Thứ sáu, 13/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Khi CEO trở thành những “bệnh nhân đặc biệt”

Hồ Nguyên Thảo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) Tổng giám đốc điều hành (CEO) hay những nhà quản lý cấp cao trong doanh nghiệp cũng là những người cần được chăm sóc và chữa lành về tinh thần trong mùa dịch là một thực tế nhưng thường bị… bỏ quên.

Số liệu ghi nhận toàn cầu trong hai năm qua cho thấy cấp quản lý doanh nghiệp tham gia điều trị tâm lý gia tăng và tình trạng này cũng được ghi nhận tại Việt Nam. Những “bệnh nhân đặc biệt” này đang giữ trong tay vận mệnh của doanh nghiệp và hàng trăm ngàn người lao động cùng gia đình của họ.

Nhà máy chế biến cá ba sa của Cỏ May.

Hơn 90.000 doanh nghiệp Việt Nam đã biến mất trong chín tháng đầu năm 2021. Điều này cũng đồng nghĩa rằng lượng rất lớn nhân sự cấp cao đã và đang chịu ít nhiều ảnh hưởng tâm lý tiêu cực.

Vậy doanh nghiệp tại Việt Nam xử lý các tình huống căng thẳng suốt thời gian qua như thế nào? Và liệu doanh nghiệp Việt hướng tới xây dựng các chương trình chăm sóc sức khỏe tinh thần thành nét riêng, văn hóa của doanh nghiệp?

Ai cũng đầy thương tích

Đầu tháng 8 vừa qua, một số công nhân của nhà máy gạo Cỏ May ở Châu Thành, Đồng Tháp sau khi tiêm vaccine xong thì trốn về nhà với gia đình. Vài ngày sau, một phần ba trong cả trăm nhân viên trong nhà máy khăn gói lên xe đi cách ly tập trung. Nhà máy đóng cửa, còn vài trăm tấn nguyên liệu, vài trăm tấn cám trong kho chưa kịp xử lý, xem như thua chắc. Nhưng Cỏ May thì bị tiếng đời chê trách là “ham tiền, hám lợi”.

“Làm sao chúng tôi có thể ngăn được công nhân. Người lao động vì không quen sinh hoạt ở nhà máy, phần chính là nhớ nhà và lo lắng cho người thân ở ngoài, khi mà dịch mỗi ngày mỗi nguy. Nếu ở trong hoàn cảnh như vậy, chúng ta khác họ chăng?”, Phạm Minh Thiện, Tổng giám đốc Công ty TNHH Cỏ May, kể lại giai đoạn “3 tại chỗ”.

“Ai làm doanh nghiệp trong giai đoạn này mới thấu!”, Thiện nói.

Thành phố Sa Đéc cùng với huyện Lai Vung và Châu Thành - nơi có các nhà máy của Cỏ May - trở thành tâm dịch của miền Tây và của cả nước với hơn 4.000 ca nhiễm thời điểm đó. Tin xấu đổ dồn về, từ Cỏ May Imexco, đến Cỏ May gạo, đến Cỏ May Sài Gòn với các nhân viên bị nhiễm và F1 lên đến hàng trăm ca… “Cỏ May chúng ta như những chiến binh đầy thương tích trên người!”, Thiện viết trong thư gửi nhân viên các nơi.

Đó là thời điểm của sự tuyệt vọng. “Cảm giác bây giờ giống như kiểu ngồi chờ đến lượt mình vậy”, Thiện kể khi nhắc đến tin hơn 85.000 công ty phá sản tính đến thời điểm giữa tháng 8 - lúc Cỏ May gặp nạn.

Thiện giải tỏa căng thẳng, áp lực tinh thần tích tụ từ đầu tháng 7 bằng cách bớt việc thì hát karaoke rồi live stream hay đi xông hơi cho nhẹ người và đuổi “cô Vy”.

Doanh nhân Việt “mình đồng da sắt”?

Câu chuyện của Cỏ May và Phạm Minh Thiện không phải là quá cá biệt trong mùa dịch thứ 4 đang dần lắng xuống này. Các nhân sự quản lý cấp cao và giám đốc điều hành của những công ty đã biến mất khỏi thị trường và cả chủ những doanh nghiệp còn tồn tại, hoạt động tốt vẫn đang chịu nhiều sang chấn tâm lý. Nói như ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Vinamit: “Thậm chí là ngay bản thân chủ doanh nghiệp sau hậu Covid-19, cảm giác tiêu cực đang xâm lấn tâm trí”.

Và đó cũng không phải là câu chuyện riêng ở Việt Nam.

Tại Thái Lan, hàng loạt hướng dẫn viên và chủ hãng lữ hành đã tự tử vì mất việc làm, doanh nghiệp phá sản, nhà cửa cầm cố. Hàn Quốc có đến 7 triệu chủ các doanh nghiệp siêu nhỏ, kiểu vừa làm chủ vừa làm công ở tiệm ăn nhỏ, quán ven đường, quán karaoke, quán billiards… Những biện pháp hà khắc cấm tụ tập quá hai người, đóng cửa trước 9 giờ tối… đã khiến đến 450.000 người phá sản từ đầu dịch đến nay.

Dù chính phủ các nước đã có nhiều đợt trợ cấp, nhưng làn sóng phá sản, chán chường và quyên sinh của các chủ doanh nghiệp nhỏ vẫn một dâng cao.

Liệu doanh nhân Việt là những chiến binh bất bại? Số liệu các công ty phá sản đã rõ, nhưng Việt Nam chưa có các khảo sát hay bất cứ thống kê nào về sức khỏe tâm lý của CEO. Các dịch vụ hỗ trợ và phòng khám tâm lý tại TPHCM ghi nhận sự gia tăng đáng kể “các bệnh nhân đặc biệt”.

Nhà tâm lý lâm sàng Phan Trịnh Hoàng Dạ Thi thuộc Human Dynamic Group cho biết có sự gia tăng số nhân viên có các vấn đề về sức khỏe tinh thần như căng thẳng, lo lắng và rối loạn tâm lý như rối loạn hoảng sợ, trầm cảm và rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD)… trong đợt dịch thứ 4, khi phải làm quen với môi trường làm việc mới như trực tuyến hay “3 tại chỗ”.

“Tần suất sử dụng phiên tham vấn tâm lý trong dịch vụ Work Life Coaching của khách hàng tại Human Dynamic Group đã tăng ba lần so với trước dịch. Đây là dấu hiệu tốt cho thấy sự sẵn sàng chăm lo sức khỏe tinh thần cho nhân viên, từ cấp thấp đến cấp cao của các doanh nghiệp. Nhưng cũng cho thấy mức độ tổn thương tâm lý như thế nào”, bà Dạ Thi cho biết.

Covid làm thay đổi văn hóa doanh nghiệp

Nhà tâm lý lâm sàng Astrid Matarrita thuộc Saigon Psychology & Co cũng ghi nhận căng thẳng tâm lý gia tăng mạnh ở cấp lãnh đạo công ty trong đợt dịch rồi. “Đó là hệ quả của việc cố gắng cân bằng giữa năng suất hoặc những bất ổn trong công ty do ảnh hưởng của dịch. Cùng lúc đó, cấp lãnh đạo gặp áp lực trách nhiệm với nhân viên và chính mình. Càng nhận ra khả năng thăng tiến cá nhân, cấp lãnh đạo càng gặp áp lực”, bà Astrid Matarrita nói.

Covid-19 thực sự đã làm thay đổi văn hóa doanh nghiệp và đặt ra một thách thức cho cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam, cũng như các công ty đa quốc gia đang hoạt động tại thành phố. “Bởi nhà lãnh đạo chịu trách nhiệm cho sự tồn vong và phát triển của doanh nghiệp nên áp lực của họ càng lớn.

Ở vị trí càng cao, họ càng phải giỏi kiểm soát cảm xúc cá nhân, tự cân bằng áp lực công việc và cuộc sống. Đặc biệt nhà lãnh đạo cần quan tâm đến khoảng thời gian dành riêng cho cá nhân, tự chăm sóc bản thân, loại bỏ các triệu chứng mệt mỏi và mất ngủ”, bà Dạ Thi nói.

Nhưng một khi quản lý cấp cao hay CEO không thể nhận ra và tự giải quyết thì bộ phận nhân sự hay cấp cao hơn phải dành sự quan tâm đặc biệt. Bà Dạ Thi cho biết các tập đoàn lớn của nước ngoài rất coi trọng việc này. “Bạn có vẻ không ổn. Hay là có thể nghỉ phép vài ngày rồi trở lại. Đó là câu hỏi thường xuyên ở các tập đoàn nước ngoài”, bà nói và kể lại hai mẩu chuyện nhỏ.

Đầu tiên là nữ CEO của tập đoàn H. của Anh có chi nhánh tại Việt Nam. Vị sếp tổng nhận ra CEO người Việt có vẻ mất không tập trung công việc, ông đề nghị cô nghỉ vài ngày và liên lạc với dịch vụ Work Life Coaching của Human Dynamic Group mà tập đoàn mua trọn gói cho nhân viên và người thân trên toàn cầu. Sau trao đổi, chuyên viên tâm lý hiểu được vấn đề căng thẳng có liên quan đến việc ba mẹ cô đều mắc ung thư, nhưng mẹ cô từ chối điều trị. Nhà tâm lý đã trực tiếp hỗ trợ tâm lý cho ba mẹ cô và giúp cô giải tỏa những căng thẳng hiện tại và quay lại với công việc.

Hoặc lãnh đạo tập đoàn I. yêu cầu anh A - một kỹ sư giỏi hiện đứng đầu nhóm nghiên cứu vùng Đông Nam Á - gọi tổng đài 24/7 của Human Dynamic Group để được hỗ trợ khi thấy gần đây anh thường xuyên uể oải và hiệu suất giảm rõ rệt. Nhà tâm lý lâm sàng chẩn đoán anh mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) khiến anh không ngừng khóa cửa và kiểm tra từ 8 giờ tối đến 2 giờ sáng, ảnh hưởng giấc ngủ. Hiện tượng này cũng xảy ra khi anh mất hai tiếng đồng hồ để kiểm tra một việc trước đây anh chỉ mất 10 phút để hoàn thành.

“Điều quan trọng là cấp lãnh đạo hiểu được ảnh hưởng của sức khỏe tinh thần đến công việc và cuộc sống, khuyến khích nhân viên liên hệ nhà tâm lý để được hỗ trợ”, bà Dạ Thi nói.

Các doanh nghiệp Việt thường chỉ tập trung mời chuyên gia tâm lý đến trò chuyện với đông đảo nhân viên. Điều này cần nhưng chưa đủ vì mỗi cá nhân sẽ gặp những vấn đề rất khác nhau và cần sự hỗ trợ 1-1.

“Nhưng đây lại là bước đầu để doanh nghiệp Việt làm quen và tiến xa hơn trong việc sử dụng các giải pháp tích hợp giữa nói chuyện chuyên đề, chương trình đào tạo và tư vấn cá nhân. Chúng ta không chỉ chú ý hỗ trợ nhân viên mà còn hướng đến người thân của họ. Khi đó công ty đã có được văn hóa doanh nghiệp mới - văn hóa hỗ trợ”, nhà tâm lý lâm sàng kết luận.

2 BÌNH LUẬN

  1. Có gan mới làm giàu. Giàu chưa chắc phải là CEO. Như vậy CEO phải là người vừa gan vừa giàu. Muốn vậy trước hết họ phải có sức chịu đựng khủng khiếp. Thứ hai, phải có tầm nhìn xa trông rộng. Thứ ba, phải có tài bang giao khéo léo. Thứ tư, phải biết làm cho nội bộ trong ấm ngoài êm. Thứ năm, họ phải giữ sức khỏe tinh thần và vật chất thường xuyên ổn định. Cuối cùng, họ phải giữ được niềm vui trong công việc và cuộc sống. Nếu không, họ sẽ không còn là chính họ nữa.

  2. Xã hội ta dường như còn thiếu cái nhìn thiện cảm, hoặc thông cảm với CEO nói riêng, người giàu nói chung. Có lẽ vì giữa họ và công chúng, dư luận còn nhiều khoảng cách lớn. Mặt khác những người giàu thực thụ bằng sức lực trí tuệ thì ít mà có vẻ giàu thì nhiều. Nghĩa là Giàu nhưng chưa chắc Có. Nhưng dù sao, họ cũng là bộ phận quan trọng nhất của kinh tế thị trường. Nên biết ơn hơn là ghét bỏ họ. Không có họ, sẽ không còn những câu chuyện “hỉ nộ ái ố” trong cuộc sống. Như vậy thì buồn lắm ?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới