Thứ Năm, 12/09/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Khi một khoảnh khắc trở thành… vô tận

Nữ Lâm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – “Mọi chuyến bay yên bình đều giống nhau. Mỗi chuyến bay bất ổn lại bất ổn theo một cách riêng”. Sẽ ra sao nếu chúng ta có nhiều hơn một cuộc sống? Sẽ ra sao nếu “ta” có thêm một “ta”? Bằng cái giọng phớt tỉnh, đôi khi vờ nghiêm trọng, Hervé Le Tellier trong tiểu thuyết L’Anomalie để nỗi khắc khoải hiện sinh ẩn dưới một câu chuyện khoa học viễn tưởng hài hước đen tối, mang tinh thần giễu nhại. L’Anomalie đã mang về cho Hervé Le Tellier giải Goncourt của Pháp.

Từng có sách xuất bản từ những năm 1990 nhưng mãi đến năm 2020 khi cuốn L’Anomalie được chào đời, thì Hervé Le Tellier – ở tuổi lục tuần – mới gia nhập vào hàng ngũ những nhà văn có sách bán chạy ở Pháp. L’Anomalie đã được phát hành hơn một triệu bản, được hàng chục quốc gia trên thế giới mua bản quyền xuất bản và còn giúp Hervé Le Tellier giành giải Goncourt danh giá của Pháp. Tại Việt Nam, tựa sách L’Anomalie được dịch là Bất thường – do Thanh Nguyễn dịch, Nhã Nam và NXB Tổng hợp TPHCM ấn hành.

Một ghi chú cho độc giả lần đầu tiên đọc Bất thường, đó là bạn có thể bỏ qua thông tin bên lề giới thiệu cuốn sách. Trải nghiệm đọc cuốn tiểu thuyết này giống như đi trên hành lang dài khách sạn, hai bên là những cánh cửa phòng để ngỏ, bạn có thể bước vào căn phòng bất kỳ mà không đoán được nhân vật nào, “thứ gì” đang chờ đón mình.

Bất thường bắt đầu với chương về nhân vật tên Blake, một sát thủ lành nghề, chuyên nghiệp, chưa từng bị phát hiện và sống dưới những danh tính giả. Người đọc ngỡ sẽ bước vào một câu chuyện hình sự về cuộc đối đầu giữa nhà chức trách với một tay tội phạm, rồi thì ân oán tình thù, cừu hận chất chồng, rượt đuổi nghẹt thở… nhưng không phải.

Câu chuyện lại ngoặt sang Victor Miesel – một nhà văn thất bại kiêm dịch giả hạng xoàng, người không bao giờ có nổi một cuốn sách bán chạy hay được giới phê bình công nhận. Sau chuyến bay từ New York về Paris, ông viết một tiểu thuyết cũng tên là Bất thường, rồi ra ban công nhảy xuống. Cuốn tiểu thuyết được xuất bản, mọi người đổ xô vào vinh danh người nghệ sĩ vừa mất, một bữa tiệc văn chương sôi động diễn ra với những khuôn mặt người hài hước và nhố nhăng, nơi tiếng cười và nước mắt bị nhấn chìm trong màn âm thanh nửa như tiếng nhạc đưa ma nửa như thứ nhạc hoạt náo của anh hề. “Mọi vinh quang chỉ là một trò bịp, có lẽ chỉ ngoại trừ trong môn chạy bộ”, Victor Miesel đã viết như vậy trong cuốn di cảo của mình, giống một lời tiên tri.

Nhưng liệu câu chuyện của tay nhà văn yểu mệnh đã khép lại từ đây? Độc giả chưa kịp tiếc nuối, cảm thương, hay cười mai mỉa thì lập tức câu chuyện lại chuyển sang những tháng ngày cuối cùng của một bệnh nhân ung thư.

Cứ thế, Hervé Le Tellier dắt độc giả vào hành trình điên cuồng gần như bay khắp nơi, vụt qua những mảnh đời, những con người dù có thể gọi là tài năng nhưng không phải là bậc vĩ nhân gì. Họ vẫn chật vật sống, chật vật yêu, chật vật với cảm xúc của mình.

Hervé Le Tellier, sinh năm 1957 tại Paris, là nhà văn, nhà báo, nhà ngôn ngữ học, đồng thời cũng là một nhà toán học nổi tiếng người Pháp. Ông tham gia OuLiPo (Ouvroir de Littérature Potentielle – Xưởng Văn chương Tiềm tàng) từ năm 1992 và trở thành chủ tịch thứ tư của nhóm này từ năm 2019. Những gì ông thể hiện trong Bất thường khiến ta nhớ lại phong cách của các nhà văn tiền bối chung nhóm, những người không ít lần ông nhắc tới trong tác phẩm này như Raymond Queneau, Italo Calvino. Nếu Nếu một đêm đông có người lữ khách của Italo Calvino cho độc giả thấy một cuốn tiểu thuyết mà người đọc không bước ra khỏi đoạn khởi đầu thì Bất thường cho độc giả thấy một cuộc đời, cụ thể hơn là một khoảnh khắc không thể kết thúc.

Việc không có nhân vật chính, chuyển cảnh liên tục như thể thói quen lướt màn hình cảm ứng của con người hiện đại. Ta cứ kéo mãi, kéo mãi mà không dừng được, không bao giờ cạn thông tin. Điều mâu thuẫn là cũng chẳng bao giờ có đủ thời gian cho một ca khúc trọn vẹn được phát, phim ảnh thì “vón” lại thành các video tóm tắt. Không bao giờ đủ thời lượng cho một cuộc đời, thậm chí cho một khoảnh khắc.

Cho đến thời điểm, chính xác là trên chuyến bay Paris – New York của hãng Air France ngày 10-3-2021, những cuộc đời đã gặp nhau phải trải qua một chuyện chắc chỉ có trong… tiểu thuyết.

Chiếc phi cơ lao qua đám mây tích bão nhưng cuối cùng cũng hạ cánh an toàn. Nhưng vài tháng sau, chiếc máy bay y hệt, với hành khách y hệt đột ngột chui ra từ những đám mây, bị bắt buộc phải đáp xuống căn cứ không quân. Từ đó tình huống “bất thường” chưa từng có trong lịch sử hàng không, có thể nói là chưa từng có trong lịch sử văn minh nhân loại diễn ra. Hai sinh thể giống hệt nhau cùng tồn tại: một của thời gian thực, một là người của mấy tháng trước.

Hiện nay, một số người theo thuyết âm mưu đưa ra giả thuyết hoang đường rằng thật ra Trái đất chúng ta đang sống chỉ là một mô hình giả lập. Có lẽ, dựa trên điều này, Hervé Le Tellier đã viết nên Bất thường. Do một “lỗi phần mềm”, “máy tính vũ trụ” bị treo mà có sự lệch lạc và để hai phiên bản của hai thời gian khác nhau cùng hiện hữu.

Dĩ nhiên không phải ông muốn củng cố cho giả thuyết nêu trên mà thông qua giả thuyết ấy đặt ra những nan đề tồn tại. Sẽ ra sao nếu chúng ta có nhiều hơn một cuộc sống? Sẽ ra sao nếu “ta” có thêm một “ta”? Bằng cái giọng phớt tỉnh, đôi khi vờ nghiêm trọng, Hervé Le Tellier để nỗi khắc khoải hiện sinh ẩn dưới một câu chuyện khoa học viễn tưởng hài hước đen tối, mang tinh thần giễu nhại.

“Mọi chuyến bay yên bình đều giống nhau. Mỗi chuyến bay bất ổn lại bất ổn theo một cách riêng” (tr.59). Ngay câu này đã nhại câu mở đầu kinh điển trong tiểu thuyết Anna Karenina của Lev Tolstoy: “Mọi gia đình sung sướng đều giống nhau, nhưng mỗi gia đình bất hạnh lại khổ sở theo cách riêng”.

Cũng như Tolstoy, nhà văn Le Tellier viết về nỗi bất hạnh của cuộc đời, những cuộc đời rất khác nhau với những nỗi bất hạnh rất khác nhau. Người đàn ông lúc ngồi trên chuyến bay ngày 10-3-2021 không biết rằng mình sẽ phát bệnh ung thư và qua đời sau đó vài tháng. “Bản sao” của anh trở về mặt đất từ những đám mây, và cũng sẽ chết sau vài tháng vì ung thư. Đó là chuyện không thể thay đổi. Nhưng nếu biết mình còn vài tháng để sống, liệu ông sẽ chọn sống như thế nào? Những người thân của ông sẽ ra sao khi phải chứng kiến hết lần này đến lần khác cái chết đau đớn ấy?

Còn Victor Miesel. Con người này ở thời gian thực đã chết, nhưng Victor Miesel của mấy tháng sau vẫn còn sống. Anh sẽ sống tiếp thế nào, rút ra những bài học gì từ cuộc đời của Victor trước để có cuộc đời tươi sáng hơn, hay cuối cùng vẫn lựa chọn kết thúc đời mình ngoài ban công?

Hervé Le Tellier đẩy người đọc vào một tình huống nghịch dị để rồi chúng ta trăn trở không thể trước ý nghĩa cuộc sống hữu hạn này. Ông tạo ra tình huống cho phép một khoảnh khắc trở thành vô tận, và vì thế một cuộc đời (nhiều khả năng) không thể kết thúc, chưa bao giờ “bất tử” lại sống động và cũng đáng sợ như thế. Hệt như một câu Victor Miesel đã viết trong Bất thường. “Tôi không đặt dấu chấm hết cho sự tồn tại của mình, tôi trao sự sống cho sự bất tử”.

OuLiPo được Raymond Queneau và François Le Lionnais thành lập năm 1960, gồm các nhà văn và nhà toán học. Bằng các tác phẩm độc đáo của mình, họ đã khơi mở những hướng đi khác cho văn học hiện đại. Chẳng hạn như một câu chuyện được kể theo 99 cách của Raymond Queneau trong Exercices de style.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới