Thứ Tư, 17/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khám phá thác Voi hoang sơ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Khám phá thác Voi hoang sơ

Những tảng đá lớn xếp thành lớp trông như đàn voi rừng đang vui đùa dưới chân thác nước – Ảnh: Tuấn Linh

(TBKTSG Online) – Nằm cách thành phố Đà Lạt khoảng 25 cây số về phía tây nam (thuộc thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng), thác Voi đã được công nhận là di tích – thắng cảnh quốc gia từ năm 2001.

Dòng nước rộng khoảng 40m, chiều cao hơn 30m, ngày đêm ầm ầm đổ nước tạo nên những âm thanh như tiếng gầm của thú rừng.

Trên đường tới thác, phải vượt qua đèo Tà Nung dài gần 10km liên tục quanh co băng qua các khu rừng già. Hai bên đèo, từng mảng cây xanh thẳng tấp, phủ lên cả những ngọn núi và các bản làng của người dân tộc ẩn hiện xa xa.

Xe dừng lại ở thị trấn Nam Ban. Anh Hùng, người tài xế kiêm hướng dẫn viên đưa chúng tôi đi từ Đà Lạt, cho biết, tuy giao thông thuận lợi nhưng khu du lịch Thác Voi vẫn chưa được đầu tư đúng mức nên ít thu hút được du khách nội địa ghé thăm, ngay cả nhiều người địa phương ở tỉnh vẫn còn chưa biết tới. Có lẽ vì thế, thác Voi vẫn giữ được vẻ mộc mạc, hoang sơ của mình, tạo cho du khách một cảm giác gần gũi với thiên nhiên, thu hút du khách nước ngoài tìm tới.

Vừa xuống xe, tôi được đón bởi một cổng rào cũ kỹ đã lâu chưa được sơn phết lại. Một khu đất rộng với những công trình bị bỏ dở hoặc đã lâu không có người chăm sóc. Cây cỏ mọc um tùm khắp nơi, trông thật hoang tàn. Ở phía xa, lối đi với hàng trăm bậc đá rộng chừng 10m nằm giữa hai hàng cây dẫn lên ngôi chùa Linh Ẩn tọa lạc ngay phía trên đồi, lưng tựa vào núi, mặt hướng về phía thác. Có lẽ chỉ còn nơi đây còn giữ được khung cảnh dành cho khách thập phương đến viếng.

Rảo bước qua khoảnh đất trống đầy cỏ dại, tiếng thác đổ nghe rõ dần và ngày càng mạnh hơn. Khi đến đầu vực nhìn bao quát cả ngọn thác, quang cảnh nơi đây đã thực sự làm tôi ngỡ ngàng. Giữa bạt ngàn rừng cây, dòng thác tuôn chảy tung bọt trắng xóa cả một vùng rộng lớn. Thấp thoáng bên dưới, những tảng đá to lớn phủ đầy lớp thảm cỏ xanh mượt được thiên nhiên sắp xếp thật khéo léo, trông như bầy voi từ rừng sâu tụ về nô đùa bên chân thác. Có những tảng đá như chú voi con ngẩng đầu lên hứng lấy những làn bụi nước mát rượi.

Đường xuống chân thác vòng vèo, ẩm thấp và khá nguy hiểm, cây cối mọc um tùm che khuất cả lối đi. Ngay phía dưới đầu vực, có một chiếc cầu sắt cũ kỹ bắc ngang qua vực đá chông chênh. Vượt qua cầu, càng xuống sâu đường đi càng khó khăn hơn, nhưng giai điệu dồn dập của tiếng thác đổ và cảm giác được khám phá luôn thôi thúc mọi người bước lên phía trước.

Chúng tôi liên tục nhắc nhau cẩn thận từng bước chân theo người hướng dẫn. Tới lưng chừng thác, hầu như không còn nhận ra được lối đi. Cây dại mọc khắp nơi bám lên các vách đá, mọi người phải lần theo các ngách đá trơn trợt để đi tiếp, các khối đá trở thành điểm tựa để giữ thăng bằng, thỉnh thoảng lại thấy vài mảng bậc thang chưa bị sạt lở, chúng tôi thầm mừng vì biết mình chưa lạc hướng.

Tới được chân thác, ngắm dòng thác từ bên dưới, những hạt nước li ti như sương mù lan tỏa phủ cả một vùng rộng lớn, tưới lên những lớp cỏ dại xanh mướt bám chặt vào các khối đá khống lồ. Một dòng suối uốn lượn từ chân thác chảy quanh những tảng đá hoa cương trông thật ngoạn mục.

Ngược lên dòng suối, tôi tiếp tục băng qua các vách đá cheo leo, có lúc phải cúi rạp cả người để len lỏi vào các hang đá ẩn sâu hun hút trong vách đá phía sau dòng thác. Lối vào hang Gió hẹp giữa hai vách đá, nhưng bên trong lại có chỗ rộng, vi vu tiếng gió trời. Bên ngoài cửa hang tiếng thác nước đổ ầm ầm, bụi nước văng tung tóe, mát lạnh. Vào hang Dơi, hai bên vách đá có các hình thù, màu sắc lạ mắt. Vào sâu trong hang, cảnh vật tối nhờ nhờ và lạnh lẽo làm khung cảnh càng thêm kỳ bí. Theo anh Hùng, hang này ăn sâu xuống lòng đất đến 50 mét.

Lần mò quay ngược trở lên cho kịp trước khi trời sụp tối, chúng tôi bỏ lại sau lưng biết bao điều còn chưa kịp khám khá. Ngoài những phút giây hồi hộp khi vượt qua những lối đi chênh vênh, băng qua các vực đá nguy hiểm, tôi cảm thấy thật thú vị khi được hòa mình với thiên nhiên và tận hưởng cảm giác khám phá một nơi hoang sơ, vắng vẻ trong khu rừng cao nguyên Lang Bian.

TUẤN LINH

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới