Thứ năm, 23/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Khan hiếm đô la Mỹ cản trở thương mại của các nền kinh tế đang phát triển

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Đồng đô la Mỹ đóng vai trò huyết mạch của thương mại toàn cầu, vì vậy, nguồn cung đô la khan hiếm ở các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi đang đe dọa thương mại và làm tăng chi phí nợ của họ.

Nguồn cung đô la cạn kiệt khiến nhiều nền kinh tế mới nổi và đang phát triển đối mặt hàng loạt khó khăn từ chi phí gia tăng, đồng nội tệ mất giá cho đến căng thẳng nợ nần. Ảnh: Reuters

Pakistan chìm sâu trong vòng xoáy khủng hoảng kinh tế năm nay, với nguồn đô la dự trữ cạn kiệt. Trước tình thế đó, Wilson Muthaura, CEO của hợp tác xã sản xuất chè KTDA ở Kenya, đã hối thúc chính phủ Pakistan đưa loại chè sản xuất cách đó 3.400 dặm vào danh sách các mặt hàng thiết yếu. Các thương nhân ở Pakistan sẽ được ưu tiên tiếp cận với nguồn cung đô la Mỹ nếu nhập khẩu những mặt hàng thiết yếu.

Hành động của Muthaura phản ánh sự lo ngại trước tình trạng khan hiếm của đồng bạc xanh trên khắp các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi (EMDE). Vấn đề này đang cản trở thương mại và gây áp lực lên đồng nội tệ và khoản nợ chủ quyền của các EMDE. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính khoảng 25% EMDE đã mất khả năng tiếp cận thị trường trái phiếu quốc tế, một nguồn cung ngoại tệ mạnh cần thiết để thanh toán nhập khẩu cho dầu mỏ và các mặt hàng hóa thiết yếu như thực phẩm.

WB đã giảm một nửa dự báo tăng trưởng đối với một số nền kinh tế dễ tổn thương do siết chặt tín dụng, hệ quả của cuộc chạy đua tích trữ đô la khi hàng loạt nước tăng lãi suất để chống lạm phát bắt đầu từ năm ngoái.

Charlie Robertson, người đứng đầu bộ phận chiến lược vĩ mô của Công ty quả lý tài sản FIM Partners ở London, cho biết các EMDE đang thiếu nguồn cung cũng có khả năng chứng kiến đầu tư trực tiếp nước ngoài bị hạn chế.

Pakistan là thị trường lớn nhất của KTDA, hợp tác xã sản xuất 60% sản lượng chè của Kenya. Nếu không nhận được đô la từ các khách hàng ở Pakistan, hợp tác xã này sẽ phải vật lộn để thanh toán các chi phí.

“Chúng tôi thực sự bị ảnh hưởng”, Muthaura nói, giải thích rằng KTDA phải thuê thêm không gian nhà kho sau khi doanh số bán hàng sụt giảm. Xuất khẩu chè của Kenya, mặt hàng xuất khẩu chính của nước này, giảm 1/5 so với năm ngoái.

Nỗ lực vận động chính phủ Pakistan đưa chè vào danh mục hàng thiết yếu đã thành công nhưng KTDA đang chứng kiến những căng thẳng tương tự đang nổi lên ở Ai Cập, thị trường lớn thứ hai của hợp tác xã này. Ai Cập đã ba lần phá giá đồng nội tệ, làm dấy lên lo ngại về khả năng trả nợ bằng đô la của Cairo.

Lãi suất toàn cầu tăng đột biến đã đẩy Sri Lanka và Ghana vào tình trạng vỡ nợ. Trong khi đó, Tunisia, một đất nước ở Bắc Phi đang căng thẳng vì nợ nần và bất ổn xã hội. Nigeria có thể phải chi ít nhất một nửa nguồn thu của chính phủ cho các khoản thanh toán lãi. Tại Kenya, gần đây, công chức bị nợ lương do chi phí trả nợ của chính phủ quá lớn, lên tới hơn 5 tỉ đô la mỗi năm từ mức 1,34 tỉ đô la cách đây một thập niên.

David Willacy, nhà giao dịch ngoại hối của Công ty môi giới StoneX ở London, cho biết: “Các nền kinh tế cận biên đang tổn thương khi chi phí nhập khẩu gia tăng do các điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt và xu hướng tìm nơi trú ẩn ở tài sản an toàn nói chung”.

Đô la Mỹ vẫn tiếp tục thống trị thương mại toàn cầu dù tỷ trọng của nó với tư cách là đồng tiền dự trữ toàn cầu giảm xuống còn 59% so với 70% vào 10 năm trước đó. Vì chấp nhận rộng rãi và có giá trị, đồng bạc xanh vẫn được người dân bình thường ở các nước đang phát triển ưa chuộng.

Sự xuất hiện của tỷ giá hối đoái song song hoặc thị trường không chính thức để mua bán đô la và các loại tiền tệ chính khác thường là dấu hiệu sớm cho thấy một nước đang gặp vấn đề.

“Nếu muốn có đô la, tôi phải mua ở chợ đen, vốn đắt đỏ. Arouluwa Ojo, một sinh viên ở thủ đô Lagos của Nigeria đang tham gia các lớp học trực tuyến với một trường đại học ở Anh, nói.

Nigeria, nền kinh tế lớn nhất của châu Phi, là nhà xuất khẩu dầu lớn và bán dầu thô được định giá bằng đô la. Nhưng nước này phải nhập khẩu nhiên liệu do thiếu công suất lọc dầu, khiến nguồn cung đô la bị thắt chặt.

Các cuộc khủng hoảng lặp đi lặp lại ở Argentina khiến tỷ giá hối đoái song song duy trì ở nước này trong nhiều năm. Trong khi đó, ở Cuba và Venezuela, sự kết hợp giữa các khó khăn kinh tế và lệnh trừng phạt của Mỹ khiến đồng nội tệ của họ mất giá, dẫn đến nhu cầu sử dụng đô la hoặc euro để mua hàng hóa từ thuốc men đến thịt tăng cao.

Với ngành du lịch, nơi mang lại nguồn thu ngoại tệ lớn của Cuba, vẫn đang phục hồi sau đại dịch, nhiều người dân Cuba không thể tiếp cận được các đồng tiền mạnh. Điều này thúc đẩy một cuộc di cư kỷ lục của người dân Cuba đến Mỹ trong năm qua.

Công ty cung cấp bảo hiểm rủi ro chính trị Chaucer ước tính rằng 91 trong số 142 nước mà công ty này theo dõi chứng kiến dự trữ ngoại hối của họ giảm trong 12 tháng qua. Hơn 1/3 trong số này có tỷ lệ dự trữ ngoại hối giảm 10%.

Lượng dự trữ ngoại hối của Bolivia sụt giảm khoảng 70%, khiến người dân rồng rắn xếp hàng tại các ngân hàng và cửa hàng thu đổi ngoại tệ khi một số tiểu thương ngừng chấp nhận nội tệ.

Các nước như Sri Lanka, Lebanon, Pakistan, Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ đã áp đặt các biện pháp kiểm soát vốn. Trong khi đó, Ethiopia, nơi vấn đề trở nên trầm trọng hơn do nội chiến, đã cấm nhập khẩu hàng chục loại hàng hóa, bao gồm cả ô tô. Mục đích là để tiết kiệm đô la cho hoạt động nhập khẩu thực phẩm và nhiên liệu.

Ngân hàng JPMorgan ước tính có 21 nước với tổng nợ quốc tế trị giá 240 tỉ đô la hiện đang mất khả năng tiếp cận thị trường vốn quốc tế.

Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho biết, gần đây, IMF nhận được nhiều yêu cầu các khoản vay giải cứu hơn.

Ở châu Phi, nơi các điều kiện tài chính khó khăn có liên quan đến các khoản vay ở IMF, một số nước cảnh giác khi dựa vào tổ chức này. Các nhà chính trị gồm Tổng thống Kenya, William Ruto đang kêu gọi xây dựng một hệ thống thanh toán thương mại sử dụng đồng nội tệ.

“Tại sao chúng ta lại mang đô la vào các giao dịch của mình”, Ruto nói và đổ lỗi việc sử dụng đồng đô la gây ra tắc nghẽn thương mại.

Argentina cho biết sẽ thanh toán hàng nhập khẩu của Trung Quốc bằng đồng nhân dân tệ. Nhưng các biện pháp kiểm soát dòng vốn nghiêm ngặt của Trung Quốc và nguồn vốn khổng lồ của thị trường tài chính Mỹ, có nghĩa là đồng nhân dân tệ khó có thể sớm thách thức đồng đô la với tư cách là một thế lực toàn cầu.

Theo Reuters

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới