(KTSG Online) – Trong bối cảnh lãi suất vay thế chấp nhà tiếp tục xu hướng giảm dần, các chuyên gia cho biết đã có những tín hiệu đầu tiên về kỳ vọng phục hồi thị trường bất động sản trong thời gian tới. Tuy nhiên, sự ảm đạm của thị trường có thể còn kéo dài và giải pháp không chỉ đến từ việc hạ lãi suất.
Lãi suất cho vay thế chấp đang giảm đáng kể giúp áp lực tài chính của những khoản vay mua nhà hiện hữu.
Chị Trang, trước đó mua nhà dự án ở thành phố Thủ Đức và còn dư nợ hơn 1 tỉ đồng, cho biết hiện lãi suất vay ngân hàng thương mại tư nhân vừa giảm về mức 12,5%, giảm dần từ mức đỉnh 15,1% trước đó. Tuy nhiên, chị cũng cho biết mức lãi suất này vẫn cao hơn nhiều so với hồi trước dịch Covid-19, còn áp lực tài chính vẫn chưa giảm bớt vì giờ tình hình kinh tế đã khó khăn hơn.
Thị trường vào cuối năm sôi động hơn nhiều nếu so với 3 tháng trước, khi hàng loạt ngân hàng đẩy mạnh chào gói vay bất động sản với lãi suất ưu đãi. Một nhà băng có dư nợ cho vay tiêu dùng bất động sản thuộc nhóm dẫn đầu, công bố gói lãi suất ưu đãi 7,5-8%/năm với các khoản vay thế chấp, chấp nhận cả trường hợp đảo nợ.
Theo thống kê sơ bộ tại báo cáo kinh tế mới đây của Công ty quản lý quỹ VinaCapital, lãi suất vay thế chấp đã giảm đáng kể sau khi đạt đỉnh 16% tại một số ngân hàng vào đầu năm 2023. Lãi suất thế chấp hiện tương đương với mức trước đợt tăng mạnh lãi suất của Chính phủ vào năm ngoái.
Tại hội nghị vào giữa tháng 11, số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy tổng dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản tăng hơn 6% so với cuối năm 2022 và chiếm tỷ trọng khoảng 21,46% tổng dư nợ nền kinh tế.
Tuy nhiên, một điểm đáng chú ý là tín dụng kinh doanh bất động sản lại tăng rất mạnh, lên đến 21,86%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng chung và cùng kỳ năm trước, trong khi đó tín dụng bất động sản cho mục đích tiêu dùng lại giảm.
Một lãnh đạo NHNN tại một hội nghị gần đây, từng đưa ra đánh giá nhu cầu vay tiêu dùng cá nhân liên quan đến bất động sản giảm mạnh, còn nếu chi tiết hơn, tốc độ tăng trưởng cao ở lĩnh vực kinh doanh bất động sản lại liên quan đến nhóm khu công nghiệp, vốn đạt mức tăng trưởng cao trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực thu hút vốn FDI.
Trong nhiều cuộc họp thảo luận giải pháp tháo gỡ khó khăn của thị trường, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhiều lần nhấn mạnh cơ quan quản lý các tổ chức tín dụng chưa bao giờ cấm cho vay lĩnh vực bất động sản, nhưng phải đi theo nguyên tắc an toàn của ngành.
Vướng mắc nằm ở chỗ các khoản vay bất động sản thường là vay trung và dài hạn, nên các ngân hàng sẽ phải để ý đến các tỷ lệ an toàn khi dòng vốn huy động đa phần là ngắn hạn. Chưa kể đến việc tỷ lệ nợ xấu có khả năng tăng lên, đi cùng đó là tình hình tài chính của khách hàng kém lành mạnh hơn, cũng dẫn đến việc dòng vốn chảy vào bất động sản chững lại.
Còn ở góc nhìn phía bất động sản, câu chuyện không thể hấp thụ vốn vẫn đang diễn ra dù lãi suất đã giảm. Theo báo cáo thị trường công bố gần đây của Viện Nghiên cứu bất động sản Việt Nam và Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, bản thân các doanh nghiệp đủ điều kiện vay không mặn mà vì không nhìn thấy cơ hội kinh doanh, không có đầu ra. Thay vào đó, nhiều doanh nghiệp chủ động giảm chi phí, “thu mình” lại, khiến cho bản thân các ngân hàng cũng không thể cho vay.
Nhìn chung, câu chuyện xử lý thị trường bất động sản hiện nay là mấu chốt của những kỳ vọng phục hồi thị trường. Nếu các khoản vay hiện hữu trở thành nợ xấu, tình hình sẽ còn nghiêm trọng hơn không chỉ với phía ngân hàng, mà còn là nền kinh tế.
“Tăng trưởng tín dụng chậm là do đầu tư tư nhân và niềm tin của nhà đầu tư tiếp tục suy yếu, một phần liên quan đến tình trạng trì trệ của thị trường bất động sản”, báo cáo kinh tế Việt Nam của World Bank công bố hồi 18-12 nhận định.