(KTSG Online) - Người trồng mía và doanh nghiệp sản xuất đường từng lao đao, phải thu hẹp hơn 50% diện tích trồng và nhà máy sản xuất vì không cạnh tranh được hàng giá rẻ từ bên ngoài tràn vào. Thế nhưng, sau khi áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) với sản phẩm nhập khẩu, ngành mía đường đã dần hồi sinh và cạnh tranh được với các thị trường trong khu vực.
- Việt Nam đang duy trì 22 biện pháp phòng vệ thương mại với hàng nhập khẩu
- Xuất khẩu Việt Nam chịu sức ép phòng vệ thương mại ngày một lớn
Cũng nhờ việc chủ động cảnh báo và tìm đến công cụ PVTM mà nhiều doanh nghiệp trong ngành sắt thép, phân bón… phần nào đã lấy lại thị phần ở “sân nhà”. Tuy nhiên, do ngại mất nhiều thời gian, tiền bạc và sợ lộ thông tin… nên hiện chưa có nhiều doanh nghiệp quan tâm, chủ động “tự vệ” để bảo vệ doanh nghiệp trước sức ép của bên ngoài.
"Tấm lá chắn" của sắt, mía đường...
Nói về sự hồi sinh ngành mía đường trong nước, ông Trần Vĩnh Chung, Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), nhớ lại thời điểm khó khăn của ngành của năm 2020. Theo chỉ thị của Chính phủ, ngành mía đường cần phấn đấu đạt hai triệu tấn như chỉ trong nửa đầu năm đó, có đến hơn 837.000 tấn đường giá rẻ từ Thái Lan nhập về.
"Giá đường Thái Lan bán ra thấp hơn chi phí sản xuất, đẩy các doanh nghiệp Việt Nam vào tình trạng “chết lâm sàng”, ông nói và cho biết, vì không thể cạnh tranh với đường ngoại nhập mà số lượng nhà máy đường từ 44 đã giảm còn 20 nhà máy. Diện tích trồng mía cũng giảm 50%, ảnh hưởng đến hơn 109.000 nông hộ.
Thế nhưng, việc phá giá của đường Thái Lan vẫn không dừng lại. Sau đó, giá lại tiếp tục giảm, có thời điểm chỉ còn khoảng 12.600 đồng/kg, thấp hơn giá bán tại nước nàyđến hơn 20% và thấp hơn một nửa so với giá ở Campuchia, Lào, Philippines.
Sau thời gian thu thập chứng cứ cho thấy ngành mía đường Thái Lan nhận trợ cấp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất trong nước, Hiệp hội Mía đường Việt Nam và Cục PVTM đã khởi xướng điều tra.
“Sau khi Việt Nam áp dụng các biện pháp PVTM đối với đường nhập khẩu vào 2021, ngành mía đường trong nước bắt đầu hồi sinh. Giá mua mía liên tục tăng qua 5 vụ liên tiếp", ông nói và cho biết, so với niên vụ năm 2019/20, giá mía tăng đến 152%.
Trong những niên vụ gần đây, giá mía của Việt Nam cũng tốt hơn so với Thái Lan. Cụ thể, giá mía niên vụ 2023/24 của Thái Lan là 935.000 đồng/tấn nhưng giá mía của Việt Nam 1,26 triệu đồng/tấn, cao hơn 35%. Nhờ vậy, diện tích trồng mía, sản lượng mía và đường tăng liên tục qua 4 vụ sản xuất gần đây.
Tương tự, với ngành thép, nhờ áp dụng công cụ PVTM mà doanh nghiệp thép trong nước đã cải thiện được việc kinh doanh và giữ được việc làm của hàng chục ngàn lao động.
Theo ông Đinh Quốc Thái, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), những năm gần đây, ngành thép toàn cầu đối mặt với vấn đề dư thừa công suất rất lớn, đặc biệt là từ Trung Quốc. Việc mất cân đối cung - cầu khiến nhà sản xuất thép Trung Quốc và nhiều nước khác tìm cách xuất sang các thị trường nước ngoài, trong đó có Việt Nam.
"Doanh nghiệp nước ngoài hạ giá để đẩy hàng tồn. Trong năm 2023, chỉ riêng thép nhập từ Trung Quốc đã chiếm đến 62% tổng lượng thép nhập của Việt Nam", ông nói.
Tuy nhiên, sau khi áp dụng các biện pháp PVTM, tình hình sản xuất của doanh nghiệp có sự cải thiện đáng kể, đảm bảo việc làm cho người lao động cũng như hoàn thành nghĩa vụ thuế. Từ đó, sức cạnh tranh của ngành thép cũng được nâng lên và hiện đáng đứng thứ 12 trên thế giới.
Ngoài mía đường và thép, trong thời gian qua, doanh nghiệp các ngành xơ sợi, bột ngọt, phân bón… cũng tìm đến công cụ PVTM để bảo vệ sản xuất trong nước trước sức ép của hàng hóa các nước đổ vào.
Theo Cục trưởng Cục PVTM (Bộ Công Thương) Trịnh Anh Tuấn, tính đến nay, Việt Nam đã tiến hành 30 cuộc điều tra PVTM và đang duy trì áp dụng 22 biện pháp PVTM đối với hàng nhập khẩu. Thu ngân sách hàng năm từ thuế PVTM đạt từ 1.200-1.500 tỉ đồng.
"Các công cụ PVTM được sử dụng hợp lý đang góp phần hỗ trợ các ngành sản xuất trong nước phát triển bền vững, từ đó đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động, đồng thời đem lại giá trị gia tăng cho nền kinh tế", ông Tuấn nói.
Cần mạnh mẽ hơn
Quy mô nền kinh tế và dung lượng thị trường Việt Nam càng lớn thì nhà sản xuất các nước càng tìm cách gia nhập để khai thác thị trường. Vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp trong nước cần sử dụng công cụ PVTM như "tấm lá chắn" để tự bảo vệ trước sự xâm nhập này.
Có những doanh nghiệp đã thực hiện các biện pháp tự bảo vệ và thành công giữ thị trường trong nước. Tuy nhiên, số lượng này còn ít, nhiều doanh nghiệp còn e ngại bởi các vụ kiện PVTM thường có chi phí cao, phức tạp và kéo dài. Thêm nữa, nhiều doanh chủ chưa tự tin thực hiện biện pháp này vì việc áp dụng các biện pháp PVTM đòi hỏi doanh nghiệp phải có kinh nghiệm tiến hành hoạt động điều tra cũng như số liệu, lập luận chuẩn xác để gửi lên các cơ quan có thẩm quyền.
Chẳng hạn, ông Thái của Hiệp hội Thép Việt Nam, cho biết để có dữ liệu về việc hàng nhập cạnh tranh không lành mạnh, doanh nghiệp trong ngành và VSA phải thu thập nhiều chứng cứ tốn rất nhiều tiền bạc và thời gian. Vụ việc kéo dài cả năm hoặc nhiều hơn.
Ở góc độ chuyên gia tư vấn cho các hiệp hội ngành hàng, ông Lê Sỹ Giảng, Giám đốc điều hành GH Consults (GHC), cũng cho rằng việc tham gia vào một vụ kiện PVTM là điều không đơn giản. Để cơ quan quản lý có thể hỗ trợ ngành hàng khởi kiện thì cần có những chứng cứ thực tế và phân tích cụ thể, đòi hỏi doanh nghiệp phải tập hợp rất nhiều dữ liệu và cung cấp nhiều thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, khâu tập hợp thông tin lại rất khó, nhiều doanh nghiệp dè chừng vì lo bị lộ thông tin sản xuất kinh doanh.
Vì vậy, ông cho rằng, trước khi chuẩn bị hồ sơ chi tiết cho vụ kiện... điều quan trọng nhất mà các chủ doanh nghiệp cần chuẩn bị là sẵn sàng tinh thần "chiến đấu" với doanh nghiệp nước ngoài, theo đến cùng vụ việc nhằm bảo vệ không chỉ doanh nghiệp mình và còn là bảo vệ sự tồn tại của toàn ngành. Sau đó, khi chuẩn bị làm hồ sơ, doanh nghiệp cần cung cấp đầy đủ dữ liệu với thông tin trung thực, hồ sơ đúng mẫu, kịp thời gian...
Chuyên gia này cũng cho rằng, Việt Nam hội nhập kinh tế nhanh nhưng kinh nghiệm áp dụng các biện pháp PVTM còn rất ít. Tuy nhiên, với những kết quả đạt được ban đầu, doanh nghiệp Việt có thêm niềm tin vào các công cụ PVTM để vận dụng công cụ này nhiều hơn nữa nhằm tự bảo vệ doanh nghiệp trước áp lực cạnh tranh ngày càng tăng từ doanh nghiệp nước ngoài.
Dù còn nhiều thách thức nhưng việc vận dụng hiệu quả các biện pháp PVTM hợp pháp, kết hợp với thiết lập các hàng rào kỹ thuật theo đúng chuẩn mực quốc tế sẽ góp phần đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng, lành mạnh giữa hàng hóa sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu.