tay trên đầu để thể hiện sự tôn trọng.

Không vỗ tay hoặc khạc nhổ sau lưng người Tây Tạng. Hành vi này được xem là bất lịch sự.

- Tại Tây Tạng, có những điều gì cấm kị mà du khách phải tuân theo khi đến đây?

- Ngoài những điều đã nêu trên về văn hóa giao tiếp ở Tây Tạng, khi vào chùa chiền, du khách nên lưu ý, không chụp ảnh nhân viên an ninh, quân đội. Tại hầu hết các nơi tham quan, người dùng máy chụp ảnh thường phải trả tiền từ 20 - 50 nhân dân tệ.

Vì lý do an toàn của bản thân, du khách không nên vào các ngõ phố nhỏ nếu không có hướng dẫn viên đi cùng, tránh hỏi những vấn đề tôn giáo nhạy cảm.

Mua bán hàng lưu niệm có thể mặc cả; nếu có ý định mua thì hãy hỏi, hỏi mà không mua rất dễ gây mâu thuẫn.

Nên đổi tiền ở Việt Nam trước khi đi. Khi đã sang Tây Tạng, bạn không thể đổi lấy nhân dân tệ từ tiền đồng của Việt Nam, còn đổi từ đô la Mỹ sang nhân dân tệ sẽ không có lợi. Có thể thanh toán bằng thẻ Visa nhưng tương đối khó.

Công ty du lịch Liên Bang

92 Nguyễn Biểu, phường 1, quận 5, TPHCM

ĐT: (08) 3838 2288 begin_of_the_skype_highlighting           (08) 3838 2288end_of_the_skype_highlighting      end_of_the_skype_highlighting - Fax: (08) 3838 2299

Email: info@lienbangtravel.com - Website: www.lienbangtravel.com

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới