(KTSG) - Ấn Độ vừa vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới. Điều này được dự báo sẽ mang lại cả những cơ hội và thách thức cho nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới.
Trong nỗ lực vươn lên để thực hiện ước mơ trở thành cường quốc hàng đầu thế giới, Ấn Độ vừa đạt được một cột mốc quan trọng - trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới. Các số liệu vừa được Liên hiệp quốc công bố hôm thứ Tư tuần trước cho thấy, dân số Ấn Độ đã vượt mức 1,428 tỉ người - cao hơn một chút so với con số 1,425 tỉ người của Trung Quốc đại lục.
Lợi tức nhân khẩu học
“Lợi tức nhân khẩu học” đã trở thành một từ thông dụng trong những diễn ngôn về một Ấn Độ đang hồi sinh mạnh mẽ trong những năm gần đây. Nó thể hiện niềm tin vào lực lượng thanh niên khổng lồ của Ấn Độ - những người được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới tiến về phía trước bằng năng lượng dồi dào và sự hăng hái của mình. Theo một báo cáo mới của Quỹ Dân số Liên hiệp quốc, 25% dân số Ấn Độ nằm trong độ tuổi từ 0-14, 68% nằm trong độ tuổi từ 15-16 và chỉ 7% nằm trong độ tuổi trên 65.
Việc có tới 68% dân số nằm trong độ tuổi lao động hoặc có thể lao động, chắc chắn là một lợi tức nhân khẩu học lớn, khi mà rất nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới đang gặp khó khăn với tình trạng dân số già, khiến số lượng người có thể lao động sụt giảm. Trung Quốc - nước đã trở thành công xưởng của thế giới nhờ lợi thế đáng kể từ dân số trẻ, giờ đây cũng đang đối mặt với thách thức lớn khi tình trạng già hóa dân số ảnh hưởng đến hoạt động của nền kinh tế, và làm gia tăng gánh nặng phúc lợi xã hội.
Nhà kinh tế Ấn Độ Shruti Rajagopalan tin tưởng thế hệ thanh niên Ấn Độ này sẽ là nguồn lao động và nhóm người tiêu dùng lớn nhất trong nền kinh tế.
Theo một báo cáo hồi năm ngoái của Liên đoàn Các ngành công nghiệp Ấn Độ (CII), lợi tức nhân khẩu học có thể thúc đẩy tăng trưởng GDP của nước này từ mức 3.000 tỉ đô la Mỹ hiện nay lên 9.000 tỉ đô la vào năm 2030 và 40.000 tỉ đô la vào năm 2047.
Điều này có nghĩa là giai đoạn 2020-2050 sẽ là cơ hội để Ấn Độ khai thác lợi tức nhân khẩu học của mình. Nhờ nguồn lao động đông đảo và có chi phí rẻ hơn so với Trung Quốc, Ấn Độ có thể tận dụng lợi thế dân số của mình để thu hút các doanh nghiệp lớn từ các quốc gia phương Tây từng chọn Trung Quốc làm nơi thiết lập cơ sở sản xuất.
New York Times cũng đánh giá, những tiềm năng mà lợi tức nhân khẩu học mang lại là rất hứa hẹn. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo Ấn Độ sẽ là nền kinh tế lớn tăng trưởng nhah nhất trong năm nay, với mức tăng 6,3%. Các tập đoàn toàn cầu đều coi Ấn Độ là một thị trường khổng lồ.
Những rào cản lớn từ nhân khẩu học
Tuy nhiên, việc tận dụng lợi tức nhân khẩu học không dễ dàng như vậy trong bối cảnh giới trẻ Ấn Độ đang gặp ngày càng nhiều khó khăn hơn khi tìm kiếm việc làm.
Phần lớn dân số trẻ của Ấn Độ hiện không thể tìm được công việc ưng ý, hoặc phải chấp nhận những mức lương thấp. Chỉ cần kiếm được 300 đô la/tháng là một người lao động đã có thể lọt vào nhóm 10% những người có thu nhập cao nhất tại Ấn Độ. Ngay cả khi tỷ lệ nghèo đói cùng cực đã giảm mạnh, vẫn có tới một phần ba trẻ em Ấn Độ vẫn bị suy dinh dưỡng.
Thất nghiệp không chỉ tạo ra căng thẳng kinh tế, mà còn làm trầm trọng thêm các vấn đề xã hội khi một lượng lớn người trong độ tuổi lao động tranh giành các nguồn lực hạn chế theo nhiều cách khác nhau. BBC lưu ý rằng “số lượng lao động trẻ khổng lồ không chỉ mang lại lợi ích cho nền kinh tế Ấn Độ, mà cũng là thách thức lớn nhất: làm sao tạo đủ việc làm cho họ”.
Nguyên nhân chính dẫn đến việc thanh niên Ấn Độ gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm là sự thiếu hụt đào tạo giáo dục và các kỹ năng cần thiết. Một báo cáo gần đây của Bloomberg cho thấy những tấm “bằng cấp vô giá trị” đang tạo ra một thế hệ thất nghiệp ở Ấn Độ khi hàng ngàn thanh niên tốt nghiệp tại các trường đại học với những kỹ năng hạn chế hoặc thậm chí không có kỹ năng.
Theo báo cáo của CII, tỷ lệ lao động có kỹ năng chính thức trên tổng lực lượng lao động tại Ấn Độ chỉ là vỏn vẹn 3% trong năm ngoái, trong khi con số này tại các nền kinh tế lớn khác lần lượt là 24% (Trung Quốc), 52% (Mỹ), 68% (Anh) và 80% (Nhật Bản).
Một thách thức khác đối với dân số khổng lồ của Ấn Độ là sự nghèo nàn trong thành phần tham gia lực lượng lao động, đặc biệt là với phụ nữ. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ Ấn Độ đã suy giảm trong suốt một thời gian dài, rơi xuống mức 19% trong năm 2021, và thấp hơn mức trung bình của thế giới là 25,1%.
Trung tâm Giám sát kinh tế Ấn Độ (CMIE), nơi sử dụng định nghĩa chặt chẽ hơn về việc làm, thậm chí còn cho biết trong năm ngoái chỉ 10% phụ nữ Ấn Độ trong độ tuổi lao động được tuyển dụng hoặc đang tìm kiếm việc làm.
Sự cần thiết định hình lại chiến lược phát triển
Tờ New York Times nhận định, mặc dù có một nền kinh tế đang bùng nổ mạnh mẽ, Ấn Độ vẫn chưa xây dựng mô hình “tăng trưởng chuyển đổi thông qua sản xuất định hướng xuất khẩu” - yếu tố đã biến một quốc gia châu Á khác là Trung Quốc trở thành cường quốc hàng đầu về kinh tế.
Các nhà kinh tế cho rằng, để trở nên giàu có như Trung Quốc, Ấn Độ cần phải chuyển đổi triệt để mô hình phát triển của mình - làm bất cứ điều gì cần thiết để trở thành một trung tâm sản xuất toàn cầu hóa - hoặc đưa ra một công thức của riêng mình.
New Delhi hiện đang cố gắng học theo mô hình của Bắc Kinh, bằng việc thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng, đầu tư mạnh vào đường cao tốc, đường sắt và sân bay để cải thiện chuỗi cung ứng và kết nối.
Đối với thị trường lao động, Ấn Độ đang cố gắng giảm thiểu nguy cơ khủng hoảng thất nghiệp có thể đảm bảo được những lợi tức nhân khẩu học. Poonam Muttreja, Giám đốc điều hành của Tổ chức Dân số Ấn Độ cho biết: “Những người trẻ tuổi có tiềm năng to lớn để đóng góp cho nền kinh tế. Nhưng để họ làm được điều đó đòi hỏi đất nước phải đầu tư không chỉ vào giáo dục mà còn cả sức khỏe, dinh dưỡng và kỹ năng để có việc làm”.
Nguồn: New York Times, AP, The Week, The Economic Times, BBC, Times of India, Bloomberg