Thứ năm, 21/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Khán giả truyền hình luân phiên đổi khẩu vị, gameshow bão hòa

An Phú

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Khoảng 5 năm trở lại đây, một vài nhà sản xuất chương trình truyền hình nhận định, thời hoàng kim của gameshow tại Việt Nam đã tạm dừng lại, nhường chỗ cho nhiều thể loại khác lên ngôi như phim sitcom, truyền hình thực tế... Dễ quan sát trên ti vi, các kênh phát sóng, khung giờ vàng dành cho gameshow không còn dày đặc như xưa, chỉ số người xem (rating) trò chơi truyền hình cũng giảm xuống 20-30%.

Gameshow “giậm chân”

Sau biến động kinh tế từ dịch Covid-19, đại diện nhiều nhà sản xuất cho biết, trong quá trình làm gameshow, doanh nghiệp của họ gặp khó khăn trong khâu kêu gọi tài trợ, tìm quảng cáo để trang trải chi phí, sáng tạo format gameshow mới đáp ứng kỳ vọng của người xem. Vì nhiều yếu tố khác nhau, thị trường gameshow đã đi xuống trong ba năm gần đây.

Ông Nguyễn Minh, Giám đốc Công ty Kịch Bản Việt, từng tổ chức sản xuất gameshow chủ đề gia đình nhiều mùa như Bạn đời ăn ý, Quyền năng phái đẹp, Ông bố hoàn hảo, Con nhà người ta…., cho biết những lý do có thể kể đến như thị trường ở Việt Nam còn nhỏ. Lượng khán giả xem truyền hình ngày càng ít đi vì xu thế ưa chuộng các nền tảng khác, tính trung thành của họ với một gameshow nhiều mùa không cao, và chính người nổi tiếng tham gia không có sự đổi mới...

Một vài gameshow mà công ty ông tham gia sản xuất đã rút ngắn thời lượng quảng cáo chỉ còn dưới 10 phút, trong khi đó những mùa phát sóng trước, con số này phải trong ngưỡng từ 12-15 phút.

Hình ảnh trong gameshow Bạn đời ăn ý từng phát sóng trên HTV7. Ảnh: Tư liệu

Không chỉ riêng gameshow Việt, gameshow mua bản quyền nước ngoài từng nổi đình nổi đám trên sóng truyền hình vẫn dễ “chết yểu” sau 2-3 mùa cũng vì lẽ trên.

Theo ông Nguyễn Minh, 2-3 năm nay có rất nhiều đơn vị sản xuất đang loay hoay tìm ra format trò chơi mới. “Đất sống dành cho gameshow vẫn có vì khán giả xem truyền hình vẫn còn, nếu ta nhắm đến một nhóm đối tượng cụ thể nào đó thay vì phục vụ đại đa số người xem. Hiện khán giả Việt đang có xu hướng thích xem các gameshow khai thác câu chuyện gia đình, gần với cuộc sống thường ngày, có tính trải nghiệm thực tế sau các chủ đề từng nổi lên như gameshow về ca nhạc, hẹn hò…”, ông nhận xét.

Đơn vị khác là Công ty Bee Comm, hàng năm luôn duy trì sản xuất các gameshow truyền hình để phục vụ khán giả. Một số chương trình Bee Comm từng làm và tạo dấu ấn với khán giả có thể kể đến như Hát cho ngày mai (HTV7), Mái ấm gia đình Việt (HTV7), Studio Số 6 (HTV7), Không gian cảm xúc (HTV7), Đấu trường siêu việt (VTV3), Có hẹn lúc 22 giờ (HTV9), Cơ hội đổi đời (HTV7), Nhạc hội song ca (HTV7)… phát sóng trên các kênh truyền hình và Youtube.

Nhiều gameshow chủ đề gia đình được khai thác. Trong hình là gameshow Mái ấm gia đình Việt. Ảnh: Bee Comm

Chia sẻ với Kinh tế Sài Gòn Online, Ông Trần Đình Phương, Giám đốc sản xuất Công ty truyền thông Bee, nhận định thị trường gameshow tại Việt Nam có lượng khán giả năm 2022 ước tính giảm khoảng 30%, chủ yếu do thói quen của người xem có sự dịch chuyển sau đợt dịch Covid-19.

Nhìn nhận tình hình cả trong và ngoài nước, thị trường gameshow đều đang ở giai đoạn bão hòa. Tuy vậy, các chương trình thuần Việt cũng đang thay đổi cách thức sản xuất để bắt kịp xu hướng mới của khán giả. Ông Phương cho biết, mỗi năm công ty ông vẫn đều đặn cho ra các chương trình này vì gameshow của người Việt Nam vẫn đang chiếm tỷ lệ lớn thị trường trong nước và là thế mạnh của công ty.

Theo ông Phương, trong quá trình làm bất kỳ trò chơi truyền hình nào, công ty cũng sẽ gặp khó khăn. Với gameshow thuần Việt, bài toán khó nhất đến từ việc đầu tư phát triển các format vừa mang tính xu hướng, vừa đảm bảo các yếu tố phù hợp với thị hiếu khán giả Việt Nam.

Để cạnh tranh không chỉ với gameshow Việt mà còn với gameshow mua bản quyền, đại diện Bee Comm cho biết công ty liên tục gặp gỡ các đơn vị phát triển format nước ngoài, tham gia hội chợ truyền hình quốc tế… để gia tăng cơ hội tìm kiếm format có nội dung chất lượng tốt. “Bên cạnh đó, chúng tôi luôn lắng nghe những phản hồi từ khán giả truyền hình và khán giả trên mạng xã hội để có những điều chỉnh nội dung, cách thức sản xuất đáp ứng tốt nhất nhu cầu của họ ở tất cả nền tảng”, vị này nói.

Sân chơi của nhiều thể loại khác

Sự dịch chuyển xu hướng người xem từ gameshow sang các thể loại khác được các đơn vị sản xuất cho rằng đây là vòng tròn có tính luân phiên và thời vụ. Nói một cách dễ hiểu, các sản phẩm trên truyền hình đều là món ăn tinh thần với khán giả, khi họ không chuộng xem gameshow thì sân chơi sẽ nhường lại cho những thể loại khác và ngược lại.

Sau dịch Covid-19, do ảnh hưởng từ hai năm mọi người phải ở nhà phòng chống dịch bệnh, thói quen tâm lý, hành vi người xem có sự thay đổi. Các nhà sản xuất nhận thấy khán giả có xu hướng thích xem chương trình truyền hình thực tế, trải nghiệm ngoài trời, chủ đề đi đó đây, trở về với thiên nhiên, cùng dòng phim sitcom, phim truyền hình cũng đang chiếm ưu thế.

Ông Nguyễn Minh, Giám đốc Công ty Kịch Bản Việt, nói rằng nhiều khung giờ phát sóng gameshow trước đây đã được thay thế bằng phim sitcom. Quảng cáo cũng xuất hiện với thời lượng nhiều hơn ở thể loại phim, truyền hình thực tế (reality show) cho thấy mảng này đang làm ăn được. Chính vì thế, doanh nghiệp ông cũng chuyển hướng, tập trung đầu tư vào phim để “cầm cự”, nhưng vẫn duy trì làm gameshow để giỏ hàng sản phẩm luôn đa dạng.

Dàn nghệ sĩ có tên tuổi trong gameshow cũng là yếu tố hấp dẫn người xem. Ảnh: Bee Comm

Theo ông Trần Đình Phương, Giám đốc sản xuất Công ty truyền thông Bee, sau khi mở cửa trở lại, người dân thích dịch chuyển nhiều hơn, vì vậy mà các chương trình truyền hình thực tế rất được yêu thích. Các format gameshow có nội dung như khám phá địa điểm, văn hóa, vận động trường… thu hút sự quan tâm của khán giả. Người xem cũng chủ động tìm kiếm các kênh giải trí qua kênh online hơn là truyền hình truyền thống.

“Qua nhiều năm sản xuất các chương trình truyền hình, chúng tôi nhận thấy các chương trình liên quan tới âm nhạc luôn có vị trí nhất định trong lòng công chúng. Hiện tại, các chương trình này đang trở lại mạnh mẽ với nhiều hình thức khác nhau để phù hợp xu thế. Bắt được tần số đó, Bee đã có sự chuyển mình nhất định”, ông Phương nói.

Nếu trước đây các chương trình âm nhạc phải được tổ chức trong nhà hát, studio khép kín… thì nay chúng được mang ra ngoài trời, tạo được sự tương tác giữa ca sĩ và khán giả, đem lại không gian âm nhạc với màu sắc trẻ trung, tươi mới. Tại Bee, chương trình Không gian cảm xúc ghi hình ngoài trời với sự góp mặt của những giọng ca trẻ. Dự kiến ở mùa thứ hai, Không gian cảm xúc sẽ được quay tại các địa điểm du lịch nổi tiếng, kết hợp giữa âm nhạc và du lịch, dùng âm nhạc để quảng bá du lịch và văn hóa địa phương.

Phim từ Ấn Độ đang thu hút người xem ở kênh Today TV. Ảnh: Tư liệu

Lý giải hiện tượng chương trình Ca sĩ mặt nạ, 2 ngày 1 đêm đang làm mưa làm gió giữa thời điểm này, đại diện tập đoàn truyền thông IMC cho rằng sự thành công của nó do bản gốc đã quá nổi tiếng. Việc Việt hóa bản gốc khi về đây đã gây hiệu ứng tò mò cho các khán giả vốn là những người hâm mộ chương trình này.

Đơn vị tại Việt Nam thực hiện sản xuất đã đầu tư về mọi mặt, đáp ứng được nhu cầu giải trí cho khán giả cùng với sự tham gia của nhân vật giải trí, dàn sao đang nổi tiếng hiện nay. “Tất cả điều kiện cộng hưởng đã tạo nên độ thịnh hành lớn cho hai chương trình tại Việt Nam như bây giờ”, vị này chia sẻ.

Đại diện IMC cũng đồng tình về nhận định xu hướng người xem phim truyện đang đi lên, vì theo vị này, các khung giờ vàng của IMC vẫn giữ được mức rating ổn định, kênh Today TV vẫn có được lưu lượng khán giả theo dõi trung thành trên toàn quốc. Chủ yếu khán giả thích xem các bộ phim truyền hình từ các nước như Thái Lan, Ấn Độ, Philippines, Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam, điển hình như Cô dâu 8 tuổi mùa 2, Ngược dòng thời gian để yêu anh… Trong giai đoạn sắp tới, năm 2023, IMC sẽ sản xuất thêm các gameshow tự thực hiện nội dung, cũng như chọn lọc mua các format từ nước ngoài và ghi hình phát sóng.

Tóm lại, các gameshow Việt không còn trong thời kỳ huy hoàng, vị trí đã nhường lại cho thể loại khác khi lượng người xem giảm đáng kể, từ 20-30%, đồng thời các nhà tài trợ, lượng quảng cáo cũng giảm so với lúc trước. Tuy nhiên, có thể thấy đây chính là thời điểm các nhà sản xuất đang ấp ủ và chờ đợi lần quay trở lại với các format gameshow chất lượng hơn, có diện mạo sáng tạo hơn, phù hợp với khẩu vị của người xem.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới