Thứ ba, 28/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Khi giá điện cũng là công cụ quản lý, điều hành

Kinh tế Sài Gòn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Tại tọa đàm Tính đúng, tính đủ để có giá điện phù hợp do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, nói về cơ chế xác định giá bán lẻ điện hiện nay: “Khi quyết định giá, vì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hay có những năm hỗ trợ dịch bệnh, thiên tai... chúng ta không tính đủ giá thành của điện vào trong giá. Như năm ngoái, giá thành tăng 9,27% nhưng chúng ta chỉ điều chỉnh có 3%...”.

Còn theo ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: “Giá điện thì chúng ta vẫn giữ mức giá Nhà nước quy định, theo tinh thần giữ giá điện để hỗ trợ các lực lượng yếu thế, đấy là lập luận của chúng ta... Tuy nhiên, nó trả giá bằng câu chuyện là thị trường mất cân bằng, đặc biệt là bên sản xuất...”.

Những nhận xét trên, tuy ngắn gọn, nhưng cũng đủ để cho thấy giá bán lẻ điện, hay nói rộng hơn là giá các loại dịch vụ do Nhà nước quản lý gồm điện, y tế và giáo dục, không đơn thuần phụ thuộc vào chi phí đầu vào, mà còn phải gánh thêm những nhiệm vụ nặng nề khác như kiểm soát lạm phát, hỗ trợ an sinh xã hội.

Chẳng hạn như trong hai năm 2020-2021, tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã được chỉ đạo giảm giá điện tới 5 lần với tổng số tiền lên đến 16.950 tỉ đồng để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong đại dịch Covid-19; ngành y tế vào giáo dục cũng được yêu cầu không tăng giá dịch vụ. Những chỉ đạo tương tự như vậy cũng thường diễn ra khi nền kinh tế đứng trước áp lực lạm phát cao.

Điều đáng nói là việc giảm giá hoặc không được tăng giá các dịch vụ điện, y tế và giáo dục, bất chấp các chi phí đầu vào đã thay đổi, là thực hiện theo chỉ đạo nhằm thực hiện các mục tiêu ổn định vĩ mô và an sinh xã hội của Nhà nước, nhưng lại không được ngân sách nhà nước chi trả, mà các doanh nghiệp phải tự gánh vác và cái giá phải trả cũng rất rõ ràng - nền kinh tế luôn phải đối mặt với nguy cơ thiếu điện, còn bệnh viện và trường học thì thường xuyên trong tình trạng quá tải.

Trở lại với câu chuyện Tính đúng tính đủ để có giá điện phù hợp, để có thể “tính đúng” điều tiên quyết phải làm là xác định lại vai trò của EVN, tức là phải làm rõ nhiệm vụ nào là thuộc về EVN, với tư cách là một doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh điện, và nhiệm vụ nào vốn thuộc về Nhà nước nhưng EVN đang phải gánh vác. Chỉ khi nào tách bạch được chuyện này, trong đó phần chi phí để thực thi các chính sách xã hội cũng như phục vụ mục tiêu ổn định vĩ mô của Nhà nước thì Nhà nước phải có nghĩa vụ chi trả như là một khách hàng, thì khi ấy mới “có giá điện phù hợp” cho mọi khách hàng của ngành điện.

Việt Nam đã triển khai thị trường phát điện cạnh tranh từ 1-7-2012 và đến đầu năm 2019 đã chuyển sang thị trường bán buôn cạnh tranh. Nói cách khác, từ 1-1-2019 EVN đã phải mua điện theo giá thị trường để bán lại cho khách hàng, nên gần như toàn bộ rủi ro do biến động chi phí đầu vào như giá nhiên liệu, tỷ giá... EVN phải gánh chịu hết. Đây là nghịch lý và nó sẽ còn tiếp tục tồn tại cho đến khi EVN được hoạt động như một doanh nghiệp thực thụ.

3 BÌNH LUẬN

  1. ” Giá điện thì chúng ta vẫn giữ mức giá nhà nước qui định, theo tinh thần giữ giá điện để hỗ trợ các lực lượng yếu thế, đấy là lập luận của chúng ta. Tuy nhiên nó trả giá bằng câu chuyện là thị trường mất cân bằng, đặc biệt là bên sản xuất… ” Tiến sĩ Nguyễn Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhận xét như thế. Năm 2022, xóm tôi chi trả một kw điện trung bình 2.100 đ, giá thành một kw điện là 2.032 đ, còn bên sản xuất được ưu tiên chi trả một kw điện là 1.536 đ. Các tập đoàn, xí nghiệp sản xuất giàu có là các lực lượng yếu thế???

  2. Không bao giờ có công thức tính đúng/ tính đủ, một khi chưa hội đủ các yếu tố tự do cạnh tranh theo nguyên tắc thị trường. Điện năng, là ngành đặc thù từ xưa đến nay, chưa bao giờ đạt đến trình độ tự do hóa đầy đủ. Như vậy, vấn đề lớn nhất không phải là bao giờ thì mới tính đúng/ đủ giá điện, mà là bao giờ nhà nước mới mạnh dạn quyết định điều này ? Giá cả, tuy có thể quan trọng với một vài doanh nghiệp. Nhưng cái giá phải trả cho toàn bộ nền kinh tế – xã hội thì càng phải được nhà nước cân nhắc nhiều hơn.

  3. Điện/ Nước/ Không khí… là những thứ “tối cần” cho đời sống nhân dân. Nhà nước không bao giờ được phép đứng ngoài cuộc.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới