Thứ năm, 12/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Khi càng xuất siêu thì càng nhập siêu

Tuệ Nhiên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Cán cân thương mại hàng hóa tổng thể của Việt Nam tiếp tục ghi nhận thặng dư lớn trong chín tháng đầu năm 2024, nhưng nếu xét theo đối tác thương mại, giá trị nhập siêu từ Trung Quốc đã tăng vọt 70,1% lên đến 61,4 tỉ đô la Mỹ. Điều gì đã gây ra tình trạng này và hệ quả có thể là gì?

Bốc dỡ hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng Đồng Nai. Ảnh: TTXVN

Mất cân bằng

Sau khi đạt mức thặng dư kỷ lục 4,05 tỉ đô la Mỹ trong tháng 8, cán cân thương mại hàng hóa tháng 9 tiếp tục ghi nhận xuất siêu 2,29 tỉ đô la Mỹ, nâng mức xuất siêu lũy kế chín tháng đầu năm nay lên 20,79 tỉ đô la Mỹ, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê công bố gần đây. Tuy nhiên, mức xuất siêu chín tháng đầu năm nay vẫn thấp hơn mức xuất siêu 22,1 tỉ đô la của cùng kỳ chín tháng đầu năm 2023. Sự thu hẹp mức xuất siêu đến từ việc tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa chín tháng qua chỉ tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 17,3% của nhập khẩu.

Ngoài ra, trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tiếp tục chứng kiến xuất siêu tăng lên 38,17 tỉ đô la, khu vực kinh tế trong nước ngược lại vẫn đang ghi nhận nhập siêu 17,38 tỉ đô la, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy hoạt động thương mại của Việt Nam vẫn phụ thuộc rất lớn vào nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Đặc biệt, xét theo phân khúc thị trường, trong khi các thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam đều ghi nhận tăng trưởng (như Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam có kim ngạch hai chiều ước đạt 89,4 tỉ đô la, nâng giá trị xuất siêu của Việt Nam sang Mỹ trong chín tháng đầu năm nay ước đạt 78,5 tỉ đô la, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang EU ước đạt 25,9 tỉ đô la, tăng 20,8%; xuất siêu sang Nhật Bản ước đạt 1,9 tỉ đô la, tăng 28,8%) thì ngược lại, Việt Nam chứng kiến nhập siêu tăng mạnh từ các thị trường nhập khẩu lớn trong chín tháng qua.

Cụ thể, Trung Quốc - thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam có kim ngạch hai chiều ước đạt 105 tỉ đô la, khiến Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc lên đến 61,4 tỉ đô la, tăng vọt 70,1%. Trong khi đó, các thị trường khác dù cũng tăng nhưng chỉ ở mức tương đối, như nhập siêu từ Hàn Quốc 22,6 tỉ đô la, tăng 9,2%; nhập siêu từ ASEAN 6,2 tỉ đô la, tăng 9,3%.

Chênh lệch giữa xuất siêu sang Mỹ và nhập siêu từ Trung Quốc là 17,1 tỉ đô la, nhưng cũng cần lưu ý có nhiều mặt hàng nhập khẩu qua đường phi chính thức từ nước láng giềng không nằm trong con số thống kê.

Tình trạng nhập siêu tăng vọt từ Trung Quốc là diễn biến đáng lo ngại, cho thấy bức tranh thương mại hàng hóa của Việt Nam đang có sự mất cân bằng rất lớn giữa các đối tác thương mại chính.

Giai đoạn này năm 2023, cả tổng kim ngạch xuất khẩu lẫn nhập khẩu đều suy giảm, theo đó xuất siêu sang Mỹ chín tháng đầu năm 2023 ước đạt 60,7 tỉ đô la, giảm 18% so với cùng kỳ năm trước, trong khi nhập siêu từ Trung Quốc 36,9 tỉ đô la, giảm đến 26,6%. Chênh lệch giữa xuất siêu sang Mỹ và nhập siêu từ Trung Quốc khi đó lên đến 23,8 tỉ đô la, cao hơn 39% so với con số chín tháng đầu năm nay.

Tình trạng nhập siêu tăng vọt từ Trung Quốc là diễn biến đáng lo ngại, cho thấy bức tranh thương mại hàng hóa của Việt Nam đang có sự mất cân bằng rất lớn giữa các đối tác thương mại chính.

Hệ lụy khó lường

Thật ra không chỉ Việt Nam mà nhiều nước khác cũng đang phải đối mặt với tình trạng hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc nhập vào ồ ạt, khi nền kinh tế số 2 thế giới này đang trong giai đoạn dư thừa công suất và phải tìm cách xuất sang các nước khác. Giới kinh tế thời gian qua liên tục bày tỏ lo ngại rằng tình trạng sản xuất dư thừa hàng hóa giá thấp của Trung Quốc gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu.

Trung Quốc, sau ba năm phải phòng, chống đại dịch Covid-19 nghiêm ngặt và khắt khe, năm 2023 đã chứng kiến các chính sách này dần được nới lỏng và sau đó mở cửa hoàn toàn. Các hoạt động sản xuất đã được nhiều doanh nghiệp nước này thúc đẩy mở rộng và tăng trưởng mạnh mẽ, để bù đắp cho giai đoạn trì trệ trước đó. Cùng với nhiều giải pháp kích cầu và tạo động lực mới, các doanh nghiệp Trung Quốc càng có điều kiện để đẩy mạnh đầu tư và mở rộng các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Với xu hướng thương mại điện tử ngày càng phổ biến, hàng giá rẻ từ Trung Quốc càng có nhiều cơ hội và điều kiện thuận lợi để đến tay người tiêu dùng ở khắp mọi nơi. Các nền tảng thương mại điện tử của Trung Quốc, từ Lazada, TikTok Shop, Taobao, Alibaba đến Temu… lần lượt đổ bộ vào nhiều quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng, tạo ra cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa hàng Trung Quốc và hàng của các doanh nghiệp bản địa.

Hệ quả là nhiều doanh nghiệp bản địa của các nước đang bị đe dọa trực tiếp, trong khi giới phân tích cũng cho rằng tình trạng dư thừa công suất ở Trung Quốc có thể dẫn tới mất cân đối và gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, thậm chí dẫn tới những cuộc chiến tranh thương mại mới. Từ ngày 27-9-2024, Mỹ đã tăng thuế lên 100% đối với xe điện, 50% đối với pin mặt trời và 25% đối với pin xe điện, thép, nhôm, khẩu trang và một số sản phẩm khác của Trung Quốc. Nhiều mặt hàng khác cũng sẽ bị tăng thuế trong hai năm tới. Đây là biện pháp tiếp theo trong cuộc chiến thương mại mà Mỹ đã phát động từ năm 2018 đến nay.

Trong khi đó, để đối phó với hàng hóa từ Trung Quốc thâm nhập qua các nền tảng thương mại điện tử, nhiều nước trong khu vực đã tìm cách lập ra hàng rào ngăn cản hoặc hạn chế bằng các sắc thuế. Từ tháng 5 năm nay, Thái Lan áp dụng thuế giá trị gia tăng (VAT) 7% đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị dưới 1.500 baht. Trước đó, từ tháng 1 năm nay, Malaysia đã áp dụng thuế bán hàng 10% đối với hàng hóa nhập khẩu được mua trực tuyến với giá dưới 500 ringgit. Indonesia cũng có kế hoạch áp thuế nhập khẩu lên tới 200% đối với nhiều loại hàng hóa trang phục và đồ điện tử để hạn chế hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc.

Với Việt Nam, tình trạng nhập siêu từ Trung Quốc tăng vọt có thể còn là hệ quả của xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư và các cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang trong những năm gần đây, sau khi Mỹ áp thuế đối với hàng Trung Quốc. Theo đó, không loại trừ khả năng nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang tận dụng Việt Nam như là quốc gia trung chuyển để xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ nhằm lách các hàng rào thuế quan thương mại mà Mỹ đã dựng lên đối với hàng hóa từ Trung Quốc.

Đây là vấn đề lo ngại lớn nhất, vì nếu tình trạng này kéo dài, cán cân thương mại giữa Việt Nam với hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này sẽ ngày càng trở nên mất cân bằng. Khi đó, một hệ lụy tiềm ẩn là Việt Nam có thể rơi vào tầm ngắm áp thuế từ phía Mỹ, đặc biệt trong trường hợp ông Donald Trump - người có khuynh hướng đánh thuế vào những quốc gia mà Mỹ chịu thâm hụt thương mại lớn, đắc cử tổng thống trong kỳ bầu cử sắp diễn ra.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới