(KTSG) - Mối quan tâm ngay lập tức đối với thế giới là sự suy giảm kinh tế ở Trung Quốc sẽ có tác động lan tỏa đến nền kinh tế toàn cầu...
- Trung Quốc gia tăng mua dầu thô và than giá rẻ của Nga
- Trung Quốc bất ngờ hạ lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng
Kinh tế Trung Quốc “hắt hơi”
Vào tháng 1-2022, trong khi các nền kinh tế khác đang tràn đầy hứng khởi với việc nền kinh tế sẽ khởi sắc khi đại dịch Covid-19 đang được kiểm soát tốt trên diện rộng, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc từ mức 7,9% trong năm 2021 xuống còn 4,8% trong năm 2022.
Điều này bắt nguồn từ những đánh giá rủi ro về “căng thẳng tài chính” ở mức trung bình cao và lưu ý rằng “sự mất cân bằng kinh tế” của Trung Quốc đã trở nên tồi tệ hơn. Nhưng việc siết chặt quản lý tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản sau vụ vỡ nợ của Evergrande và làn sóng chấn chỉnh các tập đoàn công nghệ ở quy mô chưa từng có đã làm xấu thêm tình hình.
Mọi thứ chưa dừng lại. Chủ trương xây dựng một Trung Quốc “cùng giàu có” đã làm giảm động lực của nền kinh tế. Khi các nhà chức trách tiếp tục thực hiện chính sách zero Covid, các tỉnh chiếm gần 29% GDP quốc gia bị “khóa” một phần hoặc toàn bộ từ tháng 3 đến tháng 5, thì tình hình rất giống với câu nói “thêm dầu vào lửa”.
Điều này phản ánh ngay lập tức vào nền kinh tế Trung Quốc khi hàng loạt các cập nhật kinh tế đáng thất vọng trong tháng 7 cho thấy tăng trưởng vẫn ảm đạm trên nhiều khía cạnh. Khu vực công nghiệp chỉ tăng 3,8% so cùng kỳ (thấp hơn so với kỳ vọng 4,5%). Doanh số bán lẻ chỉ tăng 2,7% (thấp hơn nhiều so với kỳ vọng 5%).
Cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc tiếp tục gây tổn hại đối với đầu tư tài sản cố định khi chỉ số này chỉ tăng 5,7% trong bảy tháng đầu năm (giảm 50% so với cùng kỳ năm 2021).
Cuộc khủng hoảng đang phát triển nhanh chóng trên thị trường bất động sản là dấu hiệu dễ thấy nhất của sự mong manh. Doanh số bán bất động sản trong tháng 6-2022 thấp hơn gần 40% so với tháng 4 và đã giảm hai con số mỗi tháng kể từ giữa năm 2021. Vì lĩnh vực bất động sản chiếm tới 30% nền kinh tế và gần một nửa nguồn thu của chính quyền địa phương, nên sự yếu kém trong lĩnh vực này là tối quan trọng.
Kinh nghiệm của Nhật Bản trong những năm 1990 và Mỹ và châu Âu trong thời kỳ Đại suy thoái đưa ra một lưu ý cảnh báo về tình trạng trì trệ lâu dài có thể xảy ra, đặc biệt vì trong cả hai trường hợp trước đây, sự phụ thuộc vào bất động sản ít hơn so với Trung Quốc hiện thời.
Khu vực bất động sản không phải là vấn đề duy nhất của nền kinh tế. Trung Quốc có các vấn đề cơ cấu lâu dài mà phần lớn là trách nhiệm của các chính quyền địa phương. Việc chuyển hướng sang các doanh nghiệp nhà nước và nhiều nguồn tài chính do nhà nước chỉ đạo khó có thể phục hồi tăng trưởng vì hết nghiên cứu này đến nghiên cứu khác chỉ ra rằng năng suất của các doanh nghiệp này thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp tư nhân ở Trung Quốc và thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp cạnh tranh ở phương Tây và Đông Á.
Bên cạnh đó, mức nợ tích lũy cao do thâm hụt tài khóa (19% GDP vào năm 2020 và 15% vào năm 2021) đã hạn chế khả năng của Trung Quốc trong việc kích thích nền kinh tế thông qua đầu tư thêm vào cơ sở hạ tầng và nhà ở mặc dù các gói kích thích kinh tế được tung ra vào tháng 6 năm nay có quy mô đã tăng thêm tới 570 tỉ đô la Mỹ so với dự định ban đầu (bảng 1).
Trung Quốc đã công bố kế hoạch chuyển hướng sang tiêu dùng nội địa để dần dần tái cân bằng nền kinh tế khỏi đầu tư dựa vào nợ. Nhưng vì 80% của cải của hộ gia đình được gắn với bất động sản nên nếu vấn đề này không được giải quyết thấu đáo thì tiêu dùng sẽ giảm và tỷ lệ tiết kiệm lại tăng trưởng lại.
Kinh tế toàn cầu và Việt Nam “sổ mũi”?
IMF ước tính rằng GDP của Trung Quốc sụt giảm 1 điểm phần trăm sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng toàn cầu 0,1 điểm phần trăm (ppt). Bởi lẽ chỉ riêng lĩnh vực bất động sản của nước này đã hấp thụ 14% nhu cầu kim loại toàn cầu, 6% khoáng sản và 5% hóa chất.
IMF ước tính rằng GDP của Trung Quốc sụt giảm 1 điểm phần trăm sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng toàn cầu 0,1 điểm phần trăm (ppt).
Mối quan tâm thứ hai là sự gián đoạn về chuỗi cung ứng làm gia tăng chi phí logistics. Mặc dù điều này phần lớn bắt nguồn từ việc theo đuổi chính sách zero Covid một cách kiên trì nhưng khi nhu cầu kinh tế đang phục hồi và lạm phát do chi phí đẩy đang tăng cao thì các chính sách khép kín của Trung Quốc sẽ khiến cầu thế giới giảm và chi phí tăng thêm.
Tính lưu động trên toàn quốc ở Trung Quốc đã giảm 10% so với cùng kỳ trong tháng 6 - mặc dù mức này chỉ bằng một nửa so với cú sốc quan sát được vào tháng 2 đến tháng 3-2020. Ngay cả khi mức độ di chuyển bình thường trở lại từ tháng 5, thì tính lưu động trong quí 2-2022 sẽ giảm 1,7%.
Khối lượng tàu container neo đậu bên ngoài các cảng của Trung Quốc đã ở mức cao hơn bình thường trong tháng 3 đến tháng 5 năm nay với thặng dư trung bình hàng tháng lên tới 2,9% sản lượng hàng năm. Con số này gần sát so với mức trung bình là 3,7% vào cuối năm 2021, khi sự tắc nghẽn của chuỗi cung ứng toàn cầu là nghiêm trọng nhất. Do đó, thời gian giao hàng trong năm 2022 sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.
Đối với Việt Nam, sự gián đoạn chuỗi cung ứng của Trung Quốc là một cơ hội tốt để các nhà đầu tư nước ngoài tiến hành sự dịch chuyển sản xuất ở những ngành đòi hỏi sự phối hợp khu vực cao như điện tử, điện máy, thiết bị viễn thông.
Mối quan tâm thứ ba liên quan đến việc gián đoạn về logistics và chi phí gia tăng là sự sụt giảm của thương mại toàn cầu. Suy giảm nhu cầu từ nền kinh tế Trung Quốc, gián đoạn giao hàng làm các nước hụt xuất khẩu 140 tỉ đô la Mỹ trong năm nay.
Trong đó, riêng khu vực Đông Nam Á, mức sụt giảm thương mại có thể lên tới 12 tỉ đô la Mỹ với Việt Nam bị giảm khoảng 3 tỉ đô la Mỹ. Nhưng tác động thực từ việc gián đoạn hàng hóa trung gian, linh phụ kiện với tư cách hàng hóa đầu vào cho sản xuất của Việt Nam (ước tính lên tới 58 tỉ đô la Mỹ) sẽ lớn hơn sự thiệt hại về thương mại thuần túy.
Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng chậm lại của Trung Quốc và việc bảo hộ thị trường mạnh hơn (ít nhất ở thời điểm kinh tế suy giảm) cũng hàm ý rằng nhập siêu từ Trung Quốc có thể sẽ tăng mạnh trong năm 2022.
Cuối cùng, về mặt chính sách, bức tranh kinh tế Trung Quốc hiện nay có thể là một ví dụ tốt cho các nền kinh tế trong việc xem xét lại cách điều tiết và quản lý thị trường bất động sản, xa hơn nữa là xem xét về cách tạo nguồn thu bền vững cho chính quyền địa phương thông qua việc cải cách thuế và xem xét phát hành trái phiếu.
Cấm vận chip! Hoàng hôn công nghệ smartphone, xe điện, và tất cả thứ gì gắn chip, lấy gì xuất khẩu đây?!! Và suy thoái tại TQ còn rất dài